ĐỀ 1: Viết đoạn văn nêu cảm nhận về bốn câu thơ đầu đoạn trích Cảnh ngày xuân
Bài làm
Trong đoạn thơ đầu, Nguyễn Du đã cho ta thấy một bức tranh thiên nhiên mùa xuân tuyệt đẹp. Nếu hè đến có phượng đỏ ve kêu, đông sang có tuyết rơi thì khi xuân về có cánh én. Chim én- biểu tượng của mùa xuân đang chao nghiêng trên bầu trời đầy trong xanh. Lúc này đây bầu trời lại có một thứ ánh sáng diệu kỳ, đẹp tươi "thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi". Như vậy, đã qua 60 ngày kể từ ngày lập xuân, cũng có nghĩa là đã đến tiết thanh minh. Nguyễn Du viết: " Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa." Những bãi cỏ non xanh kéo dài như những thảm, xa tít "chân trời" mở ra một không gian rộng lớn. Dưới đất là cỏ non xanh mượt, bên trên lại là những bông hoa lê điểm trắng trên cành. Hoa lê trắng tinh gợi lên cảm giác tinh khôi và cao sang. Hoa lê điểm xuyết trên cành như đang chào đón mùa xuân. Tác giả đã sử dung rất thành công nghệ thuật đảo ngữ khiến cho hoa lê như đang bừng nở trong không khí mùa xuân. Bức tranh thiên nhiên qua bốn câu thơ thật tuyệt đẹp và tươi mới.
ĐỀ 2: Viết đoạn văn phân tích hai câu thơ: "Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa"
Bài làm
Trong đoạn “Cảnh ngày xuân” (trích “Truyện Kiều”), Nguyễn Du đã vẽ nên bức họa tuyệt đẹp về mùa xuân: “Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Thảm cỏ non trải rộng tới tận chân trời là gam màu nền cho bức tranh xuân. Điểm xuyết, chấm phá trên nền xanh bất tận ấy là sắc tinh khôi, thanh khiết của hoa lê nở lác đác khoe sắc, khoe hương. Lấy cảm hứng từ hai câu thơ cổ Trung Quốc: “Phương thảo liên thiên bích – Lê chi sổ điểm hoa”, Nguyễn Du chỉ thêm một chữ “trắng” cho cành lê mà bức tranh mùa xuân đã khác. Không gian như khoáng đạt,trong trẻo và nhẹ nhàng hơn, cảnh đẹp mà có hồn, chứ không tĩnh tại, chết đứng. Bằng nghệ thuật đảo ngữ “trắng điểm”, thi nhân đã tạo nên một điểm nhấn cho bức tranh, tô đậm sắc trắng của hoa lê nổi bật trên nền xanh non của cỏ. Màu sắc có sự hài hòa tới mức tuyệt diệu. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống; khoáng đạt, trong trẻo; nhẹ nhàng, thanh khiết. Nguyễn Du quả là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ. Chỉ với hai câu thơ, bằng một vài nét chấm phá, mà thi nhân đã phác họa nên một bức tranh thiên nhiên tươi sáng, diễm lệ và hấp dẫn lòng người. Ẩn sau những vần thơ là cả một tâm hồn nhạy cảm của tác giả trước vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên, là niềm say mê yêu đời, yêu cuộc sống đến tha thiết!
ĐỀ 3: Viết đoạn văn phân tích 6 câu thơ cuối đoạn trích "Cảnh ngày xuân"
Bài làm
Bên cạnh vẻ thanh thoát, dịu nhẹ của mùa xuân như ở những câu thơ trước, khung cảnh mùa xuân đến đây đã mang một sắc thái khác với bức tranh lễ hội rộn ràng, nhộn nhịp. Cảnh vật toát lên vẻ vương vấn khi cuộc du xuân đã hết. Các từ láy tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ vừa gợi tả sắc thái cảnh vật vừa gợi ra tâm trạng con người. Dường như có cái gì đó đang mơ hồ xâm lấn, cảnh vật đã nhuốm sắc thái vương vấn, man mác của tâm trạng con người, ở đây, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình để mượn cảnh vật mà diễn tả những rung động tinh tế trong tâm hồn những người , thiếu nữ. Những từ láy được sử dụng trong đoạn thơ đểu là những từ láy có tính giảm nhẹ. “Tà tà” diễn tả bóng chiều đang từ từ nghiêng xuống; “thơ thẩn” lại diễn tả tâm trạng bâng khuâng dịu nhẹ không rõ nguyên nhân “thanh thanh” vừa có ý nghĩa là sắc xanh nhẹ nhàng vừa có ý nghĩa là thanh thoát, thanh mảnh; từ “nao nao” trong câu thơ diễn tả thế chảy của dòng nước nhưng đồng thời diễn tả tâm trạng nao nao buồn và từ “nho nhỏ” gợi dáng nhỏ xinh xắn, vừa vặn với cảnh với tình. Khung cảnh thiên nhiên cũng theo đó mà nhỏ đi để phù hợp với tâm trạng con người: “ngọn tiểu khê” - dòng suối nhỏ, phong-cảnh thanh thoát, dịp cầu “nho nhỏ” lại nằm ở “cuối ghềnh” ở phía xa xa,... Cảnh và người như có sự tương liên để giao hòa trong bầu không khí bâng khuâng, lưu luyến, khe khẽ sầu lay. Có thể mơ hồ cảm nhận được cảnh vật đang tạo ra dự cảm về những sự việc sắp xảy ra.