Dàn ý chi tiết Suy nghĩ của em về truyện ngụ ngôn Chân tay tai mắt miệng
1/ Mở bài
Giới thiệu về câu chuyện: Dưới hình thức một truyện ngụ ngôn dí dỏm, “Chân tay tai mắt miệng” đã để lại cho em những bài học sâu sắc.
2/ Thân bài
– Truyện kể về những bộ phận trên cơ thể con người đó là chân, tay, tai, mắt, miệng.
– Chân, tay, tai, mắt vì cho rằng miệng lúc nào cũng ngồi không hưởng quả ngon, vật lạ mà không chịu làm việc nên đã nảy sinh ganh tị và đồng loạt bảo nhau không làm việc, để cho lão miệng tự kiếm cái ăn.
–> Sự đố kỵ của các bộ phận khiến chúng ngày càng yếu ớt, mệt mỏi. Nhưng cuối cùng họ cũng hiểu ra vấn đề và lại cùng nhau chung sống hòa thuận.
– Đằng sau đó, câu chuyện chứa đựng bài học thật sâu sắc. Giống như chân, tay, tai, mắt, miệng, mỗi một cá thể trong xã hội đều có mối liên hệ với nhau và chúng ta sẽ tạo thành một cộng đồng không thể tách rời.
–> Truyện đã khẳng định: trong xã hội, mỗi người là một cá tính riêng, có những khả năng, do đó sự phân công công việc và cách thức đóng góp cũng khác nhau.
– Bên cạnh mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, câu chuyện còn là lời răn dạy mỗi người không nên sống so bì, đố kị bởi điều đó sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm ảnh hưởng đến chính ta và đến những người quanh ta.
3/ Kết bài
Tổng kết giá trị câu chuyện: Lối kể chuyện dí dỏm đặc trưng của ngụ ngôn đã khiến câu chuyện dễ đi vào lòng người và khiến nó trở nên gần gũi hơn với tất cả mọi người. Câu chuyện tuy ngắn gọn nhưng những giá trị mà nó để lại sẽ còn ý nghĩa cho đến mãi về sau.
Suy nghĩ của em về truyện ngụ ngôn Chân tay tai mắt miệng
Chúng ta vẫn truyền tai nhau câu nói: “Đoàn kết là sức mạnh” và từ xa xưa ông cha ta đã nhận thức đúng về vai trò của đoàn kết và mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng. Dưới hình thức một truyện ngụ ngôn dí dỏm, “Chân tay tai mắt miệng” đã để lại cho em những bài học sâu sắc.
Truyện kể về những bộ phận trên cơ thể con người đó là chân, tay, tai, mắt, miệng. Chân, tay, tai, mắt vì cho rằng miệng lúc nào cũng ngồi không hưởng quả ngon, vật lạ mà không chịu làm việc nên đã nảy sinh ganh tị và đồng loạt bảo nhau không làm việc, để cho lão miệng tự kiếm cái ăn. Sự đố kỵ của các bộ phận khiến chúng ngày càng yếu ớt, mệt mỏi. Nhưng cuối cùng họ cũng hiểu ra vấn đề và lại cùng nhau chung sống hòa thuận.
Điều chúng ta dễ dàng nhận thấy nhất ở câu chuyện là nếu không có thức ăn cơ thể sẽ trở nên yếu ớt, mệt mỏi. Chân, tay bủn rủn, chẳng thể cất nổi mình. Mắt thì “suốt ngày lờ đờ, hai mí nặng trĩu”. Tai thì lúc nào cũng cảm thấy ù ù bên trong… Nhưng đằng sau đó, câu chuyện chứa đựng bài học thật sâu sắc. Giống như chân, tay, tai, mắt, miệng, mỗi một cá thể trong xã hội đều có mối liên hệ với nhau và chúng ta sẽ tạo thành một cộng đồng không thể tách rời. Truyện đã khẳng định: trong xã hội, mỗi người là một cá tính riêng, có những khả năng, do đó sự phân công công việc và cách thức đóng góp cũng khác nhau. Tuy vậy, cá nhân nào cũng phải có trách nhiệm với cộng đồng và nếu cá nhân đó chỉ biết sống cho mình thì sẽ không thể có một chỉnh thể thống nhất. Bên cạnh mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, câu chuyện còn là lời răn dạy mỗi người không nên sống so bì, đố kị bởi điều đó sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm ảnh hưởng đến chính ta và đến những người quanh ta. Vậy nên ta cần sống, làm việc và cống hiến hết mình cho xã hội, có như vậy cuộc sống của ta mới có ích.
Lối kể chuyện dí dỏm đặc trưng của ngụ ngôn đã khiến câu chuyện dễ đi vào lòng người và khiến nó trở nên gần gũi hơn với tất cả mọi người. Câu chuyện tuy ngắn gọn nhưng những giá trị mà nó để lại sẽ còn ý nghĩa cho đến mãi về sau.