Tổng hợp các đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Viếng lăng Bác

ĐỀ 1: Viết đoạn văn ngắn từ 8-12 câu nêu cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác
Bài làm
      Trong các bài thơ viết về Bác Hồ, Viếng lăng Bác của Viễn Phương là một bài thơ đặc sắc, để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc. Bao trùm toàn bài thơ là niềm thương cảm vô hạn, lòng kính yêu và biết ơn sâu sắc của nhà thơ đối với Bác Hồ vĩ đại. Câu thơ mở đầu "Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác" như một lời nói nghẹn ngào của đứa con đi xa trở về thăm viếng hương hồn Bác Hồ kính yêu. Tình cảm ấy là tình cảm chung của đồng bào và chiến sĩ miền Nam đối với lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Nhà thơ đứng lặng đi, trầm ngâm từ phía xa nhìn lăng Bác. Hàng tre để lại cho anh nhiều cảm xúc và liên tưởng thấm thía. Màu tre xanh thân thuộc của làng quê Việt Nam luôn luôn gắn bó với tâm hồn của Bác. Bác đã "đi xa" nhưng tâm hồn Bác vẫn gắn bó thiết tha với quê hương xứ sở. Cây tre đã được nhân hóa như biểu tượng ca ngợi dáng đứng của con người Việt Nam: kiên cường, bất khuất, mộc mạc, thanh cao... Hình ảnh cây tre trong lời thơ của Viễn Phương biểu thị niềm tự hào dân tộc làm cho mỗi chúng ta cảm nhận sâu sắc về phẩm chất cao quý của Bác Hồ cũng như của con người Việt Nam trong bốn nghìn năm lịch sử.

ĐỀ 2: Viết đoạn văn cảm nhận về khổ thơ đầu bài thơ Viếng lăng Bác
Bài làm
      Trong bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương, nhà thơ đã có những dòng thơ xúc động về hoàn cảnh ra viếng thăm vị cha già kính yêu của dân tộc:
"Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng".
Bài thơ mở đầu bằng câu thơ bộc bạch hoàn cảnh ra viếng lăng Bác của một người con miền Nam "Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác". Cách xưng hô "con-Bác" cho thấy sự gần gũi và kính trọng như của một người con đối với một người cha vĩ đại. Cách xưng hô này làm em liên tưởng đến những dòng thơ "Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha". Đối với mỗi người dân miền Nam nói riêng và VN nói chung thì Bác Hồ chính là vị cha già bao dung ôm cả đất nước vào lòng. Nay nhà thơ ra miền Bắc thăm lăng Bác và tác giả dùng từ "thăm" thay vì "viếng" như một cách nói giảm nói tránh. Người đọc có cảm giác giống như một buổi đi thăm người thân, mà ở đây là một người con miền Nam đi thăm vị cha già kính yêu của mình. Câu thơ thứ ba là một câu cảm thán của tác giả "Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam". Câu thơ như một tiếng reo hân hoan và niềm tự hào về biểu tượng của dân tộc và con người VN: tre VN trồng quanh lăng Bác. Tre VN là hình ảnh ẩn dụ của con người VN qua bao thế hệ với phẩm chất "Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng". Bão táp mưa sa chính là ẩn dụ của những năm tháng khó khăn, vất vả lam lũ của người dân VN. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn ấy, con người Việt Nam vẫn chính là những cây tre quật cường, anh dũng, nhân hậu với những phẩm chất tốt đẹp và tre xanh VN cũng giống như vậy. Tóm lại, khổ thơ đầu bài Viếng lăng Bác là những dòng thơ hết sức xúc động về hoàn cảnh đi viếng lăng của nhà thơ.
 
ĐỀ 3: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về hai khổ thơ đầu bài thơ Viếng lăng Bác
Bài làm
       Viếng lăng Bác là một khúc ca viết về Bác Hồ với những âm điệu dạt dào, thành kính, thiêng liêng của người con lần đầu được trở ra Bắc thăm lăng Bác. Cảm xúc thành kính ấy được thể hiện rõ nét qua hai khổ thơ đầu tiên của tác phẩm. Mở đầu bài thơ, Viễn Phương đã bày tỏ cảm xúc của mình qua lời tự giới thiệu như lời tâm tình nhẹ nhàng. Đại từ nhân xưng “con”, “Bác” nghe sao ngọt ngào thân thương, gần gũi đến thế. Cách xưng hô này thật gần gũi, thật thân thiết, ấm áp tình thân thương mà vẫn rất mực thành kính, thiêng liêng. Đồng thời, cũng diễn tả tâm trạng xúc động của người con ra thăm cha sau bao nhiêu năm xa cách. “Con” ở đây cũng là cả miền Nam, là tất cả tấm lòng của đồng bào Nam Bộ đang hướng về Bác, hướng về vị cha già kính yêu của dân tộc với một niềm xúc động lớn lao. Nhà thơ sử dụng từ “thăm” thay cho từ “viếng” một cách tinh tế. “Viếng” là đến chia buồn với thân nhân người chết, thành kính phân ưu cùng tang chủ. Còn “thăm” là gặp gỡ, trò chuyện với người đang sống, là cuộc hội ngộ được mong ngóng từ lâu ngày. Đọc lên câu thơ, ta không không khỏi nghẹn ngào. Câu thơ không có một dụng công nghệ thuật nào nhưng lại vô cùng gợi cảm, dồn nén biết bao cảm xúc. Đó không chỉ là tình cảm riêng của nhà thơ mà còn là tình cảm chung của đồng bào miền nam, tình cảm của cả dân tộc Việt Nam. Thế hệ này tiếp nối thế hệ khác song tất cả đều có chung một tình cảm như thế với Bác Hồ kính yêu. Chỉ một khổ thơ ngắn thôi nhưng cũng đủ để thể hiện những cảm xúc chân thành, thiêng liêng của nhà thơ và cũng là của nhân dân đối với Bác kính yêu. Với cảm xúc dâng trào ấy, nhà thơ đã thả hồn liên tưởng tới hình ảnh vĩ đại khi bước đến gần lăng Bác: Hình ảnh “mặt trời đi qua trên lăng” là hình ảnh thực. Đó là mặt trời thiên tạo, là nguồn sáng của vũ trụ, nó gợi ra sự kì vĩ, sự bất tử, vĩnh hằng. Mặt trời là nguồn cội của sự sống và ánh sáng. Hình ảnh “mặt trời trong lăng”còn là một ẩn dụ đầy sáng tạo và độc đáo. Đó là hình ảnh của Bác Hồ vĩ đại. Giống như “mặt trời”, Bác Hồ cũng là nguồn ánh sáng, nguồn sức mạnh vĩ đại đã đưa nhân dân ta đến với ánh sang của cuộc đời tự do. Có thể nói, bằng những hình ảnh và lời thơ giản dị mà thành kính, tác giả Viễn Phương đã vẽ nên được những lời thơ đẹp nói lên được tất cả những tâm tư, tình cảm của người con miền Nam xa xôi dành cho vị cha già vĩ đại của dân tộc.

ĐỀ 4: Viết đoạn văn nêu cảm nhận về khổ thơ thứ hai trong bài Viếng lăng Bác. Trong đó có sử dụng câu bị động và thành phần tình thái.
Bài làm
      Trong bài thơ Viếng lăng Bác, những cảm xúc kính yêu của nhà thơ trước khi vào lăng viếng Bác đã được thể hiện rất rõ ở khổ thơ thứ hai. Thật vậy, nhà thơ Viễn Phương đã viết: 
"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân"
Thật vậy, đây chính là những dòng thơ xúc động về cảm xúc của mình khi hòa vào dòng người đi vào viếng Bác. Câu thơ "Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ" là câu sử dụng hình ảnh ẩn dụ vô cùng đặc sắc. Hình ảnh "mặt trời" đầu tiên là hình ảnh của mặt trời tả thực của vũ trụ còn hình ảnh "mặt trời" thứ hai chính là hình ảnh ẩn dụ của Bác. Nhờ có hình ảnh ẩn dụ này, tác giả đã nhấn mạnh được tầm quan trọng và sự vĩ đại, bất tử như vũ trụ của Người. Nếu như mặt trời quan trọng với sinh vật trên trái đất thì Bác Hồ chính là vầng thái dương không bao giờ tắt, mang đến ánh sáng và hy vọng cho dân tộc Việt Nam vượt khỏi ách nô lệ và lầm than. Hai câu thơ tiếp theo là hình ảnh của đoàn người vào thăm viếng Hồ Chủ tịch. Hai từ "thương nhớ" đã bộc lộ sự tiếc thương và kính yêu của nhân dân đối với Bác đến muôn đời. Điệp ngữ "Ngày ngày" đã cho thấy một sự lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác của dòng người vào lăng viếng Bác cũng như sự tuần hoàn của vũ trụ. Ngày ngày, thời gian vẫn trôi đi, vũ trụ vẫn chuyển động, nhân dân vẫn thương nhớ và Bác thì đã đi vào giấc ngủ vĩnh hằng mãi mãi. Tiếp theo hình ảnh "bảy mươi chín mùa xuân" là hình ảnh vô cùng đặc sắc thể hiện sự kính yêu của nhân dân đối với Bác. Hình ảnh "tràng hoa" không chỉ thay thể được "vòng hoa" (gợi sự buồn thương) mà còn nhấn mạnh được tình yêu và sự kính trọng Bác của nhân dân VN. Hình ảnh hoán dụ "bảy mươi chín mùa xuân" có ý nghĩa là trng 79 năm Bác sống và làm việc, Người đã đem đến 79 mùa xuân tươi đẹp của đất nước. Chắc chắn, Bác luôn sống và bất tử trong trái tim của nhân dân VN. Tóm lại, khổ thơ thứ hai là khổ thơ xúc động kể về tình yêu thương và sự kính trọng của nhân dân VN đối với Bác Hồ vĩ đại.
Chú thích:
Thành phần tình thái và câu bị động được in đậm

ĐỀ 5: Viết đoạn văn cảm nhận khổ thơ thứ tư bài thơ Viếng lăng Bác
Bài làm
    Viếng lăng Bác là một khúc ca thành kính và xúc động của tác giả Viễn Phương dành cho vị cha già kính yêu của dân tộc. Đặc biệt, khổ thơ cuối bài là khổ thơ thể hiện sâu sắc và rõ nét nhất những tình cảm yêu mến của nhà thơ dành cho Bác:
"Mai về miền Nam thương trào nước mắt 
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác 
Muốn làm bông hoa tỏa hương đâu đây 
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này." 
Những câu thơ hiện lên đầy tâm tình và bộc lộ trực tiếp tình cảm của người chiến sĩ dành cho Bác kính yêu. Động từ "thương trào" đã thể hiện rất sâu sắc nỗi lòng đó. Đây là một động từ mạnh, diễn tả cảm xúc mãnh liệt, là "trào" chứ không phải là "rưng rưng" hay "ngậm ngùi", là niềm thương cảm sâu sắc, là nỗi xót xa, đau đớn khi phải rời xa Bác trong lòng người con miền nam. Điệp từ "Muốn làm" được lặp lại ba lần đã cho thấy niềm khát khao được ở bên Bác, được hóa thân vào những vật nhỏ bé nhưng vô cùng thân thương luôn luôn gần bên Bác. Người con miền Nam khao khát thành "con chim", thành "bông hoa" để dâng tiếng hót, sắc hương lên Bác. Đặc biệt là hình ảnh "cây tre trung hiếu", cho thấy ước vọng của người con miền Nam muốn được bên Bác, giống Bác, cống hiến tất cả cuộc đời mình cho sự nghiệp của quốc gia, dân tộc. Ước vọng này không chỉ của riêng tác giả mà còn là của tất cả mọi người dân Việt Nam.