Đề 1: Hãy kể về một lần em trót xem trộm nhật kí của bạn
Bài làm
Mỗi người đều sẽ có những tâm tư, nỗi niềm và có nhiều người cất điều đó vào trong nhật kí, giữ cho mình một chút riêng tư, một khoảng lặng để suy ngẫm giữa tất bật bộn bề - nơi thực sự yên tĩnh và không ai có thể xâm phạm. Vậy mà tôi lại đi đọc nhật ký của người bạn thân nhất của mình. Đó thực sự là một sai lầm của tuổi mới lớn cứ khiến tôi dằn vặt, trăn trở mãi.
Hà là cô bạn gái thân thiết nhất của tôi. Chúng tôi ngồi cùng bàn nên rất tự nhiên, trở thành bạn thân từ lúc nào không hay. Thế nhưng, tính cách của Hà lại trái ngược hẳn với tôi. Tôi tự thấy mình là một đứa lạc quan, yêu đời còn lũ bạn vẫn bảo tôi nhắng nhít, “ruột để ngoài da”. Có lẽ vì tôi khá cởi mở, có chuyện gì tôi lên lớp cũng oang oang hết cho lũ bạn nghe và đương nhiên tôi không có khái niệm viết nhật kí. Trái lại với tôi, cô bạn cùng bàn lại là một người trầm tính, e dè, ít nói. Bạn tôi hiền lành và thường chỉ ngồi cười mỗi khi tôi pha trò. Dù hai đứa chơi thân với nhau đã lâu, nhưng cái cảm giác chưa hiểu hết về Hà luôn thôi thúc trong tôi ý muốn tìm hiểu thêm về Hà bằng mọi cách. Sự tò mò ấy đã khiến tôi phạm phải một lỗi lầm không thể tha thứ được. Đó là xem trộm nhật ký của Hà.
Hôm ấy, tôi và Hà cùng hẹn nhau học nhóm tại nhà bạn ấy. Tôi đến nơi thì Hà đang loay hoay dưới bếp làm bánh cho chúng tôi. Tôi liền lên phòng bạn trước. Cả một tủ sách khiến tôi hoa mắt. Tôi phát hiện ra một khe hở nhỏ cạnh kệ sách, tôi tò mò lôi từ đó ra một quyển sổ nhỏ và mở ra xem. Không! Tôi vội vàng gập lại và định để vào chỗ cũ. Nhưng tôi lại ngập ngừng, tôi muốn biết thêm về Hà, muốn biết Hà ghi nhật kí như thế nào? Muốn biết cuộc sống đằng sau đôi mắt trầm dưới hàng mi cong ấy như thế nào? Tôi không kìm được tay mình và đã cố gắng nhưng mắt tôi vẫn dán vào. Sau vài trang đã đọc được, tôi thốt lên "Trời ơi! lẽ nào cuộc sống của Hà là như vậy?" Tôi giật thót tim khi nghe tiếng bước chân Hà bước lên cầu thang. Tôi vội vàng cất quyển nhật ký vào chỗ cũ rồi giả vờ như đang đọc cuốn sách toán một cách chăm chú. Lúc ấy, tim tôi đập nhanh ghê lắm. May mà Hà không phát hiện ra.
Suốt buổi hôm ấy, tôi chẳng thể tập trung vào học được. Tôi lén nhìn gương mặt của bạn tôi. Có lẽ vì chơi thân với nhau khá lâu nên tôi và Hà trông hơi giống nhau, cùng làn da trắng mịn, cùng mái tóc đen dài thẳng mượt. Điều duy nhất khác biệt giữa hai chúng tôi là đôi mắt, cửa sổ tâm hồn. Mọi người đều bảo đôi mắt tôi tròn xoe, luôn ánh lên những nét rạng rỡ khi có niềm vui. Còn đôi mắt Hà thì rất đẹp với đôi hàng mi cong vút, nhưng lúc nào cũng đượm buồn. Chỉ cần đọc cuốn nhật ký ấy thì tôi đã có thể biết được hết những gì ẩn chứa trong đôi mắt của bạn tôi.
Trước nay tôi cứ nghĩ Hà sống trong một gia đình giàu có sung túc. Hà thường kể cho tôi về người cha hay đi nước ngoài công tác nhưng sự thực là bạn ấy cũng không biết được cha mình là ai. Mẹ Hà không cho bạn biết điều đó, chắc có nỗi khổ riêng. Có lẽ điều này luôn khiến Hà suy tư, còn tôi thì lại vô tâm cứ hồn nhiên hỏi han về cha của bạn. Đã có lần tôi lại còn buột miệng chê Hà lúc nào cũng buồn rầu, trông chán chết! Có lẽ Hà buồn tôi lắm.
Buổi tối hôm đó về nhà, tôi cứ suy nghĩ vẩn vơ mãi. Vừa cảm giác tội lỗi khi xem trộm nhật kí của bạn vừa áy náy về những câu nói hồn nhiên quá mức của mình. Nhưng nhờ có đọc cuốn nhật kí đó mà tôi mới hiểu bạn của mình hơn. Từ đó tôi cũng tự nhắc mình rằng mỗi người đều sẽ có những khoảng trời riêng mà chúng ta phải tôn trọng nên tôi không bao giờ được xem trộm nhật kí của bất kì ai nữa, đó là một hành động không tốt. Hà mãi không biết được hành động xấu của tôi nhưng có một điều mà cả tôi và Hà đều biết. Đó là hai đứa đã là bạn tri kỷ của nhau rồi.
Thế là sau bao suy nghĩ sai lầm, thật may mắn rằng điều đó đã dẫn đến một tình bạn đẹp nhất mà chúng tôi từng có. Nhưng chắc chắn rằng nếu có lần sau, tôi sẽ không bao giờ phạm phải cái sai lầm rất lớn là đọc trộm nhật ký của ai đó. Mỗi người đều có một khoảng trời riêng mà chúng ta phải tôn trọng. Sự thiện chí và chân thành sẽ giúp con người dần hiểu nhau và yêu thương nhau nhiều hơn.
Đề 2: Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó.
Bài làm
Tôi luôn tin rằng mọi sự gặp gỡ trên đời đều là một cái duyên lành. Dù người mà chúng ta gặp có ở lại lâu trong cuộc sống của mình hay chỉ đến thoáng chốc rồi đi ngay thì tất cả đều là sự sắp xếp đầy ngụ ý của ông trời. Và những mối lương duyên đó đều sẽ cho chúng ta những bài học để hoàn thiện mình hơn. Hôm nay tôi muốn kể lại mối duyên lành đã cho tôi gặp gỡ người lính năm xưa bằng da bằng thịt chứ không phải trên những trang sách hay đài báo, ti vi. Đó là người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Cuộc gặp gỡ và trò chuyện ấy đã tác động rất nhiều đến suy nghĩ và tình cảm của tôi.
Chiến tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược kết thúc cách đây đã gần nửa thập kỉ, nhưng ấn tượng về một thời đau thương và oanh liệt đã khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam, không thể nào quên. Và cho đến thời nay, ta hạnh phúc hít thở bầu không khí hòa bình này nhưng vẫn không bao giờ quên một thời lửa đạn, bởi vậy mà Tổ quốc luôn ghi công những anh hùng có công với cách mạng. Nhân ngày Thương binh liệt sĩ Việt Nam 27/7, trường chúng tôi có buổi tổ chức cho học sinh đi thăm nghĩa trang Trường Sơn. Tại đây tôi được biết người quản trang chính là người lính Trường Sơn năm xưa và đặc biệt hơn, đó là một trong những người lính sôi nổi, lạc quan trong bản hùng ca Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
Đó là một người đàn ông trạc tuổi ông nội tôi, ông có thân hình cao, gầy, làn da rắn rỏi và dù tuổi cao nhưng trong ông vẫn toát lên phong thái nghiêm nghị, bản lĩnh của một người lính từng vào sinh ra tử trên tuyến đường Trường Sơn lửa đạn.
Ông dẫn tôi tới quan sát chiếc xe gần hơn; lần đầu tiên, tôi được chiêm ngưỡng tận mắt một chiếc xe tải quân sự. Quả lả một chiếc xe "trần trụi": không có kính, lại không có cả đèn, không có mui, thùng xe lại còn xước. Sinh ra và lớn lên tại thủ đô trong thời bình, từ bé tôi chỉ bắt gặp những chiếc ô tô lành lặn, nước sơn sạch bóng, nội thất khang trang; không ngờ một chiếc xe tróc sơn, hỏng hóc nặng nề như thế này vẫn có thể hiên ngang lướt đi và mang theo biết bao súng đạn, lương thực chi viện. Thật là một chuyển động kì diệu! Đang tròn mắt ngạc nhiên vì thán phục, bỗng ông chiến sĩ vỗ vai tôi, trầm giọng kể: “Chiến trường khốc liệt lắm cháu ạ! Hằng ngày máy bay Mĩ trút hàng ngàn tấn bom đạn cày xới, phá hoại Trường Sơn hòng cắt đứt chi viện của ta. Các trọng điểm lúc nào cũng mịt mù khói lửa, bom rơi.”
Người chiến sĩ kể với tôi rằng cuộc kháng chiến của dân tộc ta vô cùng ác liệt, những con đường huyết mạch nối giữa miền Nam và miền Bắc lại là nơi ác liệt nhất. Bom đạn của giặc Mỹ ngày đêm dội xuống những con đường này nhằm cắt đứt sự tiếp viện của miền Bắc cho miền Nam. Trong những ngày tháng đó ông chính là người lính lái xe làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược... trên con đường Trường Sơn này. Bom đạn của giặc Mỹ đã biến cho những chiếc xe của các ông không còn kính nữa. Nghe ông kể, tôi mới hiểu rõ hơn về sự gian khổ ác liệt mà những người lính lái xe phải chịu đựng ngày đêm. Nhưng không phải vì thế mà họ lùi bước, họ vẫn ung dung lái những chiếc xe không kính đó băng băng đi tới trên những chặng đường. Họ nhìn thấy đất, nhìn thấy trời, thấy cả ánh sao đêm, cả những cánh chim sa, họ nhìn thẳng về phía trước, phía ấy là tương lai của đất nước được giải phóng, của nhân dân được hạnh phúc, tự do.
Trầm tư một lát, ông kể không có kính cũng thật bất tiện nhưng họ vẫn lái những chiếc xe đó, bụi ùa vào làm những mái tóc đen xanh trở nên trắng xóa như người già, nhưng các ông thời đó cũng chưa cần rửa rồi nhìn nhau cất tiếng cười ha ha. Ôi! tiếng cười của ông cha ta thời ấy sao thật nhẹ nhõm. Gian khổ ác liệt, bom đạn của kẻ thù đâu có làm ông cha ta nản chí, sờn lòng. Ta thật hãnh diện, tự hào về tuổi trẻ của một thời bom đạn! Những chiếc xe không kính lại tiếp tục băng băng trên những tuyến đường ra trận, gặp mưa thì phải ướt áo thôi. Mưa cứ tuôn cứ xối nhưng họ vẫn chưa cần thay áo và cứ ráng lái thêm vài trăm cây số nữa, vượt qua những chặng đường ác liệt, đảm bảo an toàn cho những chuyến hàng rồi họ nghĩ mưa sẽ ngừng, gió sẽ lùa vào rồi áo sẽ khô mau thôi. Đó là tinh thần lạc quan luôn khiến tôi ngưỡng mộ, tự hào!
Khi được học "Bài Thơ Về Tiểu Đội Xe Không Kính" tôi cứ luôn suy nghĩ rằng những khó khăn gian khổ ác liệt đó chỉ có nhân vật trong bài thơ mới vượt qua được nhưng đó là những suy nghĩ sai lầm của tôi bởi được gặp, được trò chuyện với người chiến sĩ lái xe năm xưa, tôi mới hiếu rõ hơn về họ. Họ vẫn vui tươi, tinh nghịch. Bom đạn của giặc Mỹ ngày đêm nổ sát bên tai phá hủy con đường, cái chết luôn rình rập, nhưng những người lính năm xưa vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Ông lại kể cho tôi nghe trên những cung đường vận chuyển đó ông luôn được gặp những người bạn, những người đồng đội của mình. Có những người còn, có những người đã hy sinh... Trong những giây phút gặp gỡ hiểm hoi đó, cái bắt tay qua ô cửa kính vỡ đã làm cho tình đồng đội của họ thấm thiết hơn rồi những bữa cơm bên bếp Hoàng Cầm với những cái bát, đôi đũa dùng chung, quây quần bên nhau như một đại gia đình của những người lính lái xe Trường Sơn. Rồi những giây phút nghỉ ngơi trên chiếc võng đu đưa, kể cho nhau nghe sự ác liệt của những cung đường đã đi qua là những phút giây ấm áp tình đồng chí.
Sự dũng cảm của các chiến sĩ thanh niên xung phong luôn đảm bảo cho những chuyến xe thông suốt. Đúng là con đường của họ đang đi, nhiệm vụ của họ đang làm vô vùng nguy hiểm. Bom đạn Mỹ hạ xuống bất cứ lúc nào, cả ngày lẫn đêm. Những chiếc xe ấy không chỉ mất kính mà còn mất cả đèn, rồi không có mui xe, thùng xe rách xước, những thiếu thốn này không ngăn cản được những chiếc xe vẫn chạy băng băng về phía trước, phía trước ấy là miền Nam ruột thịt. Nghĩ đến hình ảnh những chiếc xe băng băng về phía trước tôi lại nghĩ đến những người lính lái xe. Họ thật dũng cảm, hiên ngang, đầy lạc quan, có chút ngang tàng nhưng họ sống và chiến đấu vì Tổ Quốc, vì nhân dân. Những chuyến hàng của họ đã góp phần tạo nên chiến thắng của dân tộc ta: chiến thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhiều khi tất cả cùng ca hát, mìm cười rồi vỗ tay, truyền cho nhau nhiệt tình cách mạng và yêu thương, xua tan đi khó nhọc. “Tình đồng chí, đồng đội thật đẹp quá, cháu ạ!”. Đúng là đẹp thật! Quả đúng là "Chỉ cần trong xe có một trái tim"! Những người chiến sĩ cùng chung niềm tin, lí tưởng, sát cánh bên nhau. Họ truyền sức mạnh và hơi ấm cho nhau, để cùng nhau chiến đấu vì miền Nam ruột thịt.
Tôi và người chiến sĩ chia tay nhau sau cuộc gặp gỡ và nói chuyện đầy ý nghĩa. Tôi khâm phục những người lính lái xe bởi tình yêu nước, ý chí kiên cường của cha ông tôi và tôi hiểu rằng thế hệ chúng tôi luôn phải ghi nhớ công ơn của họ, cần phải phấn đấu trở thành công dân gương mẫu, nắm vững khoa học, kĩ thuật để xây dựng một đất nước văn minh, hiện đại – xứng đáng với mồ hôi và xương máu mà cha ông tôi đã bỏ ra để đổi lấy một đất nước vẹn tròn.
Đề 3: Nhân ngày 20 tháng 11 kể cho các bạn nghe về một kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy cô giáo cũ
Bài làm
Người Nhật có một câu ngạn ngữ rất hay: “Lúa càng chín càng cúi đầu” để nói về sự biết ơn trong cuộc đời. Người ta càng lớn lên, càng học cách cúi mình trước người khác. Đó là bài học đầu tiên tôi học được từ cô giáo của mình và cho đến tận bây giờ, những kỉ niệm yêu thương về cô giáo vẫn còn in đậm trong tâm trí của tôi.
Cuộc đời mỗi người trưởng thành đều không thể thiếu vắng hình bóng của những người thầy, người cô. Họ không chỉ dạy cho ta văn hóa mà còn dạy cho ta đạo đức, lối sống. Những người cô, người thầy ấy để lại trong chúng ta với biết bao kí ức thật đẹp, vui có buồn có hạnh phúc có mà giận hờn cũng có. Ngày ấy tôi mới vào học lớp Sáu. Cô giáo của tôi cao, gầy, mái tóc không mướt xanh mà lốm đốm nhiều sợi bạc, cô có đôi mắt sáng, nghiêm nghị mà dịu dàng và lúc nào cũng ăn mặc giản dị. Điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất ở cô ngay từ khi mới lên cấp hai đó là khi bước chân vào lớn đứng trên bục giảng, chúng tôi đứng lên chào cô và cô cũng vậy, lúc nào cô cũng đứng thẳng, nghiêm trang sau khi lớp cất cao lời chào, cô cũng cúi lưng thật thấp để chào cả lớp tôi. Thời gian đầu, điều đó cứ khiến tôi lấy làm lạ mãi sau này tôi mới hiểu được giá trị của cái cúi đầu ấy và những bài học quý giá từ cô.
Cô tên là Đỗ Thị Thủy. Cô được phân công làm giáo viên dạy Văn đồng thời cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp tôi ngay từ lớp Sáu. Buổi đầu tiên cô đến lớp, gặp gỡ và trao đổi qua với chúng tôi về nội quy và phương hướng học tập. Giọng nói cô ấm áp, nhẹ nhàng chậm rãi như người mẹ hiền cầm tay chỉ lối cho chúng tôi. Ánh mắt trìu mến của cô đã xua tan đi những lo lắng hồi hộp bỡ ngỡ của những đứa mới chân ướt chân ráo lên ngưỡng cửa trung học cơ sở như tôi. Và bạn biết không? Bài kiểm tra đầu tiên mà cô dành cho chúng tôi là “Trong vòng hai phút, em hãy thuộc tên của các bạn ở bốn bàn ngồi xung quanh mình!” Những đứa trẻ còn bỡ ngỡ vừa chuyển cấp như chúng tôi rất thích thú với trò này. Chúng tôi chào nhau, gọi nhau, hỏi tên nhau í ới còn cô ở trên bảng liên tục nhắc chúng tôi “Chúng ta còn 10 giây, 9 giây rưỡi, 8 giây…”. Sau buổi học đó, chúng tôi gần như biết hết tên nhau và sau này tôi mới biết điều ấy ý nghĩa với chúng tôi đến nhường nào.
Rồi buổi học đầu tiên, thật may mắn khi chúng tôi đã được học môn của cô. Cô giảng bài hay lắm, cô luôn lấy những ví dụ gần gũi để chúng tôi dễ hiểu, dễ nhớ. Khi viết lên bảng cô luôn cố gắng viết thật to thật rõ để các bạn ở dưới cũng có thể theo dõi được. Cô luôn tận tình đến bên từng bạn học yếu để giảng lại cho bạn hoặc phân nhóm để kèm cặp nhau. Cách truyền đạt của cô dành cho học sinh cũng thật đặc biệt.
Cô là một giáo viên đầy tâm huyết với học trò. Cô rất nghiêm khắc với những bạn lười học, nghịch ngợm. Không chỉ dạy dúng tôi văn hóa, cô còn dạy chúng tôi những bài học lễ nghĩa quý giá đúng như khẩu hiệu ở mỗi nhà trường: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Và tôi vô cùng biết ơn cô vì điều đó.
Chúng ta không ai có thể tránh khỏi những sai lầm và quan trọng là ta có nhận ra những sai lầm đó để sữa chữa hay không. Ở lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, chúng tôi chỉ quan tâm đến việc hôm nay tới lớp được gặp bạn nào, bày trò gì để chơi hoặc kiểm tra môn gì chứ có lẽ chúng tôi chưa bao giờ quan tâm hoặc nghĩ tới mình đã làm gì khiến thầy cô chưa vui. Đó là vào hôm thứ hai đầu tuần, buổi chào cờ ấy khá đặc biệt vì có các thầy cô mới về trường tôi thực tập. Sau buổi chào cờ, chúng tôi mỗi đứa chạy một nơi như chim vỡ tổ. Trên đường về lớp, tôi gặp cô Thủy tôi đi cùng hai thầy cô trẻ, đoán là các thầy cô thực tập vì dáng vẻ khép nép đi cạnh cô tôi nên chúng tôi chỉ chào cô Thủy chứ không chào hai thầy cô lạ. Mọi lần khi thấy chúng tôi chào, cô Thủy cười rất tươi nhưng hôm nay cô không cười mà mặt nghiêm lại.
Cuối giờ học hôm đó, cô cho lớp tôi nán lại để nói đôi điều. Cô nghiêm nghị nhìn cả lớp rồi giảng giải:
- Các em biết vì sao hôm nay cô gọi các em ở lại không?
Cả lớp không hiểu gì nên ngây thơ đáp:
- Dạ không cô ạ!
Cô trầm giọng:
- Hôm nay có một bạn trong lớp đã làm cô rất buồn. Khi cô đi với hai thầy cô mới dưới sân trường, các bạn chỉ chào cô mà không để ý đến hai thầy cô đi bên cạnh. Các em biết các bạn đó sai chỗ nào không?
Lớp trưởng lớp tôi mạnh dạn lên tiếng:
- Bạn sai ở chỗ không chào hai thầy cô mới cô ạ!
Cô gật đầu và nói tiếp:
- Đúng rồi các em ạ! Các em hãy nhanh chóng thuộc tên các thầy cô khác trong trường và mỗi khi gặp ai em hãy chào hỏi họ, chẳng hạn em nói: “Em chào thầy Sơn” hoặc “Chào cô Hương. Cô mặc chiếc áo dài đẹp quá”. Cô hi vọng khi trở nên từng trải hơn trong cuộc sống, các học sinh của cô sẽ học cách nhận biết những người sống và làm việc quanh mình và cố làm cho những người mới vào làm hay nơi họ sống cảm thấy thoải mái và thân thiện với môi trường quanh mình. Các em có nhớ trò chơi đầu tiên khi vào lớp cô đã cho các em tham gia không?
Cả lớp đồng thanh:
- Có ạ! Trò chơi nhớ tên ạ!
- Đúng rồi. Cô cho các em chơi trò đó để làm gì các em có biết không?
- Để biết tên các bạn cô ạ!
- Đúng thế! Cô muốn các học sinh tập thói quen học biết tên của những người quanh chúng và luôn cố gắng tỏ ra thân ái, lịch sự với mọi người. Cô nghĩ điều ấy làm cho môi trường sống và làm việc sẽ thoải mái, vui thích hơn và mọi người sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn trong những môi trường này.
Cả lớp lặng đi vì thấy lời cô tôi thật thấm thía. Cô tôi trầm giọng xuống, âu yếm nhìn chúng tôi:
- Cô yêu cầu các bạn sớm thuộc tên của tất cả các thầy cô giáo trong trường. Cô cảm thấy nếu như bạn biết rõ mọi người trong trường thì sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Ta càng biết nhiều người lớn bao nhiêu thì càng có nhiều người quan tâm đến ta bấy nhiêu mỗi khi chúng gặp rắc rối hay cần giúp đỡ. Hơn nữa, cũng là một người cô nên cô cảm thấy sung sướng khi học sinh biết cô là ai và kéo đến trò chuyện với cô. Hãy cứ thử hình dung một thầy giáo mới bước vào trường lần đầu. Thầy giáo hay cô giáo ấy dễ cảm thấy căng thẳng khi bước vào một môi trường mới và lạ, lại lo lắng không biết bọn trẻ có ưa mình không. Ở nhiều trường, thầy cô giáo có những sinh hoạt để chào mừng những thành viên mới, nhưng cô nghĩ điều này sẽ càng có hiệu quả hơn nếu như học sinh cũng có thể bày tỏ một thái độ thân thiện và niềm nở tương tự.
Cả lớp tôi đồng loạt vỗ tay vì những lời dạy của cô thấm thía quá. Từ đó tôi hiểu vì sao khi đứng trên bục giảng, cô luôn cúi chào chúng tôi mỗi khi lớp tôi cất cao lời chào. Người ta bảo “Lúa càng chín càng cúi đầu”, cô tôi càng dày dặn kinh nghiệm sống lại càng có những cách cư xử hay khiến các thế hệ học trò chúng tôi lúc nào cũng nể và quý trọng cô.
Năm tháng qua đi, mái tóc của cô tôi cũng thêm nhiều sợi bạc nhưng những bài học làm người mà cô dạy chúng tôi còn thắm xanh, ươm mầm mãi trong sâu thẳm trái tim non nớt của chúng tôi. Một mùa tri ân nữa lại về, tôi muốn kể lại câu chuyện về cô giáo mình ngày xưa như là một cách thể hiện lòng biết ơn và kính trọng đối với người đã dạy tôi bài học về sự bao dung và cách ứng xử tế nhị trong cuộc sống. Giờ đây tôi đã lớn, đã biết cân nhắc đúng sai trước mỗi việc mình làm, tôi vẫn nhớ về bài học thuở thiếu thời mà cô đã dạy: Bài học về cái cúi đầu trong cuộc đời!
Đề 4: Kể về một cuộc gặp gỡ với các chú bộ đội nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12). Trong buổi gặp đó, em được thay mặt các bạn phát biểu những suy nghĩ về tình cảm trách nhiệm của thế hệ sau đối với thê hệ cha anh đi trước.
Bài làm
Trên dải đất cong cong hình chữ S hiền hòa của ngày nay, có lẽ chúng ta ít biết rằng để có được bầu trời xanh này, ông cha ta đã đổ bao nhiêu máu xương, các bà các mẹ đã nhỏ biết bao giọt nước mắt. Và để thể hiện sự biết ơn đối với những anh hùng đã ghi nên trang sử vẻ vang, nước ta lấy ngày 22-12 là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây không chỉ trở thành ngày lễ của các chú, các bác trong quân ngũ mà nó còn là ngày vui chung của mọi người trên đất nước Việt Nam.
Để kỉ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, giáo dục học sinh truyền thống lịch sử lâu dài của dân tộc, trường em đã tổ chức một buổi tham quan Viện Bảo tàng Quân đội. Chuyến đi này đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc và nhiều bài học lí thú, bổ ích. Hơn thế nữa, trong buổi tham quan này, chúng em đã được vào Phòng Truyền thống của Viện bảo tàng, gặp gỡ những con người đã đi vào lịch sử dân tộc: Đại tá Bùi Quang Thận – người trực tiếp lái xe tăng tiến thẳng vào Dinh Độc lập Ngày 30-4; Đại tá Lê – người trực tiếp kéo cờ trong ngày Quốc khánh 2-9.
Cuộc trò chuyện thật vui vẻ, bổ ích. Chúng em quây quanh hai bác.
Gương mặt ai ai cũng hớn hở lạ thường; bởi trong lòng mỗi người đều có niềm hãnh diện đã được gặp mặt những người anh hùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hùng – lớp trưởng đứng lên thay mặt cả lớp hỏi thăm sức khỏe của các bác. Nhìn những tấm huân chương sáng lấp lánh trên ngực áo, em thấy một phần công lao của các bác trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Bác Lê dịu dàng hỏi:
– Thế nào, các cháu khỏe chứ? học tập ra sao?
– Có ạ, có ạ! Học kì một, lớp cháu hầu hết đều được học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt đấy bác ạ. – Cả lớp nhao nhao.
– Thế là rất tốt, rất tốt. Các cháu đã thực hiện tốt năm điều Bác Hổ dạy, ngoan lắm! Bác Lê gật gù:
- Bây giờ các cháu muốn hỏi gì nào?
Một loạt cánh tay giơ lên nhưng Quý nhanh nhảu giơ tay lên trước:
– Bác ơi! Tại sao có ngày 22-12 ạ?
Bác Thận gật đầu, mĩm cười rồi trả lời:
– Thế này cháu ạ! Vào ngày 7-5-1944, Tổng bộ Việt Minh ta ra chỉ thị cho các cấp sửa soạn khởi nghĩa và kêu gọi nhân dân “sắm vũ khí đuổi thù chung”. Không khí lúc bấy giờ sôi sục trong tất cả các khu căn cứ. Chính bác cũng cảm nhận được bầu không khi bận rộn. Tình hình thời cuộc lúc này rất khẩn trương, vào khoảng tháng 10-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc nêu rõ “Phe xâm lược gần đón ngày bị tiêu diệt… Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”. Sau đó, theo chỉ thị của Cụ Hồ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập ngày 22- 12-1944 nhằm phát động phong trào đấu tranh cả chính trị và quân sự để thúc đẩy quá trình cách mạng tiến lên mạnh mẽ hơn nữa. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã đánh thắng liên tiếp hai trận ở Phay Khắt và Nà Ngần. Từ đó ngày 22-12-1944 đã trở thành ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Các cháu đã rõ chưa nào?
Bây giờ thì em đã hiểu xuất xứ ngày 22-12 qua lời kể của bác Thận, hiểu về truyền thống yêu nước và ý chí chiến đấu bảo vệ đất nước của dân tộc và đặc biệt là các chú, các bác trong quân đội. Càng hiểu nơi bắt đầu thì càng phải trân trọng, càng cần phải khắc ghi nó vào tiềm thức. Đó cũng là việc làm thể hiện lòng biết ơn của mình đối với các bậc tiền bốì đã hi sinh để ngày lễ này càng có ý nghĩa và sâu sắc.
Kế tiếp là câu hỏi của Trang dành cho bác Lê:
– Thưa bác? Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường lịch sử Ba Đình, bác là người trực tiếp kéo cờ Việt Nam lên cột cờ trong lúc mọi người hát Quốc ca. Cho cháu hỏi: Tâm trạng của bác lúc ấy như thế nào ạ?
– Đúng là lúc ấy bác giữ trọng trách nặng nề. Bác vừa mừng lại vừa lo. Các cháu có biết vì sao không? Mừng vì bác là người trực tiếp kéo cờ trong một buổi lễ hết sức quan trọng; rất vinh dự và tự hào. Lo là vì phải kéo cờ làm sao cho vừa hết bài Quốc ca thì cờ cũng phải kéo lên đỉnh cột cờ. Trong lúc đang kéo cờ thì bác có một cảm xúc rất khó tả nhưng vô cùng mãnh liệt: Sự xúc động đã lấn át trái tim bác. Lòng bác như muốn nói thật to: Việt Nam tự do! Việt Nam độc lập! Hồ Chủ tịch muôn năm!”.
Khuôn mặt bác thể hiện rõ nỗi xúc động cứ đan xen vào nhau. em thấu hiếu rằng ngày 2 -9 có ý nghĩa cực kì to lớn trong mỗi con người Việt Nam, làm đẹp thêm tâm hồn con người và làm vẻ vang thêm trang sử hào hùng của dân tộc Việt. Khuôn mặt mỗi thành viên của lớp 9A6 cũng khác nhau. Có người bộc lộ nét tươi tắn, sung sướng, hãnh diện và tự hào vì đất nước ta đã giành chiến thắng từ tay thực dân Pháp bằng rất nhiều nỗ lực phi thường, cũng có bạn vẻ mặt trầm tư, suy nghĩ. Có lẽ bạn đang nghĩ, để có được hòa bình, độc lập như hôm nay, dân tộc ta đã đổ không biết bao nhiêu xương máu, bao con người đã ngã xuống quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Sau đó, bác Thận lại kể cho chúng em nghe về chiến thắng lịch sử ngày 30-4. Nhờ có lời kể của bác mà chúng em biết được chiến thắng lẫy lừng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân ta và sự giúp đỡ to lớn của bạn bè năm châu.
Chính lúc này đây, em thật sự cảm động. Sự biết ơn, niềm tự hào, một chút hãnh diện, một chút hổ thẹn đã tạo nên trong lòng em một cảm xúc khó tả. Em đứng lên phát biểu những suy nghĩ và tình cảm của mình:
- Cháu xin thay mặt cho các bạn ngồi đây có đôi lời phát biểu. Thế hệ chúng cháu may mắn sinh ra đã được hưởng một nền hòa bình. Chúng cháu biết, để có được ngày hôm nay, cả dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi rất nhiều. Chúng cháu rất biết ơn các bác, những người đã hi sinh biết bao công sức và xương máu để bảo vệ đất nước. Chúng cháu hứa nguyện sẽ nỗ lực rèn luyện, học tập và tu dưỡng đạo đức để mai sau xây dựng đất nước vững mạnh hơn. Và ngày mai bắt đầu từ ngàv hôm nay. Ngay bây giờ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng cháu sẽ cố gắng học tập tốt, để khi vào đời góp phần đưa nước ta sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Chúng cháu sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những truyền thống mà cha anh đi trước để lại. Cuối cùng, cháu xin chúc các bác một sức khỏe dồi dào để công tác tốt.
Em vừa kết thúc câu nói, một tràng pháo tay rộn rã vang lên. Tiếp theo, chúng em cùng các bác đi thăm Viện Bảo tàng. Vừa đi, các bác vừa giảng giải cho chúng em về truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Trời gần trưa, ánh nắng bắt đầu gay gắt, chúng em luyến tiếc chia tay các bác để lên xe ô tô trở về trường.
Ánh nắng đã nhạt dần, chúng em chia tay các bác, các chú trong lưu luyến, bâng khuâng. Buổi gặp gỡ đã khơi dậy những ước mơ trong em, khiến em có thêm niềm tin và quyết tâm và một tương lai tươi sáng của dân tộc. Cũng sau buổi hôm đó em thấy yêu hơn từng tấc đất của quê hương mình.