Truyện cổ tích là một thể loại truyện luôn hấp dẫn và cuốn hút đối với bất cứ ai ngay từ tuổi thơ ấu. Những câu chuyện luôn có các yếu tố tưởng tượng kỳ ảo cùng bài học nhân văn sâu sắc. “Cây tre trăm đốt” là một trong những câu chuyện hay nhất trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Truyện cho người đọc, người nghe nhưng giây phút thư giãn, lý thú cùng bài học về cái thiện, cái ác, ở hiền nhất định sẽ gặp lành.
Truyện “Cây tre trăm đốt” khắc họa hai tuyến nhân vật nông dân với địa chủ, kẻ giàu với người nghèo trong đời sống xã hội Việt Nam trước đây. Đại diện cho hình ảnh người nông dân là anh nông dân nghèo khó, lam lũ, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh đi làm thuê cho nhà phú ông giàu có. Anh là một người chăm chỉ, chịu khó, làm việc hăng hái quần quật không ngại nắng mưa. Thấy anh thanh niên khỏe mạnh, siêng năng, tên phú ông gian xảo đã bày kế lợi dụng anh và nói rằng cứ làm việc chăm chỉ ông sẽ gả con gái cho. Qua hình ảnh anh nông dân nghèo cùng tên địa chủ tham lam, tác giả dân gian đã khắc họa rõ nét hình ảnh người nông dân Việt Nam chịu thương chịu khó, thật thà và lương thiện nhưng vì nghèo khó không có ruộng đất nên phải đi làm thuê làm mướn cho nhà địa chủ. Còn những tên địa chủ xưa qua cách kể của tác giả dân gian là những tên trọc phú giàu nhưng lại rất gian xảo, luôn bày kế bóc lột sức lao động của người dân lương thiện. Qua đây, người đọc hiểu hơn về cuộc sống của người nông dân dưới xã hội cũ.
Truyện mang những yếu tố kỳ ảo đặc sắc. Điều đó thể hiện trong chi tiết ông bụt cùng câu thần chú. Đó là chi tiết tưởng tượng rất hay trong câu chuyện cổ tích. Một thần tiên luôn giúp đỡ những người tốt bụng nhưng lại gặp hoàn cảnh éo le. Năm tháng trôi qua, anh nông dân vẫn làm việc chăm chỉ hàng ngày để có thể cưới con gái phú ông như lời hứa năm xưa. Nhưng đến ngày cô con gái đến tuổi lấy chồng, tên phú ông đã hứa gả cô cho người giàu có khác. Đến ngày cưới, phú ông lừa anh nông dân vào rừng chặt cây tre trăm đốt về ông mới gả con gái cho. Bản tính thật thà, anh hăm hở vào rừng chặt tre. Nhưng anh tìm mãi cũng không có cây nào đủ trăm đốt, anh buồn bã ngồi biết mình đã bị lừa nên khóc. May mắn lúc này bụt hiện lên và giúp đỡ anh, bụt nói anh tìm đủ trăm đốt tre rồi hô “khắc nhập, khắc nhập” thì sẽ có cây tre trăm đốt. Còn nếu muốn các đốt tre rời ra để mang về anh chỉ cần hô “khắc xuất, khắc xuất”. Chúng ta đã từng bắt gặp hình ảnh bụt qua truyện “Tấm Cám” đã giúp đỡ cô Tấm ngoan hiền, vị tiên trong “Bánh chưng, bành dày” đã giúp đỡ Lang Liêu hiếu thảo, chăm chỉ, thì nay lại gặp lại hình ảnh bụt giúp đỡ anh nông dân trong “Cây tre trăm đốt”. Qua chi tiết này, tác giả dân gian muốn nhấn mạnh rằng những người lương thiện, chăm chỉ và luôn cố gắng thì dù gặp khó khăn gì cũng sẽ được quý nhân giúp đỡ.
Câu chuyện “Cây tre trăm đốt” thể hiện niềm tin, ước vọng của nhân dân lao động xưa, cái thiện luôn chiến thắng cái ác, ở hiền sẽ gặp lành. Anh nông dân trở về thì nhà địa chủ đang làm đám cưới linh đình cho cô con gái. Anh nói với địa chủ rằng đã mang được cây tre trăm đốt về thì ai nấy đều chế giễu anh làm gì có cây tre trăm đốt. Anh liền hô “khắc nhập, khắc nhập” thì trăm đốt tre liền lại thành cây tre đủ trăm đốt, cả lão địa chủ xấu xa cũng bị dính liền vào cây. Địa chủ van xin mãi và hứa rằng sẽ giữ lời để anh cưới con gái ông. Nói rồi anh nông dân hô “khắc xuất, khắc xuất” các đốt tre lại rời nhau ra và anh được cưới con gái địa chủ làm vợ. Cuối cùng thì người hiền lành, lương thiện cũng thỏa ước nguyện, anh nông dân nghèo chăm chỉ đã cưới được vợ. Qua đây, chúng ta thấy được niềm khát khao vươn lên, chiến thắng cái ác, khát khao hạnh phúc của nhân dân lao động xưa. Những người lao động nghèo khổ luôn bị trà đạp, bóc lột nhưng họ vẫn không ngừng bày tỏ ước mơ, khát khao của bản thân mình, mượn những câu chuyện dân gian như thế để giãi bày.
“Cây tre trăm đốt” là truyện cổ tích hay có từ lâu đời ở nước ta. Trải qua bao thế hệ nhưng câu chuyện vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay qua lời kể của bà, của mẹ, rồi được in trong sách, báo. Điều đó khẳng định sức sống mạnh liệt và bài học nhân văn sâu sắc từ những câu chuyện dân gian. Câu chuyện là bài học đạo đức sâu sắc của người xưa dạy dỗ con cháu đời đời về cuộc sống “ở hiền gặp lành”.