Dàn ý chi tiết Phân tích nhân vật Lang Liêu
1/ Mở bài
– Giới thiệu ý kiến về nhân vật trong truyện dân gian và nêu quan điểm của em về ý kiến đó: Có ý kiến cho rằng, chính những thế lực siêu nhiên này là yếu tố quyết định giúp cho nhân vật trong các truyện dân gian đến được với kết thúc có hậu. Tuy nhiên, ý kiến trên đã bỏ qua một yếu tố rất quan trọng, đó chính là bản thân các nhân vật đó. Chính sự nỗ lực, tài năng của nhân vật mới là yếu tố quyết định để nhân vật có được hạnh phúc cuối cùng.
– Dẫn dắt đến vấn đề cần phân tích: Nhân vật Lang Liêu trong truyền thuyết “Bánh chưng bánh giầy” sẽ giúp chúng ta hiểu rõ điều đó.
2/ Thân bài
– Nêu hoàn cảnh, xuất thân của nhân vật: Lang Liêu là chàng hoàng tử thứ mười tám – con vua Hùng Vương thứ sáu. Chàng sống ở ngoài cung điện, quanh năm làm bạn với ruộng đồng. Chàng luôn cần cù, chịu khó, say mê lao động. So với các lang khác được sống xa hoa, dư dả, Lang Liêu chỉ là một chàng hoàng tử nghèo. Khắp nhà chàng cũng chỉ có lúa, ngô, khoai, sắn.
– Thử thách mà nhân vật trải qua:
+ Hùng Vương đã già và muốn truyền ngôi cho một người con xứng đáng. Trong số 20 người con trai của mình, Hùng Vương không biết nên truyền ngôi cho ai. Vua bèn cho gọi các Lang lại và đưa ra điều kiện: “Trong ngày lễ Tiên Vương, nấu ai làm ta hài lòng thì ta sẽ truyền ngôi cho người đó”.
+ Các lang ai ai cũng muốn ngôi báu thuộc về mình nên sai người lên rừng xuống biển để tìm những của ngon vật lạ, mong làm vừa ý vua cha trong ngày lễ Tiên vương.
Vốn chỉ là một chàng hoàng tử nghèo, Lang Liêu rất buồn vì chàng không thể tìm những của ngon vật lạ hiếm quý đó.
– Sự trợ giúp của thế lực siêu nhiên:
Rồi một đêm, Lang Liêu nằm mơ và được thần mách bảo: “Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo. Chỉ có gạo mới nuôi sống con người và ăn không bao giờ chán. Các thứ khác tuy ngon, nhưng hiếm, mà người không làm ra được. Còn lúa gạo thì mình trồng lấy, trồng nhiều được nhiều. Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương”.
Lí do Lang Liêu được thần giúp đỡ:
+ Vì chàng là hoàng tử chịu nhiều thiệt thòi nhất.
+ Lí do chính khiến thần giúp đỡ Lang Liêu là bởi chàng yêu lao động, quanh năm làm bạn với ruộng đồng.
+ Lang Liêu còn là chàng hoàng tử chăm chỉ, thông minh. Chỉ từ một lời mách bảo của thần, chàng đã nghĩ ra cách làm hai thứ bánh
– Lang Liêu giành được ngôi báu:
+ Hai thứ bánh của Lang Liêu được làm từ những nguyên liệu tự nhiên: gạo, thịt lợn, đậu xanh, lá dong,… – đó đều là những thành quả có được từ lao động nông nghiệp.
+ Những chiếc bánh của Lang Liêu tuy giản dị nhưng lại hàm chứa những ý nghĩa tốt đẹp: “Bánh hình tròn là tượng trưng cho Trời, còn bánh hình vuông là tượng Đất. Các thứ thịt mỡ, đậu xanh, lá dong là tượng cầm thú, cây cỏ muôn loài. Lá bọc ngoài mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau” → Bánh chưng và bánh giầy không chỉ thể hiện ý nghĩa Trời – Đất giao hoà, mà còn nhắc nhở về sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.
– Lang Liêu đã giành được ngôi báu một phần nhờ sự giúp đỡ của thần, song ngôi báu mà chàng giành được chủ yếu là nhờ sự cần cù, chịu thương, chịu khó và sự thông minh, tháo vát của con người yêu lao động, gắn bó với ruộng đồng.
3/ Kết bài
- Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật: Như vậy, hình tượng nhân vật Lang Liêu trong truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy” đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng em bởi phẩm chất yêu lao động, cần cù, thông minh, tháo vát.
- Bài học em rút ra từ nhân vật: Em tự hứa với bản thân sẽ luôn cố gắng chăm chỉ trong lao động và học tập, để tương lai có thể trở thành một người tài giỏi như Lang Liêu.
Bài văn phân tích nhân vật Lang Liêu
Trong các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết dân gian, thường có sự xuất hiện của những yếu tố kì ảo với vai trò giúp đỡ cho nhân vật chính diện vượt qua những khó khăn, thử thách để tìm được hạnh phúc. Đó có thể một ông Bụt, bà tiên, một vị thần,… sẽ hiện lên và giúp đỡ nhân vật, đồng thời trừng trị những kẻ xấu xa tàn ác,… Chính vì thế mà có ý kiến cho rằng, chính những thế lực siêu nhiên này là yếu tố quyết định giúp cho nhân vật trong các truyện dân gian đến được với kết thúc có hậu. Tuy nhiên, ý kiến trên đã bỏ qua một yếu tố rất quan trọng, đó chính là bản thân các nhân vật đó. Chính sự nỗ lực, tài năng của nhân vật mới là yếu tố quyết định để nhân vật có được hạnh phúc cuối cùng. Nhân vật Lang Liêu trong truyền thuyết “Bánh chưng bánh giầy” sẽ giúp chúng ta hiểu rõ điều đó.
Lang Liêu là chàng hoàng tử thứ mười tám – con vua Hùng Vương thứ sáu. Thường khi nghĩ về một hoàng tử, chúng ta sẽ thường tưởng tượng ra một người được sống sung sướng trong lâu đài, cung điện, nhưng Lang Liêu thì khác. Chàng sống ở ngoài cung điện, quanh năm làm bạn với ruộng đồng. Chàng luôn cần cù, chịu khó, say mê lao động. So với các lang khác được sống xa hoa, dư dả, Lang Liêu chỉ là một chàng hoàng tử nghèo. Khắp nhà chàng cũng chỉ có lúa, ngô, khoai, sắn. Rồi một ngày kia, Hùng Vương đã già và muốn truyền ngôi cho một người con xứng đáng.
Trong số 20 người con trai của mình, Hùng Vương không biết nên truyền ngôi cho ai. Vua bèn cho gọi các Lang lại và đưa ra điều kiện: “Trong ngày lễ Tiên Vương, nấu ai làm ta hài lòng thì ta sẽ truyền ngôi cho người đó”. Các lang ai ai cũng muốn ngôi báu thuộc về mình nên sai người lên rừng xuống biển để tìm những của ngon vật lạ, mong làm vừa ý vua cha trong ngày lễ Tiên vương. Vốn chỉ là một chàng hoàng tử nghèo, Lang Liêu rất buồn vì chàng không thể tìm những của ngon vật lạ hiếm quý đó.
Rồi một đêm, Lang Liêu nằm mơ và được thần mách bảo: “Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo. Chỉ có gạo mới nuôi sống con người và ăn không bao giờ chán. Các thứ khác tuy ngon, nhưng hiếm, mà người không làm ra được. Còn lúa gạo thì mình trồng lấy, trồng nhiều được nhiều. Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương”. Ở đây, Lang Liêu được thần giúp đỡ vì chàng là hoàng tử chịu nhiều thiệt thòi nhất. Nhưng lý do chính khiến thần giúp đỡ Lang Liêu là bởi chàng yêu lao động, quanh năm làm bạn với ruộng đồng. Chính vì thế, Lang Liêu là người quen thuộc và gần gũi nhất với hạt gạo – thứ quý giá không gì sánh được trong tự nhiên.
Hơn nữa, Lang Liêu còn là chàng hoàng tử chăm chỉ, thông minh. Chỉ từ một lời mách bảo của thần, chàng đã nghĩ ra cách làm hai thứ bánh: “Chàng chọn thứ gạo nếp thơm lừng, trắng tinh, đem vo thật sạch, lấy đậu xanh, thịt lợn làm nhân, dùng lá dong trong vườn gói thành hình vuông, nấu một ngày một đêm thật nhừ. Cũng thứ gạo ấy, chàng đồ lên, giã nhuyễn, nặn hình tròn”. Hai thứ bánh của Lang Liêu được làm từ những nguyên liệu tự nhiên: gạo, thịt lợn, đậu xanh, lá dong,… – đó đều là những thành quả có được từ lao động nông nghiệp. Đúng như nhận xét của vua Hùng, những chiếc bánh của Lang Liêu tuy giản dị nhưng lại hàm chứa những ý nghĩa tốt đẹp: “Bánh hình tròn là tượng trưng cho Trời, còn bánh hình vuông là tượng Đất.
Các thứ thịt mỡ, đậu xanh, lá dong là tượng cầm thú, cây cỏ muôn loài. Lá bọc ngoài mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau”. Bánh chưng và bánh giầy không chỉ thể hiện ý nghĩa Trời – Đất giao hoà, mà còn nhắc nhở về sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Tinh thần đoàn kết đó giúp cho con người và vạn vật trong tự nhiên luôn giao hoà, tương trợ để cuộc sống trở nên cân bằng. Chính vì vậy mà Lang Liêu hoàn toàn xứng đáng được vua Hùng chọn làm người nối ngôi. Lang Liêu đã giành được ngôi báu một phần nhờ sự giúp đỡ của thần, song ngôi báu mà chàng giành được chủ yếu là nhờ sự cần cù, chịu thương, chịu khó và sự thông minh, tháo vát của con người yêu lao động, gắn bó với ruộng đồng.
Như vậy, hình tượng nhân vật Lang Liêu trong truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy” đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng em bởi phẩm chất yêu lao động, cần cù, thông minh, tháo vát. Em tự hứa với bản thân sẽ luôn cố gắng chăm chỉ trong lao động và học tập, để tương lai có thể trở thành một người tài giỏi như Lang Liêu.