Dàn ý chi tiết bài văn Trình bày suy nghĩ của em về hình tượng bánh Chưng bánh Giầy
1/ Mở bài
Giới thiệu truyền thuyết bánh Chưng bánh Giầy, nhận định chung về hình tượng bánh Chưng bánh Giầy: Truyền thuyết bánh Chưng bánh Dày là truyền thuyết về hai loại bánh mà ngày nay chúng đã trở thành món ăn đại diện của dân tộc
2/ Thân bài:
Nêu suy nghĩ của em về hình tượng hai loại bánh:
+ Hình tượng về thiên nhiên đất trời: Khi vua Hùng thưởng thức món bánh của Lang Liêu như chính được thưởng thức hương vị của trời đất
+ Hình tượng về nhân dân lao động: Qua hình tượng bánh Chưng bánh Giầy chúng ta phần nào cảm thông và thấu hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn của người nông dân
+ Hình tượng về truyền thống văn hóa: Không thể thiếu hai loại bánh này trong mỗi dịp lễ Tết và chính chúng đã trở thành những giá trị văn hóa đặc sắc
+ Hình tượng về lịch sử trị vì đất nước: Có thể thấy đó là một sự sáng suốt, anh minh của vua Hùng, biết dựa vào dân, và lấy dân làm gốc
3/ Kết bài: Tóm tắt ý nghĩa hình tượng bánh Chưng bánh Giày: Như vậy có thể thấy hình tượng chiếc bánh Chưng bánh Giày mang rất nhiều ý nghĩa.
Trình bày suy nghĩ của em về hình tượng bánh Chưng bánh Giầy
Truyền thuyết bánh Chưng bánh giày là truyền thuyết về hai loại bánh mà ngày nay chúng đã trở thành món ăn đại diện của dân tộc, hình tượng bánh Chưng bánh Giày cũng chính là hình tượng của chiều dài lịch sử văn hóa, phản ánh phong tục tập quán truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Chiếc bánh hình vuông và hình tròn chính là bánh Chưng và bánh Giày, cả hai loại bánh đều được làm bằng từ những hạt gạo trắng ngần – thứ vốn bình dị và gần gũi nhưng lại chính là những hạt ngọc trời. Chiếc bánh Chưng có hình vuông, được gói bằng lá dong xanh mướt, bên trong có các thành phần là gạo nếp nguyên hạt, đỗ xanh và thịt lợn. Bánh Giày hình tròn, cũng được bọc bằng lá dong nhưng gạo nếp làm bánh lại được giã nhuyễn rồi nặn, cho nhân đỗ xanh chứ không cho thịt lợn. Khi vua Hùng thưởng thức món bánh của Lang Liêu như chính được thưởng thức hương vị của trời đất, những gì là tinh túy nhất của thiên nhiên, đất trời đã được gom lại chỉ bằng những hạt gạo này.
Hình tượng bánh Chưng bánh Giày chính là đại diện cho nền nông nghiệp nước ta, nó đại diện cho những sản phẩm của người nông dân lao động, ngành sản sản xuất chính của nước ta thời bấy giờ. Qua hình tượng bánh Chưng bánh Giày chúng ta phần nào cảm thông và thấu hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn của người nông dân để tạo ra được những hạt gạo nhỏ bé. Hình tượng bánh Chưng bánh Giày đã ăn sâu vào nếp sống và truyền thống của văn hóa Việt. Không thể thiếu hai loại bánh này trong mỗi dịp lễ Tết và chính chúng đã trở thành những giá trị văn hóa đặc sắc.
Hình ảnh bánh Chưng xanh, câu đối đỏ đã ăn sâu và tiềm thức mọi người. Khi nhớ về những loại bánh này chúng ta như nhớ về cội nguồn của mình, cội nguồn của dân tộc, hơn nữa đó là sản vật mang ý nghĩa tiếp nối và phát huy những giá trị văn hóa. Hai loại bánh còn là hình tượng về cách trị vì đất nước của vua Hùng, tiếp nối truyền thống lịch sử Văn Lang, vua Hùng không muốn kế vị vua theo kiểu máy móc cha truyền con nối, và con trưởng sẽ thay cha trị vì đất nước. Vua Hùng đã tìm người tài theo cách riêng của mình, và sẵn sàng giao phó đất nước cho người mình cảm thấy xứng đáng. Có thể thấy đó là một sự sáng suốt, anh minh của vua Hùng, biết dựa vào dân, và lấy dân làm gốc. Thông qua hình tượng bánh Chưng và bánh Giầy chúng ta luôn ghi nhớ đến truyền thống quý báu này để có thể xây dựng đất nước giàu mạnh, bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Như vậy có thể thấy hình tượng chiếc bánh Chưng bánh Giày mang rất nhiều ý nghĩa, và đối với mỗi người lại có những ý nghĩa khác nhau. Nhưng tóm lại mỗi dân tộc, mỗi đất nước chỉ có một hoặc hai món ăn đặc trưng, đại diện cho bản sắc văn hóa của dân tộc hay quốc gia đó và ở Việt Nam món ăn đó chính là bánh Chưng và bánh Giầy.