I. Sơ đồ - Tìm hiểu chung Lục Vân Tiên gặp nạn
II. Vài nét cơ bản về đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn
1. Vị trí đoạn trích
Đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn” là phần thứ hai của truyện “Lục Vân Tiên”. Truyện kể về Vân Tiên và Tiểu đồng bị Trịnh Hâm hãm hại do lòng đố kị và ghen ghét tài năng của Vân Tiên.
2. Bố cục
- 8 câu đầu : Tội ác của Trịnh Hâm.
- Các câu còn lại : Việc làm nhân đức và nhân cách cao cả của ông ngư.
3. Nội dung khái quát của đoạn trích
Hoàn cảnh của đoạn trích là khi Vân Tiên và Tiểu đồng đang bơ vơ nơi đất khách quê người, lại thêm hết tiền và mù lòa thì gặp Trịnh Hâm đi thi trở về. Trịnh Hâm ra tay “giúp đỡ” nhưng thật ra trong con người hắn vốn đã có lòng đố kị và ganh ghét với tài năng của Vân Tiên. Hắn chỉ lợi dụng cơ hội này để hãm hại chàng. Văn bản được chia làm hai phần, phần 1 là Trịnh Hâm hãm hại Vân Tiên, phần hai là Vân Tiên được Ngư Ông cứu giúp.
Khi gặp Vân Tiên và tiểu đồng đang trong cảnh khó, hắn lừa Tiểu đồng đi vào rừng rồi trói lại trong rừng, còn Vân Tiên mù lòa, hắn giả bộ đưa Vân Tiên xuống thuyền, hứa sẽ dẫn về quê nhà. Nhưng thực ra là đợi đến đêm khuya vắng vẻ, hắn mới ra tay thực hiện hành động tội ác của mình. Dù cho bạn đã mù nhưng Trịnh Hâm vẫn ra tay hãm hại, chứng tỏ sự độc ác của hắn đã ngấm vào máu và trở thành bản chất con người hắn.
Chủ đề của tác phẩm là sự đối lập giữa cái thiện và cái ác, giữa một bên là nhân cách cao cả với một bên là những toan tính thấp hèn, đồng thời thể hiện thái độ quý trọng niềm tin của tác giả đối với nhân dân lao động. Nguyễn Đình Chiểu đã thành công trong việc sắp xếp các tình tiết hợp lý, diễn biến hành động nhanh gọn, lời thơ vẫn mang vẻ mộc mạc, giản dị nhưng đã lột tả được tâm địa độc ác của một kẻ bất nhân bất nghĩa.
4. Giá trị nội dung và nghệ thuật
a. Giá trị nội dung:
* Giá trị hiện thực: Vạch trần cái ác, cái xấu trong xã hội. Chửi thói gian ác, bất công, chửi những kẻ tráo trở, bội bạc, phản phúc như cha con Võ Công, chửi những kẻ bất nghĩa, bất nhân như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, chửi bọn người làm ăn bất lương chuyên nghề lừa bịp, bóp nặn nhân dân (bọn thầy bói, thầy pháp, bọn lang băm).
* Giá trị nhân đạo:
Đề cao đạo lý làm người:
- Xem trọng tình nghĩa giữa con người với con người trong xã hội: tình cha con, mẹ con, nghĩa vợ chồng, tình bè bạn, tình yêu thương cưu mang những người gặp cơn hoạn nạn.
- Đề cao tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng cứu khổ phò nguy.
- Thể hiện khát vọng của nhân dân hướng tới lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc đời (kết thúc có hậu của truyện; thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà).
"Lục Vân Tiên là một tiếng chửi, một lời ca, một ước mơ" – Hoài Thanh.
b. Giá trị nghệ thuật:
- Lục Vân Tiên là một truyện thơ Nôm mang tính chất là một truyện kể dân gian: chú ý đến cốt truyện, còn nhân vật chủ yếu thể hiện bằng hành động hơn là miêu tả nội tâm. Nhân vật của Nguyễn Đình Chiểu còn là hoá thân cho lý tưởng hoặc thái độ yêu ghét của ông.
- Truyện mang màu sắc Nam Bộ cả về tính cách con người, cả về ngôn ngữ địa phương.