Những bài ca dao, những khúc hát ru , những bài đồng dao quen thuộc mà giản dị được các bà, các mẹ, các chị ta hát lúc ta còn nằm trong nôi. Ca dao dân ca Việt Nam không chỉ là món ăn tinh thần tạo cho cuộc sống vất vả một màu sắc tươi vui hơn mà nó còn thể hiện ý nghĩa, những điều mà dân gian gửi gắm. Một kho tàng đồ sộ được nhân dân lao động tích lũy và lưu truyền. Tôi vẫn còn nhớ bài ca dao:
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao,
Ông ơi ông vớt tôi nao.
Tôi có lòng nào hãy xào với măng,
Có xào thì xào nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.”
Mỗi lần đặt tôi vào võng, “tay đưa nôi và tim hát thành lời”, tôi lại được bà ru ngủ thật dễ dàng. Những câu hát ấy hằn sâu trong trí nhớ của tôi mà lớn lên nó đã trở thành một câu chuyện tôi vẫn thường kể lại cho các em tôi nghe. Không ai đã từng một lần trong đời được nghe hát, hò với những câu thơ, lời hát có hình ảnh con cò, rặng tre, cánh đồng… Đó là một câu chuyện kể về cuộc kiếm ăn vào ban đêm của con cò- một loài động vật thường kiếm ăn vào ban đêm ở các vũng nước trũng và đục, nhưng không may “đậu phải cành mềm” mà bị “lộn cổ xuống ao”. Con cò van xin lão nông cứu giúp, mong ông rủ lòng thương mà tha mạng. Nếu có lòng thì xào cò bằng nước trong, “đừng xáo nước đục” làm “đau lòng cò con”. Lúc “kết liễu” đời mình, cò mong muốn được xào với “nước trong” để phần nào an ủi được số phận long đong, lận đận, kiếp kiếm ăn đêm vất vả nuôi con. Hình ảnh con cò trắng giữa đêm tối khiến ta liên tưởng đến hình ảnh người phụ nữ, người mẹ miệt mài, lam lũ làm việc để kiếm miếng cơm manh áo cho con cái. Ta tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc, xót xa và thương cảm trước số phận con cò nói riêng đồng thời đối với người phụ nữ lam lũ trong xã hội lúc bấy giờ. Tác giả dân gian đề cao tấm lòng thương con, sự hi sinh, cần cù, chịu khó đáng trân trọng của người mẹ.
Bài thơ chỉ có sáu dòng và câu chuyện nói về hình ảnh con cò đi kiếm ăn mang ý nghĩa sâu sắc. Đó không chỉ là công việc kiếm ăn đơn thuần của một con cò mà nó còn là biểu tượng cho kiếp người lam lũ, kiếm miếng cơm manh áo vào cả lúc đêm khuya. “Con cò mà đi ăn đêm”, câu thơ như một tiếng than cho số phận. Động từ “lộn” được sử dụng khá đắt giá, khắc họa rõ nét hình ảnh cò vướng phải chướng ngại vật. “Lộn” là chao đảo, là lộn ngược dáng hình nhỏ bé, đáng thương. Biết chắc khi “lộn cổ” thì sẽ không được sống sót nên cò mới năn nỉ “xào với măng”. Nó nói lên mong muốn khi “xào cò”, khi đã chết đi, cò mong muốn được xào “nước trong” để xoa dịu bớt phần nào nỗi đau .Với nhịp thơ 2/2/3 và 4/4, sử dụng các hình ảnh quen thuộc, gần gũi, đậm chất thôn quê, giọng thơ nhẹ nhàng như lời tâm tình, thủ thỉ tạo nên âm điệu nhẹ nhàng, truyền cảm. Nhắc đến hình ảnh con cò là nhắc đến hình ảnh người phụ nữ tần tảo, giàu đức hi sinh, giàu tình yêu thương, chịu khó khăn, vất vả để nuôi con. Để mang lại cho con một cuộc sống ấm no, đầy đủ, người mẹ đã phải trải qua khó khăn, nhọc nhằn. Ca dao Việt Nam đa nghĩa, không chỉ đơn thuần nói lên cuộc đời, cuộc kiếm ăn của con cò mà qua đó còn phản ánh hình ảnh người phụ nữ lam lũ, vất vả, mang tầng lớp ý nghĩa sâu sắc.
Qua bài ca dao, ta thấy được dụng ý, bài học mà dân gian gửi gắm, đồng thời nhắc nhở mỗi chúng ta cần biết yêu thương, vâng lời ông bà cha mẹ đồng thời gợi nhớ lại một thời nằm nôi mà mỗi chúng ta ai ai cũng đã từng. Mỗi lần nghe văng vẳng đâu đây tiếng hát ru, tôi lại nhớ đến bà tôi, đến những buổi trưa hè được nằm võng đung đưa và nghe:
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”