Tổng hợp các đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Sang thu

ĐỀ 1: Viết đoạn văn ngắn cảm nhận về hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh
Bài làm
      Hữu Thỉnh là nhà thơ trưởng thành từ trong quân đội. "Sang thu" là một thi phẩm đặc sắc của ông. Với con mắt nghệ sĩ, tâm hồn nhạy cảm và ngòi bút tài hoa, Hữu Thỉnh đã có những cảm nhận mới mẻ trước sự biến chuyển của thiên nhiên đất trời lúc cuối hạ sang đầu thu. "Sang thu" ở đây là chớm thu, là lúc thiên nhiên giao mùa. Mùa hè vẫn chưa hết và mùa thu tới có những tín hiệu đầu tiên. Trước những sự thay đổi tinh vi ấy, phải nhạy cảm lắm mới cảm nhận được. Ở bài thơ, có hương vị ấm nồng của chớm thu ở một miền quê nhỏ .Tín hiệu đầu tiên để tác giả nhận ra mùa thu là “hương ổi”. Mùi hương quê nhà mộc mạc “phả” trong gió thoảng bay trong không gian .Cảm giác bất chợt đến với nhà thơ: “bỗng nhận ra” một sự bất ngờ mà như đã chờ đợi sẵn từ lâu lắm. Và không chỉ có thế, cả sương thu như cũng chứa đầy tâm trạng, thong thả, chùng chình giăng mắc trên khắp nẻo đường thôn :
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về 
Sương thu đã được nhân hoá, hai chữ “chùng chình” diễn tả rất thơ bước đi chầm chậm của mùa thu. Nếu ở câu thơ đầu tiên nhà thơ “bỗng nhận ra” thu về khá bất ngờ và đột ngột thì sau khi cảm nhận sương thu, gió thu, thi sỹ vẫn ngỡ ngàng thốt lên lời thầm thì như tự hỏi: Hình như thu đã về? Tâm hồn thi sỹ nắm bắt những biến chuyển nhẹ nhàng, mong manh của tạo vật trong phút giao mùa cũng êm đềm, bâng khuâng như bước đi nhỏ nhẹ của mùa thu.Hình ảnh thơ đẹp, ngôn từ tinh tế, giọng thơ êm đềm và những rung động man mác, bâng khuâng của tác giả trong buổi giao mùa đã tạo nên một dấu ấn không dễ phai mờ trong lòng bao độc giả. Có lẽ vì vậy mà sau khi đọc “Sang thu” của Hữu Thỉnh ta càng thấy yêu hơn mùa thu thiết tha, nồng hậu của quê nhà.

ĐỀ 2: Viết đoạn văn phân tích khổ thơ đầu bài Sang thu để thấy được sự cảm nhận tinh tế của tác giả lúc giao mùa
Bài làm
      Sự biến đổi của đất trời sang thu được cảm nhận qua những hình ảnh hiện tượng thật quen thuộc, giản dị. Những cảm nhận tinh tế về thiên nhiên đã thể hiện rất rõ tâm trạng của nhà thơ. Những cảm nhận đó bắt đầu từ “hương ổi” nồng nàn quyến rũ:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”.
Câu thơ được đảo trật tự từ “bỗng” được đưa lên đầu nhất. Vì sự ngạc nhiên, bất ngờ đầy thú vị của tác giả khi ông nhận ra hương ổi. Hương thơm ấy rất đậm, rất nồng nàn có vậy mới tạo ra sức lan toả mạnh mẽ đến mức có thể “phả” vào không gian. Làn hương ấy ào vào làn gió se buổi sớm. Đây là loại gió đặc trưng của mùa thu: gió heo may se se lành lạnh. Cái “se” của gió càng làm nổi bật mùi hương nồng nàn ấm áp của ổi chín. Cùng với “hương ổi”, “gió se” nhà thơ còn khẽ nhận ra bao nhiêu là thay đổi quanh mình:
“Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”.
Sương cũng là một hiện tượng quen thuộc mỗi khi thu về. Sương “chùng chình” qua ngõ như muốn cố ý chầm chậm lưu trong ngõ xóm chẳng muốn về trời. Vậy là sao nhỉ! “Hình như thu đã về” rồi thì phải. Từ “hình như” diễn tả tâm trạng ngỡ ngàng, băn khoăn rất tinh tế của nhà thơ khi “bỗng” nhận ra cái tin lành mà thiên nhiên mang tới: “thu đã về”. Tác giả đã vận dụng tất cả những giác quan nhạy bén của mình để cảm nhận đất trời khi vào thu và đem đến cho người đọc những xúc cảm lắng đọng nhất.
 
ĐỀ 3: Viết đoạn văn ngắn theo phương thức diễn dịch nêu cảm nhận của em về khổ thơ thứ hai trong bài "Sang thu"
Bài làm
     Nếu khổ thơ đầu bài "Sang thu" thể hiện tín hiệu thu sang, thì tới khổ thơ thứ hai, hình ảnh, sự vật, không gian được mở rộng và có chiều sâu hơn thông qua cảm nhận và quan sát tinh tế của Hữu Thỉnh. Hình ảnh dòng sông “dềnh dàng” tiếp nối chuỗi hình ảnh mơ hồ sương khói ở khổ một nhưng lại mang cảm giác thư thái, thảnh thơi của con sông sau những ngày bận rộn chảy trôi trong mùa mưa lũ. Sự dềnh dàng phải chăng cũng chính là con người trước khoảnh khắc giao mùa muốn lắng mình lại, để suy tư về cuộc đời và để lại dấu ấn đẹp cho cuộc sống. Đối lập với hình ảnh đó là hình ảnh “chim bắt đầu vội vã”. Những cánh chim, tiếng hót líu lo vui nhộn của mùa hè giờ đây dường như bận rộn hơn, để tìm nơi ấm áp tránh cái lạnh của mùa mới. Nhưng kết tinh đẹp nhất là hai câu thơ: “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Sức gợi của câu thơ là vô hạn khi gợi lên trong lòng người đọc về hình ảnh chiếc cầu giao mùa mỏng manh như đẹp và nên thơ. Ranh giới vô hình trong khoảnh khắc giao mùa tác giả bắt trọn vẹn khoảnh khắc đó để rồi cô kết trong câu thơ mềm mại, uyển chuyển như chính hình ảnh mà tác giả vẽ lên trong bài.


ĐỀ 4: Viết đoạn văn phân tích khổ cuối bài Sang thu
Bài làm
      Sang thu của Hữu Thỉnh không chỉ mang vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên mà còn sâu sắc ở triết lí nhân sinh đối với cuộc đời. Điều đó thể hiện sâu sắc ở khổ thơ cuối cùng của thi phẩm. Ở khổ cuối, khoảnh khắc giao mùa không còn được nhà thơ diễn tả bằng cảm nhận trực tiếp mà bằng sự suy ngẫm, chiêm nghiệm:
"Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi"
Nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng nhưng đang nhạt dần. Những ngày giao mùa này đã vơi đi những cơn mưa rào ào ạt. Vẫn là nắng, vẫn là mưa, sấm như mùa hạ nhưng mức độ đã khác rồi. Lúc này, những tiếng sấm bất ngờ cùng những cơn mưa rào không còn nhiều nữa. Hai câu thơ cuối gợi cho ta nhiều suy nghĩ, liên tưởng thú vị.
"Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi"
Giọng thơ trầm hẳn xuống, câu thơ không đơn thuần chỉ là gượng kể, là sự cảm nhận mà còn là sự suy ngẫm, chiêm nghiệm. Cụm từ "hàng cây đứng tuổi" gợi cho người đọc nhiều liên tưởng. Đời người như một loài cây, cũng non tơ, trưởng thành rồi già cỗi. Phải chăng, cái đứng tuổi của cây chính là cái đứng tuổi của đời người. Hình ảnh vừa có ý nghĩa tả thực, vừa có ý nghĩa biểu tượng. Vẻ chín chắn, điềm tĩnh của hàng cây trước sấm sét, bão giông vào lúc sang thu cũng chính là sự từng trải, chín chắn của con người khi đã đứng tuổi. Phải chăng mùa thu của đời người là sự khép lại những ngày tháng sôi nổi bồng bột của tuổi trẻ, để mở ra một mùa mới, một không gian mới thâm trầm, điềm đạm, vững vàng hơn. Có thể nói, khổ thơ cuối của Sang thu là khổ thơ lắng kết lại những dư vang và suy ngẫm sâu sắc của cuộc đời.
 
ĐỀ 5: Hai câu thơ cuối trong thơ Sang thu của Hữu Thỉnh đã để lại trong lòng người đọc nhiều liên tưởng khá thú vị. Em hãy viết đoạn văn để làm rõ nhận định đó
Bài làm
       Hai câu thơ cuối cùng trong bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh gợi cho ta nhiều suy nghĩ, liên tưởng thú vị. “Sấm cũng bớt bất ngờ. Trên hàng cây đứng tuổi". Giọng thơ trầm hẳn xuống, câu thơ không đơn thuần chỉ là giọng kể, là sự cảm nhận mà còn là sự suy nghĩ chiêm nghiệm về đời người. Mùa thu của thiên nhiên hay "mùa thu" của mỗi con người? Nhìn cảnh vật biến chuyển khi thu mới bắt đầu, Hữu Thỉnh nghĩ đến cuộc đời khi đã "đứng tuổi". Phải chăng mùa thu của đời người là sự khép lại những tháng ngày sôi nổi với những bất thường của tuổi trẻ và mở ra một mùa mới, một không gian mới, yên tĩnh, trầm lắng hơn. Hai hình ảnh "sấm" và "hàng cây đứng tuổi" vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa tượng trưng cho thấy một Hữu Thỉnh rất đỗi tinh tế, nhạy bén trong cảm nhận và liên tưởng. Mùa thu thường không rạo rực, ấm áp như mùa xuân, không sôi động rộn ràng như mùa hạ, hay lạnh lẽ, thê lương như mùa đông. Thu đến rất nhẹ nhàng và đi rất lặng lẽ. Thu không đánh thức ta bằng những âm thanh vang động, màu sắc lộng lẫy, hương vị ngọt ngào mà gieo vào lòng ta những thoáng xao động, mơ màng, gợi trong ta những suy nghĩ sâu xa về cuộc sống. Có lẽ vì thế mà thơ thu, trong đó có Sang thu của Hữu Thỉnh rất giàu ý nghĩa.