Tế bào nhân thực (Phần 1)

Kỳ thi ĐGTD ĐH Bách Khoa

Đổi lựa chọn

I. Đặc điểm chung của tế bào nhân thực

Tế bào động vật, thực vật, nấm… là tế bào nhân thực

Tế bào sinh vật nhân thực có đặc điểm chung là có màng nhân, có nhiều bào quan thực hiện các chức năng khác nhau.

Tế bào nhân thực (Phần 1) - ảnh 1

Hình 1: Cấu tạo của tế bào thực vật và tế bào động vật

II. Màng sinh chất

Cấu trúc của màng sinh chất

Năm 1972, hai nhà khoa học là Singơ (Singer) và Nicônsơn (Nicolson) đã đưa ra mô hình cấu trúc màng sinh chất gọi là mô hình khảm - động

Cấu trúc khảm của màng sinh chất:

+ Màng được cấu tạo chủ yếu từ lớp photpholipit kép, trên đó có điểm thêm các phân tử prôtêin và các phân tử khác.

+ Ở các tế bào động vật và người còn có nhiều phân tử colestêron làm tăng độ ổn định của màng sinh chất.

+ Các prôtêin của màng tế bào có tác dụng như những kênh vận chuyển các chất ra vào tế bào cũng như các thụ thể tiếp nhận các thông tin từ bên ngoài. 

Cấu trúc động của màng sinh chất:

Do lực liên kết yếu giữa các phân tử phôtpholipit, phân tử photpholipit có thể chuyển động trong màng với tốc độ trung bình 2mm/giây, các prôtêin cũng có thể chuyển động những chậm hơn nhiều so với phôtpholipit => Chính điều này làm tăng tính linh động của màng. 

Tế bào nhân thực (Phần 1) - ảnh 2

Hình 2: Cấu trúc của màng sinh chất

Chức năng màng sinh chất:

- Màng sinh chất có tính bán thấm: Trao đổi chất với môi trường có tính chọn lọc. Lớp photpholipit chỉ cho những phân tử nhỏ tan trong dầu mỡ đi qua. Các chất phân cực và tích điện đều phải đi qua những kênh prôtêin thích hợp mới ra vào được tế bào. 

- Thu nhận các thông tin lí hoá học từ bên ngoài (nhờ các thụ thể) và đưa ra đáp ứng kịp thời. 

- Nhờ có các “dấu chuẩn” glicôprôtêin đặc trưng cho từng loại tế bào mà các tế bào cùng 1 của cùng một cơ thể có thể nhận biết nhau và nhận biết các tế bào “lạ” (tế bào của cơ thể khác).

III. Nhân tế bào

Nhân tế bào dễ nhìn thấy nhất trong tế bào nhân thực. Đa số tế bào có một nhân (cá biệt có tế bào không có nhân như tế bào hồng cầu ở người). Trong tế bào động vật, nhân thường được định vị ở vùng trung tâm còn tế bào thực vật có không bào phát triển thì nhân có thể phân bố ở vùng ngoại biên.

Chức năng

Nhân tế bào là một trong những thành phần quan trọng bậc nhất của tế bào. Nhân tế bào là nơi lưu giữ thông tin di truyền, là trung tâm điều hành, định hướng và giám sát mọi hoạt động trao đổi chất trong quá trình sinh trưởng, phát triển của tế bào.

Nhân tế bào phần lớn có hình bầu dục hay hình cầu với đường kính khoảng 5µm.

Phía ngoài nhân được bao bọc bởi màng kép (hai màng), mỗi màng có cấu trúc giống màng sinh chất, bên trong chứa khối sinh chất gọi là dịch nhân, trong đó có một vài nhân con (giàu chất ARN) và các sợi chất nhiễm sắc

Tế bào nhân thực (Phần 1) - ảnh 3

Hình 1: Cấu tạo của nhân tế bào

Màng nhân

Màng nhân gồm màng ngoài và màng trong, mỗi màng dày 6 – 9nm. Màng ngoài thường nối với lưới nội chất. Trên bề mặt màng nhân có rất nhiều lỗ nhân có đường kính từ 50 – 80nm. Lỗ nhân được gắn liền với nhiều phân tử prôtêin cho phép các phân tử nhất định đi vào hay đi ra khỏi nhân.

Chất nhiễm sắc

Về thành phần hoá học thì chất nhiễm sắc chứa ADN, nhiều prôtêin kiềm tính (histon). Các sợi chất nhiễm sắc qua quá trình xoắn tạo thành nhiễm sắc thể (NST). Số lượng nhiễm sắc thể trong mỗi tế bào nhân thực mang tính đặc trưng cho loài. Ví dụ: tế bào xôma ở người có 46 nhiễm sắc thể, ở ruồi giấm có 8 nhiễm sắc thể, ở đậu Hà Lan có 14 nhiễm sắc thể, ở cà chua có 24 nhiễm sắc thể…

Nhân con

Trong nhân có một hay vài thể hình cầu bắt màu đậm hơn so với phần còn lại của chất nhiễm sắc, đó là nhân con hay còn gọi là hạch nhân. Nhân con gồm chủ yếu là prôtêin (80% - 85%) và rARN.

IV. Ti thể

Cấu trúc

Ti thể là bào quan được bao bọc bởi hai màng, màng ngoài trơn nhẵn, màng trong ăn sâu vào khoang ti thể tạo thành các mào; trên mào có nhiều loại enzim hô hấp.

Ti thể có dạng hình cầu hoặc thể sợi ngắn. Hình dạng, số lượng, kích thước, vị trí sắp xếp của ti thể biến thiên tuỳ thuộc loại tế bào, các điều kiện môi trường và trạng thái sinh lí của tế bào.

Ti thể chứa nhiều prôtêin và lipit, ngoài ra còn chứa axit nuclêic (ADN vòng, ARN) và ribôxôm (giống với ribôxôm của vi khuẩn).

Chức năng

Ti thể là nơi cung cấp năng lượng cho tế bào dưới dạng các phân tử ATP. Ngoài ra, ti thể còn tạo ra nhiều sản phẩm trung gian có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hoá vật chất.

Tế bào nhân thực (Phần 1) - ảnh 4

V. Lục lạp

Cấu trúc

Lục lạp là một trong ba dạng lạp thể (vô sắc lạp, sắc lạp, lục lạp) chỉ có trong các tế bào thực hiện chức năng quang hợp ở thực vật.

Lục lạp thường có hình bầu dục. Mỗi lục lạp được bao bọc bởi màng kép (hai màng), bên trong là khối cơ chất không màu - gọi là chất nền (strôma) và các hạt nhỏ (grana). Số lượng lục lạp trong mỗi tế bào không giống nhau, phụ thuộc vào loài và điều kiện chiếu sáng của môi trường sống.

Mỗi grana có dạng như một chồng tiền xu gồm các túi dẹp (gọi là tilacôit). Trên màng tilacôit có hệ sắc tố (chất diệp lục và sắc tố vàng) và các hệ enzim sắp xếp một cách trật tự, tạo thành vô số các đơn vị cơ sở dạng hạt hình cầu, kích thước từ 10 – 20nm gọi là đơn vị quang hợp. Trong lục lạp có chứa ADN và ribôxôm nên nó có khả năng tự tổng hợp lượng prôtêin cần thiết cho mình.

Tế bào nhân thực (Phần 1) - ảnh 5

Hình 3: Cấu trúc của lục lạp

Chức năng

Lục lạp là nơi thực hiện chức năng quang hợp của tế bào thực vật, tổng hợp nên các chất hữu cơ cần thiết cho cơ thể thực vật.