Bài văn tả con đường làng vào lúc vụ mùa thu hoạch 1
Quê em là một làng cổ nằm giữa vùng đồng bằng trù phú của sông Hồng. Ngày ngày, bước chân em ln dấu trên con đường làng quen thuộc. Mỗi khi mùa gặt đến, em cảm thấy con đường như thay đổi hẳn.
Đường làng em không rộng lắm nhưng lúc nào cũng phẳng phiu, sạch sẽ. Bà em kể rằng, lệ làng ngày xưa quy định cứ mỗi cô gái đi lấy chồng là phải nộp cheo cho làng hai trăm viên gạch để lát đường. Vì thế, con đường khá dài được lát bằng gạch son đều tăm tắp, trông như một dải lụa mềm mại uốn quanh thôn xóm.
Ngày thường, không khí làng quê thật thanh bình, yên ả. Sáng sớm, bà con nông dân ra đồng làm việc. Người vác cày, dắt trâu, kẻ gánh phân, gánh mạ... đi trên đường làng. Mùa gặt tới, con đường như nhỏ lại. Từ sáng sớm đến chiều tối, lúc nào mặt đường cũng rậm rịch bước chân. Tiếng cười tiếng nói rộn rã, xôn xao. Xe cộ, gồng gánh nối tiếp nhau không dứt.
Lúa gặt xong bó thành từng lượm, chất đầy trên các xe cải tiến kéo về làng. Hàng đoàn người kĩu kịt gánh lúa trên vai, mồ hôi ướt đẫm lưng áo bạc màu. Gương mặt các chị hồng lên, tươi rói dưới ánh nắng trưa. Trên sân phơi từng nhà, lúa chất thành từng đống lớn. Máy tuốt lúa chạy ầm ầm, thóc vàng bắn ra như mưa rào rồi được sàng sẩy thật sạch, đem phơi. Đường làng trải một lượt rơm mới vàng óng, thơm nồng, mùi vị quê hương quyến rũ, thật khó quên. Chúng em chạy nhảy tung tăng trên lớp thảm rơm êm ái. Em hít căng lồng ngực không khí thơm tho, trong lành của ngày mùa.
Những ngày thu hoạch khẩn trương, vất vả rồi cũng qua đi. Con đường trở lại quang đãng, yên ả. Màu gạch đỏ như son, hàng gạch chỉ viền hai bên nghiêng nghiêng thanh tú. Dường như sau những ngày chia sẻ nỗi cực nhọc, lo toan cùng với người nông dân, con đường giờ đây nằm duỗi dài thanh thản nghỉ ngơi. Chắc nó cũng rất vui trước một vụ mùa thắng lợi. Em thấy yêu mến và tự hào về con người cùng cảnh đẹp quê hương.
Bài văn tả con đường làng vào lúc vụ mùa thu hoạch 2
Trên con đường làng mấp mô đầy đất đang mùa thu hoạch. Những cơn mưa lùi xa để lại dấu ấn trên con đường làng. Con đường lầy lội đặc những vết xe đi nay được nắng sấy cho khô lại không trơn trượt như mấy hôm trước nhưng vẫn đầy bùn đất dính vào bánh xe.
Trên con đường đất ẩm những người nông dân rộn rã vui vẻ đi cắt lúa sớm. Họ chẳng quản trời chưa sáng, họ đi tờ mờ sáng, người vợ đèo đứa con lớn, người chồng đánh chiếc xe bò nhỏ. Người dân đi theo từng đoàn tiếp nối nhau trên con đường khó đi ấy. Tiếng con bò mẹ nhớ con ở nhà mà kêu o o suốt đường đi, tiếng xe máy bíp còi xin đường vượt lên trước. Tiếng mấy bà mẹ có ruộng gần nhau hỏi í ới “nay cắt ở đâu, lúa chín chửa, cắt nhanh thế!”. Tiếng xe công nông nhà nào cũng đi cắt lúa, tiếng đầu máy nổ ròn rã nghe thật vui tai. Tất cả những âm thanh ấy làm nên một vụ thu hoạch tươi vui rộn rã.
Trưa đến con đường càng khô lại càng dễ đi, những người con về nhà nấu cơm ăn cơm và mang cơm lên đồng cho bố mẹ. Những người nông dân cần mẫn làm không nghỉ tay, họ muốn kết thúc nhanh để còn làm việc khác. Những chiếc liềm sắc bén, tiếng cắt lúa nghe rất ngọt. Họ nghỉ trưa và ăn cơm đồng, những cặp lồng cơm nóng hổi và những món ăn giản dị như miếng đậu, cái rau, cái dưa. Làm lụng vất vả, mệt nhọc nên ăn cái gì cũng thấy ngon. Chiếc xe ba gác để trên đường, con đường nhỏ hẹp ấy vừa để đi vừa để đỗ xe chất lúa lên cho nên rất chật. Những người lái xe đầu dọc phải khéo léo lắm mới có thể lách qua được chỗ khó đi ấy.
Chiều về nhà nào nhà nấy đầy ụ những lượm lúa, họ chẳng chịt lại cẩn thận. Con bò đi cả ngày giờ cũng được về với con của mình, con bê nhỏ đang khát sửa gọi mẹ be be. Người dân lại nô nức ra về sau một ngày làm lụng vất vả.
Bài văn tả con đường làng vào lúc vụ mùa thu hoạch 3
Em sẽ chẳng bao giờ quên hình ảnh một đám cưới trên con đường rơm ở quê mình. Cô dâu, chú rể đi trên rơm. Đoàn người đi trên con đường vàng óng, thơm mùi thóc lúa. Hồi nhỏ, mỗi lúc được về quê đúng vụ gặt, em lại được mấy cu hàng xóm rủ chơi trận giả. Chiến trường là những đống rơm ven đường làng, tha hồ mà núp, tha hồ lăn lộn trên rơm.
Trẻ con ngày đó không có nhiều trò chơi công nghệ cao như bây giờ nhưng lại có nhiều trò chơi với… rơm. Quái nhất là lấy rơm tươi phi vào xe đạp của mấy bạn gái cùng tuổi trong xóm. Rơm quấn vào líp xe đạp thì không thể nào đi nổi.
Ra đồng thả trâu, các bạn mang đi những nút bằng rơm. Nút đó được bện chặt, trước khi đi chăn trâu, châm lửa rồi, nó có thể giữ được lửa cháy đến chiều. Nhờ có lửa, có rơm mà sinh ra đủ trò cho mấy bạn: nướng khoai, nướng cá, hun chuột. Người quê em không đốt rơm luôn ở ngoài đồng như một số nơi. Lúc gặt, họ mang cả cây về nhà rồi mới tuốt lúa. Cây lúa sau khi đã tách hết hạt, đem phơi khô được gọi là rơm.
Người ta phơi rơm khắp đường làng, thế mới có những con đường rơm. Tối đến lại đánh đống thành những đống rơm nhỏ, đợi ngày sau phơi tiếp đến khi khô nỏ, vàng óng. Sau vụ gặt, nhà nào cũng đánh một đống rơm to đùng, cao quá nóc nhà. Giờ về quê, em thấy còn rất ít những đống rơm như thế.
Bà Ngoại em bảo đánh đống rơm để dự phòng cho trâu, bò ăn rồi để đun nấu. Thích nhất là được ăn cơm đun rơm, nấu bằng nồi gang, lửa cháy bùng bùng, nấu cơm sẽ có cháy quanh nồi, ăn rất ngon. Bà Ngoại còn chọn mớ rơm nếp, những mớ rơm ngon nhất, tỉ mỉ ngồi tết thành những chiếc chổi rơm. Làm chổi rơm trông lạ mắt mà quét thì lâu mòn.
Rơm còn được dùng như một thứ dây buộc, buộc mạ, xâu cá, xâu ếch. Loại rơm làm dây buộc cũng phải chọn, là những cọng rơm to và dai. Em thấy mấy bác hàng xóm phơi trên nóc bếp, dựng lên, xòe ra như những cái bắt cá. Chắc nhưng ai ở quê thì mới biết đến công dụng của rơm. Vì thế, nhiều người nghĩ rơm là thứ bỏ đi.
Lúc này, em đang đi trên những con đường rơm dẫn vào làng. Từng bước chân êm như bước trên thảm. Con đường rơm nhắc em nhớ tới quê hương của mình, nhắc em phải luôn biết tận dụng và trân trọng những gì mình có.