Nhiệm vụ giúp mọi người qua sông Hồng này nay không chỉ có tôi mà có rất nhiều cây cầu ra đời sau như chú Chương Dương, Thăng Long…Nhưng trong tiềm thức, tình cảm của mỗi người, tôi mãi là một hình ảnh đẹp, một niềm tự hào cho thủ đô yêu dấu. Các bạn biết tôi là a rồi chứ. Tôi là cầu Long Biên bắc qua sông Hồng – Chứng nhân lịch sử của thủ đô xinh đẹp mà anh hùng.
Năm 1898, người ta bắt đầu tạo ra tôi, bốn năm sau thì hoàn tất. Lúc đầu người ta gọi tôi bằng cái tên rất Pháp – cầu Đu –me. Năm 1945, tôi mới được đổi tên là Long Biên. Nằm vắt qua hai bờ sông Hồng, tôi có nhiệm vụ nối đôi bờ để con người qua lại dễ dàng. Nhiệm vụ tuy nặng nề nhưng tôi rất tự hào và cố hết sức vì mọi người cũng rất yêu mến tôi.
Tôi càng kiêu hãnh hơn bởi cái dáng vẻ hùng dũng vừa dẻo dai, vững chắc, vừa oai vệ của mình. Thời bấy giờ ở cả xứ Đông Dương này đã có một anh cầu nào khoẻ mạnh, đẹp trai và oai phong như tôi đâu! Mà trên thế giới, tôi cũng chẳng thua kém chúng bạn là bao. Mẹ thường bảo tôi: “Con là một thành tựu quan trọng trong thời văn minh cầu sắt”. Nhiều lần, mấy gã giông bão ghen tị với tôi, vào hùa với nhau định nhấc tôi lên không trung để ném xuống làm tôi gãy xương, nhưng tôi vẫn sừng sững đứng đó, hai chân tôi choãi ra bám chắc vào lòng sông, đung đưa thân mình như trêu tức họ. Cả thần Nước cũng hậm hực với tôi, dâng nước lũ cuồn cuộn định nhấn chìm tôi. Nhưng đừng có mơ tưởng!
Thế là, suốt một thế kỉ, tôi tận tụy phục vụ người dân. Tôi đưa không biết bao nhiêu lượt người từ Hà Nội sang Gia Lâm, rồi từ Gia Lâm sang Hà Nội. Bao nhiêu chuyến xe khách, xe hàng đã từ bờ bắc sang bờ nam sông Hồng rồi ngược lại. Cả những đoàn tàu hỏa chạy xình xịch ở giữa lòng tôi. Những lúc ấy, lòng tôi hân hoan vô cùng.
Tôi gắn bó với con người Việt Nam hiền hoà và anh dũng suốt chiều dài thế kỉ, với bao kỉ niệm vui buồn. Kí ức tôi bây giờ vẫn còn hằn sâu những dấu ấn của những thời khắc lịch sử hào hùng. Một ngày đầu xuân năm 1947, tôi đã chứng kiến những người dân Thủ đô cùng trung đoàn yêu dấu của họ bí mật ra đi dưới chân tôi. Họ ra đi thầm lặng, tám năm, họ trở lại thủ đô, hùng dũng nện gót giày trên lưng tôi, miệng hát vang những lời ca bi thương và hùng tráng.
Những đêm ra đi đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hôn phất phơ mười phương cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa…
Thực ra, đây không phải là khúc ca khải hoàn, mà là lời ca ngợi họ nhớ lại cái ngày rời Hà Nội ra đi. Tôi không hiểu gì về âm nhạc, nhưng tôi nghe đoàn quân hát, lòng cũng thấy nao nao. Rồi những năm tháng Hà Nội bị máy bay Mỹ đánh phá, tôi trở thành mục tiêu ném bom dữ dội của không lực Hoa Kỳ (có lẽ chúng nhận ra tầm quan trọng của tôi). Bom Mỹ ném vào tôi tới hàng chục lần, khiến tôi bị thương nặng. Cả thân hình tôi tả tơi, rách nát, ứa máu. Nhưng tôi vẫn sừng sững đứng đó, hiên ngang bám trụ để đưa đón những lượt người và những đoàn xe qua sông.
– Có người lính, trước khi xa Hà Nội đã chạy đến chào từ biệt tôi. Chiến tranh kết thúc, người lính trở về giờ đã là một thương binh Anh đã bỏ lại một chân ở chiến trường Tây Nguyên. Anh chống nạng lò dò. từng bước đến gặp lại tôi. Chúng tôi gặp nhau sau gần 20 năm xa cách mừng mừng tủi tủi. Anh lặng lẽ ngồi xuống bên tôi, mắt đăm đăm nhìn – tôi, rồi nói:
– Cậu kiên cường lắm. Tôi bỗng thấy mình hạnh phúc quá!
Một thế kỉ tuổi đời với bao kỉ niệm khó quên, tôi làm sao có thể kể hết.
Ngày nay, tuổi đã cao, sức đã yếu, mọi người muốn tôi được nghỉ ngơi. Chú Chương Dương và Thăng Long cường tráng đã làm thay tôi các phần việc tôi đã hoàn thành xuất sắc gần một thế kỉ qua. Nhưng không phải vì thế mà mọi người lãng quên tôi. Trở thành chứng nhân của lịch sử. Mọi người, kể cả khách nước ngoài thường xuyên ghé thăm tôi, họ muốn tìm ở tôi những câu chuyện về lịch sử đất nước tôi – đất nước Việt Nam đau thương mà anh hùng.