Câu 1 (trang 70 SGK Ngữ văn 11, tập 2)
Chân dung Bê-li-cốp được miêu tả:
- Ngoại hình:
+ Gương mặt nhợt nhạt, bé nhỏ, choắt lại như mặt chồn, luôn có cặp kính đen trên khuôn mặt.
+ Nổi tiếng với cách phục sức kì lạ, khác người: luôn đi giày cao su, cầm ô, nhất thiết mặc áo bành tô ấm cốt bông.
- Lối sống sinh hoạt:
+ Bê-li-cốp không chỉ là một tác nhân kì quái, cổ hủ nhất, tầm thường, dung tục nhất, mà toàn bộ con người và tính cách của hắn chính là hiện thân, là điển hình cho một bộ phận, một kiểu người đã và đang tồn tại và có nguy cơ phát triển trong xã hội Nga đương thời.
Câu 2 (trang 70 SGK Ngữ văn 11, tập 2)
Cái chết của Bê-li-cốp: Bê-li-cốp chết một cách bất ngờ, gây cho mọi người trong trường, trong thành phố nơi hắn sống và làm việc không ít ngạc nhiên.
- Nguyên nhân cái chết của Bê-li-côp:
+ Vì bị ngã đau, dẫn đến mắc bệnh nặng, lại không chịu đi chữa.
+ Vì bị sốc nặng trước thái độ và hành động của chị em Va-ren-ca, của mọi người, nhất là lời nói và hành động của Cô-va-len-cô.
- Thái độ, tình cảm của mọi người đối với Bê-li-cốp khi hắn còn sống là sợ hãi, căm ghét, bị ám ảnh sâu sắc.
- Sau khi Bê-li-côp chết, tuần đầu tiên người ta thấy nhẹ nhõm, thoải mái. Nhưng rồi cuộc sống lại trở lại cái nhịp sống nặng nề, u ám, mệt nhọc, vô vị trước kia.
=> Lối sống trong bao đã ám ảnh, đầu độc bầu không khí trong sạch, lành mạnh của đạo đức, văn hóa và tiến bộ Nga đương thời.
Câu 3 (trang 70 SGK Ngữ văn 11, tập 2)
Ý nghĩa tư tưởng - nghệ thuật của hình ảnh "cái bao".
- Nghĩa đen: Vật dùng để đựng, gói đồ vật, hàng hóa hình túi hoặc hình hộp.
- Nghĩa bóng: Lối sống, tính cách của Bê-li-cốp.
- Nghĩa biểu trưng: kiểu người trong bao, lối sống trong bao đã từng và đang tồn tại ở nước Nga cuối thế kỉ XIX. Cả xã hội Nga, phải chăng cũng là một cái bao khổng lồ trói buộc, tù hãm, vây bủa, ngăn chặn tự do dân chủ của nhân dân Nga, trí thức Nga chân chính.
Chủ đề tư tưởng của truyện:
- Lên án mạnh mẽ kiểu người trong bao. Lối sống trong bao và tác hại của nó tới hiện tại và tương lai của nước Nga.
- Lời cảnh báo và kêu gọi mọi người cần phải thay đổi cách sống, không thể sống tầm thường, hèn nhát, ít kỷ, vô vị mãi thế được.
Câu 4 (trang 70 SGK Ngữ văn 11, tập 2)
Nghệ thuật đặc sắc:
- Chọn ngôi kể:
Nhân vật trong truyện đồng thời là nhân vật người kể chuyện (Bu-rơ-kin ) ở ngôi thứ nhất (xưng tôi ) và tác giả (ngôi thứ ba giấu mình ). Như vậy, vừa đảm bảo tính khách quan vừa vẫn thể hiện tính chủ quan, gây cảm giác chân thật, gần gũi của câu chuyện, tạo cấu trúc kể: truyện lồng trong truyện.
- Giọng kể:
Mỉa mai, châm biếm mà trầm tĩnh, bên ngoài có vẻ khách quan, bình thản nhưng ẩn bên trong sự bức xúc, trăn trở mạnh mẽ, sâu sắc.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật với tính kì quái nhưng vẫn chân thực, không những thế lại có ý nghĩa tiêu biểu qua lời kể, chân dung, ngoại hình, lời nói, cử chỉ, hành động mà khái quát thành tích cách, lối sống.
- Đối lập tương phản giữa các kiểu người, tính cách và lối sống trái ngược, giữa:
+ Bê-li-cốp và chị em Va-ren-ca.
+ Bê-li-cốp và cán bộ, giáo viên trường trung học, nơi hắn làm việc và nhân dân nơi hắn sống.
- Nghệ thuật xây dựng biểu tượng: hình ảnh cái bao vừa biểu tượng, vừa cụ thể, hình tượng người trong bao ; cái chết của Bê-li-cốp.
- Kết thúc truyện, nhân vật nghe truyện - người đọc giả định - trực tiếp phát biểu chủ đề tư tưởng của truyện.
Câu 5 (trang 70 SGK Ngữ văn 11, tập 2)
Ý nghĩa thời sự của truyện "Người trong bao"
- Lối sống trong bao vẫn tồn tại trong xã hội ngày nay trong học đường (ở một số cá nhân): hèn nhát, ích kỉ, giáo điều, hèn hạ trước quyền lực.
- Không chịu tiếp thu những cái mới
- Trong cuộc sống luôn có những kẻ do sợ hãi mà xu nịnh cấp trên và tự thu mình trong các loại vỏ bọc để có được cảm giác an toàn.
=> Phê phán, chỉ trích, không đồng tình với lối sống đó. Xác định lối sống lành mạnh, chan hòa với mọi người, sống theo chuẩn mực văn hóa, đạo đức của cộng đồng hiện đại.