Thao tác lập luận bình luận

I. Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận bình luận

1. Khái niệm

- Bình luận là bàn bạc đánh giá về sự đúng sai, thật giả, lợi hại của các hiện tượng đời sống như ý kiến, chủ kiến, việc làm.

2. Mục đích của bình luận

- Bình luận nhằm đề xuất và thuyết phục người đọc (người nghe) tán đồng với nhận xét, đánh giá, bàn luận của mình về một hiện tượng (vấn đề) trong đời sống hoặc trong văn học

3. Yêu cầu của bình luận

- Trình bày rõ ràng, trung thực vấn đề được bình luận.

- Lập luận để khẳng định nhận xét, đánh giá của mình là đúng đắn.

- Bàn bạc, mở rộng vấn đề một cách sâu sắc và có sức thuyết phục. 

II. Cách bình luận

Một bài bình luận thường có các bước sau:

Bước 1: Nêu hiện tượng, vấn đề cần bình luận.

- Nêu rõ được thái độ và sự đánh giá của người bình luận trước vấn đề đưa ra.

- Trình bày rõ ràng, trung thực

Bước 2: Đánh giá hiện tượng, vấn đề cần bình luận

- Đứng hẳn về một phía mình cho là đúng để bác bỏ cái sai.

- Kết hợp phần đúng của mỗi phía và loại bỏ phần sai để tìm ra tiếng nói chung trong sự đánh giá.

- Đưa ra cách đánh giá của riêng mình.

Bước 3: Bàn về hiện tượng, vấn đề cần bình luận.

- Bàn về thái độ, hành động, cách giải quyết trước vấn đề đang được xem xét.

- Bàn về những điều rút ra khi liên hệ với thời đại, hoàn cảnh, lứa tuổi …

- Bàn về những vấn đề sâu xa hơn mà vấn đề được bình luận gợi ra.

Câu hỏi trong bài
Câu 7:

Đoạn trích dưới đây sử dụng thao tác lập luận nào?

Trong cuộc sống có biết bao nhiêu sự cảm ơn có lời và không lời như thế. Với những người có văn hoá, “cảm ơn” là lời nói được sử dụng hằng ngày, những lời luôn được cất lên bằng tất cả thái độ lịch sự và tình cảm chân thực nhất. Nhưng tiếc rằng, vẫn còn không ít thanh niên chưa nghĩ như vậy. Họ coi cảm ơn chỉ là những lời khách sáo, vì thế, chẳng cần phải nói ra. Hình như những bạn ấy vẫn nghĩ một cách giản đơn rằng nói lời cảm ơn hay làm những cử chỉ biểu lộ sự biết ơn là “vẽ chuyện”, chỉ làm mất đi sự thân tình và tăng thêm xa cách mà thôi.

Thế nhưng, cuộc sống hiện đại và yêu cầu về quy tắc giao tiếp giữa người với người đòi hỏi chúng ta phải tập làm quen với lời “làm ơn” và sau đó là “cảm ơn”. Thật hạnh phúc khi ta làm được một việc có ý nghĩa, một điều tốt đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác, kéo mọi người lại gần nhau hơn. Và cũng sẽ hạnh phúc không kém khi chúng ta thấy mình đã không dửng dưng, bạc bẽo vì đã biết tri ân người giúp đỡ mình bằng những lời nói xuất phát từ đáy lòng, chân thành, lịch thiệp: “Cảm ơn”.

(Theo bài viết tham gia diễn đàn Đem mọi người đến gần nhau hơn, báo điện tử Thanhnienonline, ngày 11-11- 2006)