Một số bệnh dịch ở người

Kỳ thi ĐGTD ĐH Bách Khoa

Đổi lựa chọn

I. Dịch bệnh COVID-19

COVID-19 (bệnh vi-rút corona 2019) là một bệnh do vi-rút có tên SARS-CoV-2 gây ra và được phát hiện vào ​​​​​ tháng 12 năm 2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc. Căn bệnh này rất dễ lây lan và đã nhanh chóng lan ra khắp thế giới.

COVID-19 do vi-rút có tên là SARS-CoV 2 gây ra. Nó là một phần của họ vi-rút corona, bao gồm các loại vi-rút phổ biến gây ra nhiều loại bệnh từ cảm thông thường hoặc viêm phế quản đến các bệnh nghiêm trọng hơn (nhưng hiếm gặp hơn) như hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) và Hội Chứng Hô Hấp Trung Đông (MERS).

Tính đến ngày 7/12/2021, trên toàn thế giới đã ghi nhận hơn 267 triệu ca mắc covid-19, trong đó có hơn 5,27 triệu ca tử vong. Ở Việt Nam, số ca mắc covid 19 là hơn 1,34 triệu ca và số ca tử vong là hơn 26,700

Con đường lây nhiễm

Virus corona chủ yếu lây nhiễm qua không khí: Người lành tiếp xúc với giọt nước bọt từ người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi,… virus sẽ từ đó xâm nhập vào đường hô hấp của người lành

Lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh: Bắt tay với người bệnh

Lây tuyền khi tiếp xúc với các bề mặt chứa virus: Virus có 1 khoảng thời gian khá lâu tồn tại trong không khí và các bề mặt, khi người lành chạm tay vào các bề mặt chứa virus cũng rất dễ bị lây nhiễm

Lây qua đường tiêu hóa: chủ yếu do chăm sóc người bệnh

Một số bệnh dịch ở người  - ảnh 1

Các triệu chứng:

Hầu hết người mắc bệnh COVID-19 sẽ gặp các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình và hồi phục mà không cần phải điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, một số người sẽ chuyển bệnh nghiêm trọng và cần được hỗ trợ y tế.

Các triệu chứng thường gặp nhất: sốt, ho, mệt mỏi, mất vị giác hoặc khứu giác

Các triệu chứng ít gặp hơn: đau họng, đau đầu, đau nhức, tiêu chảy, da nổi mẩn hay ngón tay hoặc ngón chân bị tấy đỏ hoặc tím tái, mắt đỏ hoặc ngứa

Một số bệnh dịch ở người  - ảnh 2

Điều trị bệnh:

Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang nỗ lực tìm kiếm và phát triển các phương pháp điều trị COVID-19.

+ Biện pháp chăm sóc hỗ trợ tối ưu bao gồm việc thở oxy cho những người bệnh nặng và có nguy cơ mắc bệnh nặng, cùng biện pháp hỗ trợ hô hấp chuyên sâu hơn như thông khí nhân tạo cho những người bị bệnh trầm trọng.

+ Dexamethasone là một chất thuộc nhóm Corticosteroid, có thể giúp giảm thời gian thở máy và cứu sống những người bị bệnh nặng và trầm trọng.

WHO không khuyến nghị việc tự dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc kháng sinh, để phòng ngừa hoặc chữa bệnh COVID-19.

Phòng tránh bệnh:

Hiện nay, đã có vaccin phòng bệnh covid 19 tuy nhiên vẫn không chủ quan và thực hiện đúng các quy định phòng tránh

+ Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác

+ Khử khuẩn tay khi đến nơi công cộng.

+ Giữ khoảng cách 2m ở nơi đông người

+ Không tụ tập đông người

+ Khai báo y tế ngay khi phát hiện mình có các triệu chứng, phát hiện f0 quanh khu vực,…

II. Dịch bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên, trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Aedes Aegupti.

Căn bệnh này đã được ghi nhận từ thế kỷ XIII, đã xảy ra trên 100 nước với số ca nhiễm bệnh lên đến 50-1000 ca mỗi năm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp sốt xuất huyết vào nhóm những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần được quan tâm.

Một số bệnh dịch ở người  - ảnh 3

Sốt xuất huyết thường xuất hiện vào khoảng thời gian giao mùa, vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue.

Một số bệnh dịch ở người  - ảnh 4

Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

Ở thể bệnh nhẹ: bệnh nhân có triệu chứng:

+ Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt.

+ Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.

+ Có thể có nổi mẩn, phát ban.

Ở thể bệnh nặng: bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

+ Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).

+ Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Một số bệnh dịch ở người  - ảnh 5

2 biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết

Hạ tiểu cầu: biến chứng hạ tiểu cầu không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì. Do đó, nhiều người khỏe mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt.

Cô đặc máu: biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì, thường kéo dài 24-48 giờ.

Phòng bệnh sốt xuất huyết

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy như: bể nước ăn, giếng nước,… để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Thực hiện thường xuyên các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn.

+ Loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…

+ Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

+ Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

+ Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà

III. Dịch bệnh chân tay miệng

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, cao điểm của bệnh là từ tháng 3 – 5 và từ tháng 8 – 9 hằng năm.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh tay chân miệng chủ yếu do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71.

Một số bệnh dịch ở người  - ảnh 6

Các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng có những dấu hiệu nhận biết khác nhau tùy vào từng giai đoạn, cụ thể như:

Giai đoạn ủ bệnh 3 – 6 ngày.

Giai đoạn khởi phát bắt đầu với các triệu chứng dễ nhận thấy gồm:

+ Trẻ bị sốt, mệt mỏi, sốt  nhẹ (37,5-38 độ C) hoặc bị sốt cao (38-39 độ C).

+ Đau họng.

+ Tổn thương, đau rát ở răng và miệng.

+ Chảy nước bọt nhiều.

+ Biếng ăn.

+ Tiêu chảy vài lần trong ngày.

Giai đoạn toàn phát (thường bắt đầu sau 1 – 2 ngày khởi phát bệnh

+ Trẻ bị phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước có đường kính 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục.

+ Loét miệng: ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 – 3mm, dễ vỡ.

+ Trên mông của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ xuất hiện các mụn lở, rộp da.

+ Dấu hiệu toàn thân: rối loạn tri giác, mê sảng, co giật.

Một số bệnh dịch ở người  - ảnh 7

Con đường lây nhiễm

Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh.

Bệnh tay chân miệng lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Cách điều trị và phòng ngừa bệnh

Cách điều trị:

+ Hiện nay chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Cách điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của Bác sĩ.

+ Về chế độ ăn hằng ngày cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, bù nước kịp thời đề phòng trẻ bị mất nước, hạ đường huyết. Hoa quả trái cây giàu vitamin, khoáng chất cũng là thực phẩm cần thiết cho trẻ trong khi điều trị bệnh tay chân miệng.

Phòng ngừa bệnh:

+ Tập cho trẻ thói quen thường xuyên rửa tay với xà phòng diệt khuẩn dưới vòi nước sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay người lớn làm vệ sinh cho trẻ.

+ Ăn thức ăn chế biến sạch sẽ, an toàn, uống nước đun sôi để nguội. Dạy trẻ không được cho tay vào miệng hay ngậm mút đồ chơi.

+ Các vật dụng của trẻ như khăn lau, áo quần, chén bát cũng như dụng cụ học tập, đồ chơi của trẻ nên được ngâm rửa với dung dịch khử khuẩn và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

+ Ngoài ra, cha mẹ hay người trông trẻ cần chủ động quan sát tình trạng sức khỏe của trẻ mỗi ngày. Khi có trẻ phát bệnh, cần nhanh chóng báo cáo cách ly và khử khuẩn để giảm thiểu lây lan sang trẻ khác, tạo thành ổ dịch.

+ Đối với các trường hợp nghi ngờ bệnh, cần sớm đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được thăm khám và theo dõi.