Dàn ý chi tiết Phân tích nhân vật Thạch Sanh
1/ Mở bài
Giới thiệu nhân vật Thạch Sanh: Thạch Sanh là nhân vật để lại nhiều ấn tượng khó quên với người đọc bởi những đức tính tốt đẹp.
2/ Thân bài
-Xuất thân đặc biệt, là sự kết hợp của những điều bình thường và yếu tố phi thường.
-Là người chất phác, hiền lành, chăm chỉ, sẵn sàng xả thân vì người khác, không toan tính, vụ lợi.
-Là con người tài năng, quả cảm.
-Có tấm lòng nhân hậu, khoan dung.
-Yêu chuộng hòa bình.
-Nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo: xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập; kết hợp yếu tố bình thường và phi thường; sử dụng các chi tiết thần kì.
3/ Kết bài
Cảm nghĩ về nhân vật Thạch Sanh: Thạch Sanh là một con người toàn mỹ cả về tài năng lẫn nhân cách. Thông qua nhân vật Thạch Sanh tác giả muốn gửi gắm niềm tin, ước mơ về chân lý cái thiện luôn luôn thắng cái ác.
Phân tích nhân vật Thạch Sanh
Truyện cổ tích “Thạch Sanh” xoay quanh những biến cố, những thử thách trong cuộc đời mà Thạch Sanh phải đối mặt và vượt qua để tìm đến hạnh phúc. Nhân vật Thạch Sanh đã để lại những ấn tượng khó quên với người đọc bởi những đức tính tốt đẹp. Hình tượng chàng dũng sĩ Thạch Sanh đã thể hiện một cách thật trọn vẹn những quan niệm của nhân dân ta về việc cái thiện sẽ luôn luôn chiến thắng cái ác, ở hiền thì gặp lành.
Trước tiên, sự ra đời của Thạch Sanh rất kì lạ. Người mẹ mang thai vài năm nhưng mới sinh ra Thạch Sanh. Sau đó không bao lâu thì mẹ qua đời. Chàng sống một mình trong túp lều cũ dưới gốc đa, công việc hàng ngày là đốn củi kiếm sống. Sự ra đời của Thạch Sanh là sự kết hợp của những điều hết sức giản dị, bình thường với yếu tố kì lạ. Điều bình thường đó là chàng được sinh ra trong một gia đình với cha mẹ là những người là những người nông dân giống như bao người khác, hiền lành, chăm chỉ và tốt bụng.
Thạch Sanh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, chàng là đại diện cho tầng lớp thấp bé, nghèo khổ trong xã hội. Chàng sống lủi thủi một mình, hàng ngày đi đốn củi kiếm sống – một công việc hết sức bình dị. Tất cả đã tạo nên một hình ảnh gần gũi với đời sống nhân dân. Nhưng đằng sau vẻ bình dị ấy là một xuất thân hết sức đặc biệt: vốn là một Thái tử xuống đầu thai trở thành người phàm. Mẹ chàng mang thai nhiều năm mới sinh ra chàng. Điều này như dự báo trước những việc phi thường mà Thạch Sanh sẽ làm được trong tương lai, đồng thời khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn thu hút người đọc hơn.
Thạch Sanh là một con người thật thà, chất phác, cần cù lao động và tinh thần dũng cảm. Để có được hạnh phúc, chàng đã phải trải qua bao gian truân, thử thách. Là một người mô côi cha mẹ từ nhỏ, thiếu thốn tình thân nên khi Lý Thông ngỏ lời kết tình huynh đệ, chàng chẳng mảy may suy nghĩ mà đồng ý luôn. Trên thực tế Lý Thông không có ý tốt gì, chỉ muốn lợi dụng chàng để thực hiện ý đồ của hắn, hắn là kẻ mưu mô, xảo quyệt. Hắn nhờ chàng đi canh miếu thờ nhưng thực chất là đẩy chàng đến cái chết. Vốn hiền lành lại tin người nên Thạch Sanh đồng ý giúp Lý Thông. Trong đêm ấy, Thạch Sanh không những không bị giết mà chàng còn đánh bại chằn tinh. Lý Thông lại lừa chàng về túp lều cũ để lĩnh thưởng. Không chỉ vậy, khi Thạch Sanh cứu công chúa, Lý Thông lại hãm hại khiến chàng bị chôn vùi dưới hang sâu. Tại đây, chàng được con trai của vua Thủy Tề tặng một cây đàn thần. Chằn tinh và đại bàng bị Thạch Sanh tiêu diệt, hồn của chúng quay về báo thù khiến chàng bị giam trong ngục tối. Nhờ có tiếng đàn thần chàng đã tự giải cứu được cho chính mình, lật tẩy bộ mặt gian xảo, độc ác của mẹ con nhà Lý Thông và giúp công chúa lấy lại được tiếng nói. Những thử thách đến với chàng ngày một nhiều hơn và khó khăn hơn nhưng cũng đồng nghĩa với chiến công của chàng ngày một vĩ đại hơn. Tất cả những việc làm, những hành động ấy của Thạch Sanh đều cho thấy chàng là một con người hiền lành, chất phác, sẵn sàng xả thân vì người khác, không mưu toan, vụ lợi.
Không chỉ vậy, Thạch Sanh còn cho thấy mình là một con người hết sức tài năng và quả cảm. Trước những kẻ thù hung dữ như chằn tinh hay đại bàng, chàng chẳng hề nao núng, bình tĩnh dùng trí óc của mình để đánh bại chúng, giải cứu cho những người bị hại. Chàng cũng là người có tấm lòng nhân hậu, khoan dung. Dù biết mẹ con Lý Thông đã hãm hại mình rất nhiều lần, nhưng chàng vẫn tha thứ nhưng cuối cùng chúng cũng bị trời trừng phạt. Thạch Sanh chính là hiện thân của vẻ đẹp toàn mỹ, luôn đấu tranh chống lại cái ác để đem đến một cuộc sống tốt đẹp cho mọi người. Kết thúc truyện, Thạch Sanh nên duyên với công chúa, mẹ con Lí Thông bị trừng phạt thể hiện ước mơ về công lí của nhân dân.
Nhân vật Thạch Sanh còn là biểu tượng của tấm lòng nhân hậu cao cả, lòng yêu chuộng hòa bình của mọi người dân đất Việt. Điều này thể hiện rõ nét khi Thạch Sanh thu phục các nước chư hầu. Với tiếng đàn kì diệu được tạo nên bằng tài năng và cả tấm lòng, chàng đã khiến cho quân giặc “ bủn rủn chân tay, không còn nghĩ gì tới việc đánh nhau nữa”. Sau đó, chàng lại dùng niêu cơm thần để thiết đãi những kẻ thua trận. Chi tiết này vừa cho thấy tấm lòng nhân hậu, vị tha của Thạch Sanh, vừa thể hiện ước mong về cuộc sống đầy đủ no ấm của nhân dân ta.Ở Thạch Sanh hội tụ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam: hiền lành, thật thà, dũng cảm, kiên cường, tấm lòng nhân hậu và yêu chuộng hòa bình.
Nhân vật Thạch Sanh được xây dựng qua một cốt truyện hấp dẫn với hai tuyến nhân vật đối lập mà Thạch Sanh là đại diện cho cái thiện. Sự kết hợp giữa yếu tố bình thường và phi thường tạo cho nhân vật một sức hút lớn vừa giản dị nhưng cũng đầy bất ngờ. Cùng với đó là sự giúp sức của các chi tiết thần kì làm câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Kết thúc là cái kết có hậu, khi mà Thạch Sanh kết duyên với công chúa, qua đó thể hiện một chân lý muôn đời ở hiền gặp lành, thiện luôn luôn thắng ác.
Thạch Sanh là một con người toàn mỹ cả về nhân cách lẫn tài năng. Thông qua hình tượng nhân vật Thạch Sanh, các tác giả dân gian muốn gửi gắm niềm tin về đạo lí, công bằng trong xã hội, về chân lý bất di bất dịch ở hiền gặp lành, qua đó cũng thể hiện lòng yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta.