1. Lý thuyết
- Đề văn biểu cảm bao giờ cũng nêu ra đối tượng biểu cảm và định hướng tình cảm cho bài văn.
- Các bước làm bài văn biểu cảm là tìm hiểu đề và tìm ý, lập dàn bài, viết bài và sửa bài.
- Muốn tìm ý cho bài văn biểu cảm thì phải hình dung cụ thể đối tượng biểu cảm trong mọi trường hợp và cảm xúc, tình cảm của mình trong các trường hợp đó.
- Tìm lời văn thích hợp, gợi cảm.
2. Ví dụ
- Đề bài: Cảm nghĩ về con vật nuôi nhà em
a. Tìm hiểu đề và tìm ý:
- Đối tượng phát biểu cảm nghĩ: con vật nhà em nuôi.
- Hình dung về đối tượng ấy:
+ Con vật xuất hiện trong nhà em khi nào.
+ Hình dáng của nó ra sao.
+ Nó giúp ích gì cho gia đình em.
+ Thói quen của con vật.
+ Kỉ niệm giữa em và con vật.
+ Tình cảm của em đối với con vật.
b. Lập dàn bài: Sắp xếp các ý theo bố cục ba phần (Mở bài, Thân bài, Kết bài).
c. Viết bài: Dự kiến cách viết các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Em sẽ viết thế nào để bày tỏ hết tình cảm đối với con vật nhỏ nhà mình.
d. Sau khi viết xong: cần đọc lại và sửa chữa bài viết. Vì trong quá trình viết, em sẽ mắc một số lỗi về chính tả hoặc diễn đạt.