Dàn ý chi tiết Hình tượng tiếng đàn và niêu cơm trong truyện cổ tích Thạch Sanh
1/ Mở bài
Giới thiệu truyện, hình ảnh tiếng đàn và niêu cơm: Thạch Sanh câu chuyện li kì hấp dẫn lưu truyền trong dân gian, xuyên suốt câu chuyện nổi bật lên là hình ảnh tiếng đàn và nồi cơm niêu với biểu tượng của sự hóa giải, tình nhân nghĩa trong nhân gian.
2/ Thân bài
– Hình tượng tiếng đàn: Tiếng đàn hóa giải
+ Tiếng đàn là vật kỉ niệm của vua Thủy Tề, giúp Thạch Sanh nhiều lần giải oan khi bị bắt vào ngục, giúp công chúa cười nói vui vẻ, giúp Thạch Sanh đánh giặc
+ Tiếng đàn như lời nói công lí, nói sự thật, thấu tình đạt lí
+Tiếng đàn giúp bản thân Thạch Sanh, giúp cho cả một dân tộc khi gặp khó khăn
– Hình tượng nồi cơm niêu: Nồi cơm nhân nghĩa
+ Nồi cơm niêu: Giải tỏa nỗi lo của nhà vua, của cả dân tộc, khiến quân địch thán phục, ngậm ngùi lui quân
+ Là biểu tượng cho đức tính người con đất Việt, tinh thần nhân đạo sâu sắc trong nhân dân, chuộng hòa bình, ghét chiến tranh.
3/ Kết bài
Cảm nghĩ hình ảnh tiếng đàn và niêu cơm: Hai hình ảnh nhỏ bé, thân thuộc với người dân nhưng qua tài năng trí tuệ tâm hồn người Việt đã xây dựng lên câu chuyện vừa độc đáo vừa mang đậm tính nhân văn.
Hình tượng tiếng đàn và niêu cơm trong truyện cổ tích Thạch Sanh
Truyện cổ dân gian được lưu truyền từ đời này sang đời này sang đời khác bởi sự li kì hấp dẫn của nó. Thật vậy, Thạch Sanh một câu chuyện truyền thuyết ca ngợi chàng dũng sĩ diệt chằn tinh, diệt đại bàng, dùng tài năng của mình cứu người bị hại, câu chuyện cũng muốn lên án tố cáo những kẻ vong ân bội nghĩa, những kẻ cướp công người khác, xuyên suốt câu chuyện nổi bật lên là hình ảnh tiếng đàn và nồi cơm niêu với biểu tượng của sự hóa giải, tình nhân nghĩa trong nhân gian.
Tiếng đàn hóa giải đưa người đọc qua nhiều suy nghĩ, mỗi người một cách cảm nhận tiếng đàn theo cách riêng của mình, nhận được cây đàn tri kỉ từ vua Thủy Tề trở về với cuộc sống thực tại, tiếp tục với cuộc đời lam lũ mình, con người chân chất thật thà đó coi cây đàn như vật kỉ niệm mà chàng luôn giữ gìn mang theo bên mình, cũng từ đây mà tiếng đàn đã nhiều lần giúp Thạch Sanh giải oan. Khi bị bắt giam vào ngục tiếng đàn cất lên thật thánh thót, như lời ai oán của Thạch Sanh khi những gì mình làm đều bị cướp công, tận sâu đáy lòng chàng chẳng muốn được đền đáp, bởi lòng nhân nghĩa của mình mà chàng ra tay cứu giúp nhưng tại sao chàng phải chịu sự tù đày khổ cực.
Nhân danh công lý tiếng đàn thay lời muốn nói, tiếng vang bênh vực người có công, kẻ vụ lợi cướp công lao của người khác. Qua văn thơ tiếng đàn đanh thép vô cùng, như một vị quan tòa phân xử công bằng cho những gì mà Thạch Sanh đã làm và những gì mà Thạch Sanh không đáng phải chịu. Không chỉ có vậy, tiếng đàn giúp nàng công chúa trước đây chỉ im lặng thẫn thờ nay cười nói vui vẻ, tiếng đàn đưa chàng trai tới gặp nhà vua, từ đây mà những bi kịch mà chàng phải chịu đựng đều được hóa giải. Là tiếng đàn thần kì bởi nó cho thấy công lí luôn tồn tại, tiếng đàn biết nói, nói một cách thấu tình đạt lí, nói lên sự thật.
Ngoài ra tiếng đàn còn giúp chàng trai đánh giặc, đại diện cho một quốc gia, một đất nước, một dân tộc đứng lên cất cao tiếng đàn như lời nói nhân nghĩa, căm thù chiến tranh, ưa chuộng hòa bình. Tiếng đàn giúp chàng hóa giải oan khuất của bản thân, rồi hóa giải khó khăn của cả một dân tộc, sự kì diệu đó là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng thành công truyện, ngoài tiếng đàn còn có hình ảnh nồi cơm niêu vô cùng đặc sắc.
Nồi cơm niêu mang biểu tượng của sự nhân nghĩa, chiến thắng Thạch Sanh qua tiếng đàn chỉ là bước đầu, nồi cơm niêu đã giải tỏa được nỗi lo của nhà vua, của nhân dân khi dùng nồi cơm nhỏ bé vừa chiêu đãi quân địch vừa đưa ra bài toán không có lời giải khiến chúng bội phục ngậm ngùi rút quân về nước, nồi cơm niêu nhỏ bé mà sao kì lạ đến vậy, nồi cơm mà bất cứ gia đình nào trong thời đại đó cũng có thể có được, nhưng không đơn giản như vậy, ẩn sâu phía bên trong hình ảnh nồi cơm niêu là bản chất từ xa xưa của người dân đất Việt, những người mang trong mình tinh thần nhân đạo sâu sắc, sự nhân đạo thể hiện giữa người với người không kể ai, thể hiện trên cả những kẻ muốn cướp nước, trong lòng luôn thể hiện sự thân thiện, mong muốn hòa bình, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Hai hình ảnh nhỏ bé, thân thuộc với người dân nhưng qua tài năng trí tuệ tâm hồn người Việt đã xây dựng lên câu chuyện vừa độc đáo vừa mang đậm tính nhân văn, mang thông điệp vô cùng ý nghĩa lưu truyền trong nhân gian tới những thế hệ sau.