1. Lý thuyết
- Khi sử dụng từ phải chú ý:
+ Sử dụng từ đúng âm, đúng chính tả;
+ Sử dụng từ đúng nghĩa;
+ Sử dụng từ đúng tính chất ngữ pháp của từ;
+ Sử dụng từ đúng sắc thái biểu cảm, hợp với tình huống giao tiếp;
+ Không lạm dụng từ địa phương, từ Hán Việt.
2. Ví dụ
Những trường hợp sử dụng từ vi phạm chuẩn mực:
- Sử dụng từ chưa đúng âm, đúng chính tả:
Cậu ấy sẽ có một tương lai sáng lạng.
Sửa sáng lạng => xán lạn.
- Sử dụng từ chưa đúng nghĩa:
Sau nhà em là một vườn hoa tốt đẹp.
Sửa tốt đẹp => tươi đẹp.
- Sử dụng từ chưa đúng tính chất ngữ pháp của từ:
Nói chuyện của vị diễn giả ấy thật thu hút.
Sửa nói chuyện => cách nói chuyện
- Sử dụng từ chưa đúng sắc thái biểu cảm, hợp với tình huống giao tiếp:
Hôm nay, con mèo nhà tôi dùng những hai bát cơm.
Sửa dùng => ăn
- Lạm dụng từ địa phương, từ Hán Việt:
+ Lạm dụng từ địa phương trong tình huống giao tiếp trang trọng:
Trong bài thuyết trình công trình nghiên cứu khoa học, thí sinh sau khi kết thúc phần thứ nhất, chuẩn bị sang phần thứ hai: “Bây chừ, xin mời thầy cô và các bạn tới với phần tiếp theo!”.
Sửa bây chừ => bây giờ
tới => đến
+ Lạm dụng từ Hán Việt trong tình huống giao tiếp hàng ngày:
“Chào mẫu thân, con vừa đi học về ạ!”
Sửa mẫu thân => mẹ