Bài 1.1
Nhiễm điện cho một thanh nhựa rồi đưa nó lại gần hai vật M và N. Ta thấy thanh nhựa hút cả hai vật M và N. Tình huống nào dưới đây chắc chắn không thể xảy ra?
A. M và N nhiễm điện cùng dấu.
B. M và N nhiễm điện trái dấu.
C. M nhiễm điện, còn N không nhiễm điện.
D. Cả M và N đều không nhiễm điện.
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức sự nhiễm điện của các vật. Các điện tích cùng dấu thì đẩy nhau, trái dấu thì hút nhau.
Lời giải chi tiết:
Nhiễm điện cho một thanh nhựa rồi đưa nó lại gần hai vật M và N. Ta thấy thanh nhựa hút cả hai vật M và N. Tình huống chắc chắn không thể xảy ra là M và N nhiễm điện trái dấu. Vì nếu M,N nhiễm điện trái dấu thì khi đưa thanh nhựa lại gần thanh nhựa sẽ hút một vật và đẩy một vật.
Chọn đáp án : B
Bài 1.2
Một hệ cô lập gồm ba điện tích điểm, có khối lượng không đáng kể, nằm cân bằng với nhau. Tinh huống nào dưới đây có thể xảy ra ?
A. Ba điện tích cùng dấu nằm ở ba đỉnh của một tam giác đều.
B. Ba điện tích cùng dấu nằm trên một đường thẳng.
C. Ba điện tích không cùng dấu nằm tại ba đỉnh của một tam giác đều.
D. Ba điện tích không cùng dấu nằm trên một đường thẳng.
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức sự nhiễm điện của các vật. Các điện tích cùng dấu thì đẩy nhau, trái dấu thì hút nhau.
Lời giải chi tiết:
Trong các tình huống trên, tình huống có thể xảy ra là: Ba điện tích không cùng dấu nằm trên một đường thẳng.
Chọn đáp án : D
Bài 1.3
Nếu tăng khoảng cách giữa hai điện tích điểm lên 3 lần thì lực tương tác tĩnh điện giữa chúng sẽ
A. Tăng lên 3 lần.
B. Giảm đi 3 lần.
C. Tăng lên 9 lần.
D. Giảm đi 9 lần.
Phương pháp giải:
Sử dụng biểu thức định luật culong: \( F=\dfrac{Kq_1q_2}{r^2}\)
Lời giải chi tiết:
Ta có: \( F=\dfrac{Kq_1q_2}{r^2}\)
=> Nếu tăng khoảng cách lên 3 lần thì lực tương tác tĩnh điện sẽ giảm đi \( 3^2 =9 lần\)
Chọn đáp án: D