Tổng hợp các đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Ánh trăng

ĐỀ 1: Viết đoạn văn trình bày cảm nhận của em về hình ảnh "trăng" và "ánh trăng" trong khổ cuối bài Ánh trăng

Bài làm

      Trong bài thơ "Ánh trăng” của Nguyễn Duy, hình ảnh vầng trăng mang nhiều ý nghĩa trừu tượng, trước hết vầng trăng là hình ảnh của thiên nhiên, hồn nhiên tươi mát, là người bạn suốt thời nhỏ tuổi rồi thời chiến tranh ở rừng với con người, không chỉ vậy, vầng trăng còn là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, vẻ đẹp bình dị, vĩnh hằng của đời sống. Ở khổ cuối, ánh trăng tượng trưng cho quá khứ nguyên vẹn chẳng thể phai mờ, là người bạn, nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ và mỗi chúng ta: con người có thể vô tình, có thể lãng quên, nhưng thiên nhiên nghĩa tình, quá khứ thì luôn tràn đầy, bất diệt. Với ý nghĩa như vậy nên ta hiểu được chủ đề của bài thơ, ánh trăng chính là tiếng lòng, là những suy nghĩ thấm thía, nhắc nhở ta về thái độ sống và những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa với thiên nhiên, đất nước bình dị, hồn hậu, bài thơ cũng nhắc nhở, củng cố người đọc thái độ sống ”uống nước nhớ nguồn”, thủy chung với quá khứ đặc biệt là quá khứ gian lao, tốt đẹp.

ĐỀ 2: Viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận về bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy

Bài làm

      Đã có rất nhiều nhà thơ viết về trăng, tả trăng, ngắm trăng nhưng đọng lại sâu sắc nhất trong tôi là tác phẩm Ánh trăng của Nguyễn Duy. Những hình ảnh gần gũi của vùng quê và những kí ức xa xưa chỉ còn vọng lại trong kí ức của tác giả. Đó là những hình ảnh mang những ý nghĩa riêng biệt đồng thời là đặc trưng cho những giai điệu nhẹ nhàng và lắng sâu. Hình ảnh về vầng trăng tình nghĩa đã được thể hiện sâu sắc trong tâm hồn của tác giả, những cảm nhận đó nhẹ nhàng và đã thấm vào từng trang giấy của nhà thơ, hình ảnh của vầng trăng tình nghĩa đã từng là người bạn tri âm tri kỉ nay bị mờ nhạt bởi những ánh điện cửa gương, những hình ảnh đó đã làm cho tác giả buồn thương, vương vấn. Những cảm nhận sâu sắc ấy đã làm rung động trái tim của mỗi con người. Khoảnh khắc đèn điện tắt, nhường chỗ cho vầng trăng cùng những kí ức thi nhau ùa về đủ để cho mỗi con người yêu thương và quý trọng. Ánh trăng của Nguyễn Duy là một bài thơ hay, nó đã để lại những ý nghĩa sâu sắc trong lòng người đọc bởi những hình ảnh mang lại nhiều tiếng vang lớn cho mỗi con người, hình ảnh vầng trăng đã xuất hiện với tần suất lớn và có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, đó không chỉ là ánh trăng đẹp của tự nhiên mà đó còn là thứ ánh sáng diệu kì soi rọi vào từng ngóc ngách tâm hồn của mỗi con người.

 

ĐỀ 3: Từ bài thơ Ánh trăng, hãy viết đoạn văn nêu suy nghĩ của em về thái độ sống của giới trẻ hiện nay

Bài làm

      Bài thơ Ánh trăng khép lại, đọng lại trong tâm hồn chúng ta những trăn trở về thái độ sống "Uống nước nhớ nguồn"của con người, đặc biệt là của giới trẻ ngày nay. Trong cuộc sống hiện nay, thế hệ trẻ chính là lực lượng nòng cốt tiên phong đóng góp xây dựng cho một quốc gia dân tộc. Thật vậy, thái độ sống của phần đông người trẻ tại VN thực sự đáng mừng và tích cực. Những thái độ sống tốt được thể hiện ở việc những người trẻ đó thực sự chăm chỉ học tập làm việc, cống hiến hết mình vì bản thân, gia đình. Họ có thái độ sống đầy nghị lực, ngập tràn đam mê, vượt qua được tất cả thử thách chông gai, chinh phục thành công và luôn nhìn cuộc sống với một thái độ biết ơn sâu sắc. Ngoài ra, những người trẻ có thái độ sống tốt còn thực sự sống nhiệt huyết dấn thân từng ngày vì đất nước vì bản thân. Họ sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp chung của đất nước dân tộc. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại một bộ phận nhỏ giới trẻ vẫn chưa có thái độ sống đẹp biểu hiện khá têu cực. Một bộ phận giới trẻ có lối sống thích an nhàn, hưởng thụ thậm chí là dốt nát và dễ bị kích động, xúi giục. Nhiều bạn trẻ sống với thái độ vô ơn và không biết quý trọng những thành quả của ông cha tạo dựng. Điều này thực sự có hại với cuộc sống chung và cộng đồng. Tóm lại, thái độ sống của người trẻ là một yếu tố quan trọng quyết định đến vận mệnh của mỗi quốc gia, bởi vậy mỗi chúng ta hãy tự rèn cho mình một lối sống lành mạnh, biết ơn những thành quả lao động và tự phấn đấu từng ngày.

 

ĐỀ 4: Viết đoạn văn phân tích khổ cuối bài thơ Ánh trăng

Bài làm

      Ở khổ cuối bài thơ "Ánh trăng", vầng trăng đột ngột hiện ra với một vẻ đẹp ám ảnh lòng người. ’’Trăng cứ tròn vành vạnh”, thời điểm trăng tròn chính là vào ngày rằm hàng tháng. Câu thơ gợi đến vẻ đầy đặn, tròn trịa của vầng trăng và cũng là vẻ sáng tươi hiền dịu của thứ ánh sáng trong lành nhất vũ trụ. Nhưng vẻ “tròn vành vạnh” của vầng trăng còn gợi đến một suy tưởng khác: vầng trăng còn tròn đầy “vành vạnh” nghĩa là trăng vẫn còn trọn vẹn những ân nghĩa xưa với những người lính năm nào. Và điều đáng quý, đáng nghĩ là trăng vẫn tròn ngay cả khi người đã “vô tình":

“Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình".

Câu thơ gieo vào lòng người đọc một thoáng giật mình để rồi thấy ăn năn, day dứt. Vầng trăng kia cũng giống như bao con người, bao kí ức đẹp đẽ đã đi qua đời ta. Những con người cùa quá khứ, những kí ức xa xưa... tất thảy vẫn còn nguyên tấm lòng thuỷ chung trọn vẹn. Còn riêng ta, mới một chút phù hoa, danh lợi mà đã quên đi những ân tình, những thề nguyền thiêng liêng xưa cũ. Và rồi, ta càng thấy day dứt, băn khoăn hơn bởi khoảng lặng mênh mang của vầng trăng tròn cao thượng:

"Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình”.

"Ánh trăng im phăng phắc" để ngân mãi những dòng ánh sáng toả đi khắp nhân gian. Điều đó cũng có nghĩa trăng mãi hao dung, hiền từ và độ lương. Cái đáng sợ là cái im lặng của kí ức. Ta dã quên đi quá khứ, ta đã có lỗi với người xưa để sống một cuộc đời ồn ào, náo nhiệt nhưng tất cả vẩn im lặng dõi theo ta với cái nhìn bao dung, rộng mở. Và chính bởi sự cao thượng ây đã khiến ta ”giật mình”. ”Giật mình để nhận ra sự cao đẹp của người xưa. “Giật mình” để nhận ra phần hờ hững, lãng quên đáng chê trách của mình. Tiền tài danh lợi, đó chưa phải là điều quý giá nhất ở đời. Phải biết sống có tình, có nghĩa, thuỷ chung trọn vẹn trước sau mới khiến lòng người sạch trong và thanh thản.

 

ĐỀ 5: Viết đoạn văn tổng - phân - hợp phân tích khổ thứ hai bài thơ Ánh trăng

Bài làm

      Khổ thơ thứ hai của Ánh trăng đã làm hiện lên thật đẹp hình ảnh của vầng trăng trong quá khứ. Vầng trăng trong quá khứ mới đẹp làm sao! Mỗi lần nhớ đến quá khứ ấy, hình ảnh vằng trăng hiện ra không chỉ có hồn mà còn mang vẻ đpẹ hoang sơ, mộc mạc. Phép liên tưởng đầy tính nghệ thuật “trần trụi với thiên nhiên" gợi lên sự thành thật, không tô vẽ chan hòa với thiên nhiên không một chút ngần ngại, không có gì phải che dấu. Hình ảnh so sánh độc đáo “hồn thiên như cây cỏ” thể hiện một cách sống thanh thản lại gợi lên vẻ đẹp bình dị, hiền hậu, tình cảm chân thành. Đó cũng chính là hình ảnh con người lúc bấy giờ: vô tư, hồn nhiên, trong sáng. Cả hai đến với nhau bằng sự tương cảm, tương giao, nguyên sơ và trong sáng. Tuổi thơ tác giả được gắn bó với vầng trăng, tình cảm gắn bó ba lâu nay chỉ biết hợp thành "tri kỉ". Một tình bạn thật đẹp , thật cao cả và trong suy nghĩ của người lính 'Ngỡ không bao giờ quên/Cái vầng trăng tình nghĩa". Trăng là vẻ đẹp của đất nước bình dị, hiền hậu; của thiên nhiên vĩnh hằng, tươi mát, thơ mộng. Vầng trăng không những trở thành người bạn tri kỉ, mà đã trở thành “vầng trăng tình nghĩa” biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình.