Dàn ý chi tiết Ý nghĩa và bài học của truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng
Mở bài
Giới thiệu truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng: Ếch ngồi đáy giếng không chỉ là một câu thành ngữ quen thuộc mà còn là nhan đề của một câu chuyện ngụ ngôn đầy ý nghĩa. Thông qua câu chuyện về một chú ếch coi trời bằng vung, tác phẩm ngụ ngôn đã để lại những bài học sâu sắc về thái độ sống và làm việc của con người.
Thân bài
– Câu chuyện thể hiện ý nghĩa về cách giải quyết mối quan hệ giữa con người và môi trường sống:
+ Dù sống trong môi trường tốt hay xấu, rộng lớn hay hạn hẹp thì con người cũng không được kiêu căng, tự phụ.
+ Vì sống lâu ngày trong một cái giếng nên ếch chỉ nhìn thấy và cho rằng bầu trời cao xanh vời vợi chỉ bé bằng cái vung.
+ Thông qua cách đánh giá lệch lạc của chú ếch, câu chuyện hàm chứa ý nghĩa khuyên nhủ con người phải giữ thái độ khiêm tốn, không kiêu căng tự phụ.
– Câu chuyện Ếch ngồi đáy giếng còn thể hiện bài học về tinh thần học hỏi.
+ Chú ếch vẫn giữ nguyên thái độ sống và không để ý đến sự thay đổi xung quanh
+ Thế giới vô cùng bao la, rộng lớn, bởi vậy chúng ta cần nỗ lực học hỏi để mở mang tầm hiểu biết của mình.
– Cái chết của chú ếch ở phần kết thúc câu chuyện chính là kết quả tất yếu mà nó phải trả giá cho thói kiêu căng, tự phụ:
+ Thói huênh hoang có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
+ Khi thay đổi hoàn cảnh tồn tại, chúng ra cần thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá để thích nghi với mọi vật xung quanh.
Kết bài
Khái quát lại ý nghĩa của câu chuyện: Thông qua câu chuyện của chú ếch, truyện ngầm phê phán những kẻ có hiểu biết hạn hẹp nhưng luôn kiêu căng tự phụ. Đồng thời Ếch ngồi đáy giếng còn thể hiện bài học mang tính giáo dục sâu sắc về việc học hỏi, quan sát để mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết của mình, không nên chủ quan, kiêu ngạo.
Ý nghĩa và bài học của truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng
Ếch ngồi đáy giếng không chỉ là một câu thành ngữ quen thuộc mà còn là nhan đề của một câu chuyện ngụ ngôn đầy ý nghĩa. Thông qua câu chuyện về một chú ếch coi trời bằng vung, tác phẩm ngụ ngôn đã để lại những bài học sâu sắc về thái độ sống và làm việc của con người.
Trước hết, câu chuyện thể hiện ý nghĩa về cách giải quyết mối quan hệ giữa con người và môi trường sống: dù sống trong môi trường tốt hay xấu, rộng lớn hay hạn hẹp thì con người cũng không được kiêu căng, tự phụ và cũng không được coi thường người khác. Trong tác phẩm, tác giả dân gian đã khéo léo thiết lập mối quan hệ giữa bối cảnh sống và cách nhìn đời của chú ếch. Vì sống lâu ngày trong một cái giếng nên ếch chỉ nhìn thấy và cho rằng bầu trời cao xanh vời vợi chỉ bé bằng cái vung; và dưới giếng lâu nay chỉ có những loài vật nhỏ bé như cua, ốc, nhái sinh sống. Một môi trường nhỏ bé, hạn hẹp sẽ làm hạn chế tầm nhìn và thái độ sống của con người. Chính những yếu tố đó đã hình thành nên suy nghĩ thiển cận của chú ếch. Nó nghiễm nhiên phong cho mình là chúa tể muôn loài. Từ suy nghĩ đến hành động và thái độ, ếch vẫn luôn tự cho mình là mạnh nhất. Thông qua cách đánh giá lệch lạc của chú ếch, câu chuyện hàm chứa ý nghĩa khuyên nhủ con người phải giữ thái độ khiêm tốn, không kiêu căng tự phụ dù ở bất cứ hoàn cảnh sống nào.
Câu chuyện Ếch ngồi đáy giếng còn thể hiện bài học về tinh thần học hỏi. Trận mưa rào đã khiến cho giếng nước bị tràn và ếch ra khỏi giếng. Điều này đã làm cho hoàn cảnh sống của chú ếch bị thay đổi đột ngột, từ phạm vi hạn hẹp đến một không gian rộng lớn. Vậy mà chú ếch vẫn giữ nguyên thái độ sống và không để ý đến sự thay đổi xung quanh và cho rằng bầu trời trên đầu lúc này cũng chỉ là bầu trời mà nó đã nhìn nhận qua miệng giếng bé nhỏ. Thế giới vô cùng bao la, rộng lớn, bởi vậy chúng ta cần nỗ lực học hỏi để mở mang tầm hiểu biết của mình.
Cái chết của chú ếch ở phần kết thúc câu chuyện chính là kết quả tất yếu mà nó phải trả giá cho thói kiêu căng, tự phụ. Nếu như nó thay đổi cách nhìn và chú ý quan sát mọi thứ xung quanh hơn nữa thì chắc chắn sẽ không có điều đáng tiếc như vậy xảy ra. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng, thói huênh hoang có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, và thậm chí là phải trả giá bằng mạng sống của mình. Bởi vậy, trong cuộc sống, khi thay đổi hoàn cảnh tồn tại, chúng ra cần thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá để thích nghi với mọi vật xung quanh.
Thông qua câu chuyện của chú ếch, truyện ngầm phê phán những kẻ có hiểu biết hạn hẹp nhưng luôn kiêu căng tự phụ. Đồng thời Ếch ngồi đáy giếng còn thể hiện bài học mang tính giáo dục sâu sắc về việc học hỏi, quan sát để mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết của mình, không nên chủ quan, kiêu ngạo.