ĐỀ 1: Viết đoạn văn ngắn cảm nhận đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều
Bài làm
Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều là một trong những đoạn trích mang giá trị hiện thực sâu sắc nhất trong Truyện Kiều. Đoạn trích đã vẽ lên chân dung sống động của Mã Giám Sinh, tên lưu manh bán thịt buôn người; đồng thời thể hiện nỗi đau đớn, tuyệt vọng của Thúy Kiều – người con gái tài sắc tuyệt vời mà bị coi như một thứ hàng hóa vô tri, bị mua đi bán lại không chút xót thương. Vì lo cho gia đình mà người con gái tài sắc vẹn toàn đã phải bán mình để chuộc cha và em. Mã Giám Sinh đã nhờ người mai mối dẫn đến nhà để cưới nàng làm vợ lẽ. Và với bút pháp tả thực độc đáo, Nguyễn Du đã khắc họa một cách sinh động hình ảnh nhân vật phản diện hiện lên một cách sinh động. Mã Giám Sinh đã hiện lên với bản chất con buôn xấu xa qua hàng loạt những hành động và cách cư xử thô tục cùng những câu trả lời cộc lốc. Thúy Kiều thì được khắc họa với dáng vẻ đáng thương, tội nghiệp của một người con gái vô tội, nhỏ bé trước xã hội phong kiến đầy những bất công. Đoạn trích không nổi bật bởi bút pháp tả cảnh hay ca ngợi vẻ đẹp con người mà nổi bật và thành công rực rỡ ở giá trị hiện thực đặc sắc. Đó là cảnh buôn người trong xã hội Trung cổ xưa. Văn bản cũng thể hiện lời tố cáo tội ác của xã hội phong kiến suy tàn và lời kêu gọi thống thiết: Hãy cứu lấy con người của Nguyễn Du ẩn chứa sau từng hình ảnh, từ ngữ trong đoạn trích này.
ĐỀ 2: Viết đoạn văn ngắn cảm nhận nhân vật Mã Giám Sinh trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều
Bài làm
Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều là một đoạn trích lột tả một cách chân thực hình ảnh bọn buôn phấn bán hoa thời Trung cổ, trong đó nổi bật với hình tượng Mã Giám Sinh. Tên buôn người xuất hiện với hình ảnh thiếu thiện cảm khi hắn trả lời cộc lốc: "Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh / Hỏi quê, rằng: Huyện Lâm Thanh cũng gần”. Hai câu mà chỉ cung cấp được một thông tin nhỏ là hắn mang họ Mã. Còn tất cả đều mù mờ, không rõ ràng. Hình dáng bên ngoài của Mã có nhiều mâu thuẫn. Tuổi tác: Quá niên trạc ngoại tứ tuần nhưng lại ăn mặc bóng bẩy "Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao" và đầy kịch cỡm. Lại thêm những hành động "sỗ sàng" và "cò kè" trả giá đã làm nổi bật hình ảnh của một con buôn chính hiệu nhưng lại giả dạng đến hỏi mua vợ. Trước mắt người đọc, là một hiện thực trần trụi đáng sợ: Mã Giám Sinh – tên tú ông bán thịt buôn người đã lộ nguyên hình. Nhân vật Mã Giám Sinh chính là nhân vật đại diện cho tầng lớp buôn người trong xã hội đầy xấu xa, đồng thời qua nhân vật phản diện này, tác giả cũng thể hiện tư tưởng nhân đạo dành cho những phận người nhỏ bé, bị chà đạp trong xã hội phong kiến xưa.