Cuộc tranh hùng với võ sĩ Bọ Ngựa là một trang đời phiêu lưu của chú Dế Mèn. Mèn đã đi trẩy hội hoa may cùng họ chuồn chuồn. Một dịp may hiếm có đối với Mèn là nhân hội hoa may năm nay, dân cả vùng mở luôn hội thi võ đỏ kén ai tài giỏi nhất đứng ra coi sóc việc chung trong vùng. Mèn trẩy hội với bao hăm hở của một tráng sĩ.
Chưa lên võ đài, nhưng Mèn đã có vinh dự lớn "sơ kiến" võ sĩ Bọ Ngựa. Võ sĩ có "bước chân ngỗng", con mắt "đu đưa", lưỡi có "răng cưa". Hai lưỡi gươm lợi hại cắp bên mạng sườn. Hai sợi râu "phất lên phất xuống". Rất "hách dịch", đi đứng "ra lối quan dạng" tỏ vẻ ta đây, coi thiên hạ bằng nửa con mắt! Tại quán hàng cỏ, võ sĩ Bọ Ngựa đã "bổ luôn" một nhát gươm vào đầu Mèn "đau điếng" vì cái tội đi đứng "đủng đỉnh" mục hạ vô nhân của Mèn. Mèn "đá hậu cú song phi" nhưng võ sĩ Bọ Ngựa đã né được! Dưới mắt Mèn thì Bọ Ngựa chỉ có "mấy miếng võ xoàng", "cái oai rơm rác và lố bịch" ấy chẳng cần để mắt đến. Võ sĩ Bọ Ngựa là "cháu đích tôn cụ võ sư Bọ Ngựa", phen này sẽ tranh được "chân trạng võ", ai cũng sợ và tin như thế nên bác Cành Cạch đã hết lời khuyên Dế Mèn "mau mau tránh đi nơi khác...".
Tình tiết này rất hấp dẫn, tạo nên độ "căng" của tình thế. Liệu Mèn có dám thượng đài tỉ thí với võ sĩ Bọ Ngựa hay không? Sau khi Dế Trũi, người anh em kết nghĩa hạ đo ván võ sĩ Bọ Muỗm, Bọ Ngựa đã "nhảy vọt lên" võ đài với tiếng đáp vang động: "Có ta đây!" để đấu với Dế Trũi. Nhưng Dế Mèn đã nhảy phắt lên đài, quát: "Khoan khoan, đây trước đã. Nhớ hẹn chứ?". Một tiếng "à" của Bọ Ngựa, hai thanh gươm nghênh lên. Mèn quyết đấu với Bọ Ngựa vừa để tranh tài, vừa để rửa hận!
Tô Hoài kể chuyện rất hấp dẫn. Dế Mèn với Bọ Ngựa trở thành kỳ phùng địch thủ. Trước khi vào đấu là màn trổ tài. Võ sĩ Bọ Ngựa đi bài song kiếm rất điêu luyện. Bóng kiếm "loang loáng mù mịt như hoa may" rất đẹp mắt. Còn Mèn chỉ "ra oai sức khỏe", hếch đôi càng mẫm bóng "đạp phóng tanh tách" tuôn ra những luồng gió lớn... Hai võ sĩ đã xông vào nhau ra đòn bằng tuy lực và sở trường của mình, với những thể đánh, những miếng võ cực hiếm nhằm đánh gục đối thủ. Cuộc tranh hùng đã diễn ra qua ba hiệp.
Hiệp một, lợi thế nghiêng về võ sĩ Bọ ngựa. Bọ Ngựa "cao nên lợi đòn" đã dùng hai gươm bổ xuống đầu Mèn những nhát "chan chát". Mèn dùng "đầu gỗ lim" để chống đỡ, đồng thời áp sát vào đánh gần, cứ "nhè bụng" Bọ Ngựa mà đá, khiến địch thủ phải "hạ gươm xuống đỡ, mất đà đầu loạng choạng". Mèn đã đánh thấp, đánh gần, công thủ mưu trí nên về sau giành được thế chủ động làm cho võ sĩ Bọ Ngựa rối loạn đấu pháp.
Hiệp hai, Bọ Ngựa "đổi miếng ác", co gươm quắp cổ Mèn, "định lách gươm nghiêng vào khe họng" của Mèn, nơi có khe thịt dễ đứt! Mèn đã nhanh trí đổi công "cúi xuống, thúc nhanh một văng rất sâu vào bụng" Bọ Ngựa, làm cho địch thủ "choáng người".
Hiệp ba, Bọ Ngựa thất thế hoàn toàn "nhảy lộn qua lưng Mèn". Và Mèn đã bôi một đòn hiểm, giáng một đòn quyết định, hạ đo ván cháu đích tôn cụ võ sư Bọ Ngựa. Mèn lấy tấn, đá hậu đánh phách một đá trời giáng vào giữa mặt Bọ Ngựa làm cho hắn "rú lên" rơi tọt xuống võ đài. Đó là miếng võ gia truyền của họ nhà dế. Đám hội trở nên ồn ào nhốn nháo vì không ai ngờ võ sĩ Bọ Ngựa lại "thua nhanh và thua đau" như thế!
Dế Mèn và Dế Trũi được đám hội tôn lên làm chánh, phó thủ lĩnh đứng đầu các làng trong vùng cỏ may. Cả hai được đám hội xô vào làm kiệu rước. Dế Mèn đã đạt tới vinh quang tột đỉnh trên con đường phiêu lưu và du.
Đọc chương "Tranh hùng với võ sĩ Bọ Ngựa", ta cảm thấy mình như đang được mục kích những cuộc giao phong độ tài của các trang hiệp sĩ thời trung cổ. Tô Hoài đã sử dụng rất hay một số từ ngữ về võ thuật như: giang hồ, võ đồng môn, song kiếm, chùy, lên tấn, miếng võ, đường quyền, đá hậu, tranh lèo giật giải..., gợi tả không khí đua tranh của khách giang hồ thượng võ. Nghệ thuật tả loài vật, tả hoạt cảnh, lối kể chuyện có thắt, có mở, tạo đỉnh điểm cao trào cuộc tranh hùng giữa võ sĩ Bọ Ngựa và Dế Mèn... vô cùng hấp dẫn.
Qua đoạn văn này, ta thấy nhân vật Dế Mèn thật đáng yêu. Chú đã có một lối sống cao đẹp, đàng hoàng trước thiên hạ, dám đọ trí, đua tài với người đời.
Dế Mèn đánh thắng võ sĩ Bọ Ngựa đâu chỉ để tranh lèo giật giải mà còn thể hiện một cách ứng xử của các hảo hán, anh hùng xưa nay:
"Anh hùng tiếng đã gọi rằng
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!"
("Truyện Kiều" - Nguyễn Du)