Soạn bài Kể lại một truyện cổ tích siêu ngắn

Sách chân trời sáng tạo

Đổi lựa chọn

Phần I - Nội dung lý thuyết
      Em đã từng đọc, được nghe kể nhiều truyện cổ tích hay. Có những truyện để lại ấn tượng rất sâu đậm trong kí ức của em. Có khi nào em muốn tự mình kể lại cho mọi người nghe những câu chuyện thú vị đó hay không? Cách thức kể như thế nào?... Bài học này sẽ hướng dẫn những bước cơ bản để em biết cách kể lại một truyện cổ tích.
     Kể lại một truyện cổ tích thuộc loại văn kể chuyện, trong đó, người viết kể lại một truyện cổ tích bằng lời văn của mình.
 
Phần II - Yêu cầu đối với kiểu bài
- Người kể sử dụng ngôi thứ ba.
- Các sự việc được trình bày theo trình tự thời gian.
- Đảm bảo kể được đầy đủ các sự việc quan trọng trong truyện, đặc biệt là các yếu tố kì ảo, hoang đường.
- Bài văn gồm có ba phần:
+ Mở bài: Giới thiệu truyện cổ tích sẽ kể lại (tên truyện, lí do chọn kể,...).
+ Thân bài: Giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện. Trình bày những sự việc đã xảy ra trong câu chuyện theo trình tự thời gian.
+ Kết bài: Nêu cảm nghĩ về truyện vừa kể

Phần III - Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

Em hãy tìm đọc truyện cổ tích Cây khế và đọc bài văn kể lại truyện Cây khế, sau đó trả lời những câu hỏi sau:

Trả lời câu 1 (trang 54 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Người kể có nêu được thời gian, địa điểm xảy ra câu chuyện hay không?

Phương pháp giải:

Đọc đoạn đầu văn bản xem đã có thông tin này chưa.

Lời giải chi tiết:

Người kể đã nêu được thời gian, địa điểm xảy ra câu chuyện: ngày xưa và tại một nhà kia.

Trả lời câu 2 (trang 54 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Người kể có đảm bảo kể đủ những sự việc chính đã diễn ra trong truyện Cây khế hay không?

Phương pháp giải:

Tìm đọc truyện Cây khế và đối chiếu các sự việc.

Lời giải chi tiết:

Người kể đã đảm bảo kể đủ những sự việc chính đã diễn ra trong truyện Cây khế:

- Cha mẹ mất sớm, người anh lấy hết của cải.

- Chim ăn khế và trả vàng cho nhà người em.

- Người anh đòi đổi tài sản lấy cây khế của em.

- Do quá tham lam, người anh đã rơi xuống biển và bị sóng cuốn đi.

Trả lời câu 3 (trang 54 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Những hành động của nhân vật trong truyện có bị người kể bỏ sót hay không?

Phương pháp giải:

Tìm đọc truyện Cây khế và đối chiếu các hành động của nhân vật trong truyện.

Lời giải chi tiết:

Những hành động của nhân vật trong truyện không bị người kể bỏ sót:

- Hành động của người anh độc ác lấy hết gia sản.

- Người em hiền lành cho chim ăn khế.

- Con chim biết lấy vàng trả ơn.

- Người anh tham lam bắt chim chở nặng và nhận lấy cái chết.

Trả lời câu 4 (trang 54 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Từ bài văn kể lại truyện Cây khế, em học được điều gì về cách kể lại một truyện cổ tích?

Phương pháp giải:

Đọc lại bài văn và xét xem về hình thức và nội dung có gì đặc biệt.

Lời giải chi tiết:

Từ bài văn kể lại truyện Cây khế, em học được cách kể lại một truyện cổ tích đó là phải đáp ứng đầy đủ nội dung và hình thức của văn bản.

Đề bài:

Viết một bài văn khoảng 400 chữ kể lại một truyện cổ tích

Phương pháp giải:

Em tự chọn một truyện cổ tích mà mình yêu thích rồi viết bài văn:

- Bài văn ngắn gọn khoảng 400 chữ.

- Có đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.

- Lập dàn ý sau đó kể lại truyện.

Lời giải chi tiết:

Hướng dẫn kể truyện cổ tích Cây vú sữa:

     Truyện cổ tích chính là suối nguồn mát lành về lòng nhân hậu và những bài học làm người bao la. Hòa trong dòng chảy mát lành ấy, có tác phẩm Cây vú sữa là câu chuyện khiến em nhớ mãi về sự hi sinh của đấng sinh thành.

     Ngày xưa, có một cậu bé được mẹ cưng chiều nên rất nghịch và ham chơi. Một lần, bị mẹ mắng, cậu vùng vằng bỏ đi. Cậu la cà khắp nơi, mẹ cậu ở nhà không biết cậu ở đâu nên buồn lắm. Ngày ngày mẹ ngồi trên bậc cửa ngóng cậu về. Một thời gian trôi qua mà cậu vẫn không về. Vì quá đau buồn và kiệt sức, mẹ cậu gục xuống và hóa thành một cái cây.

     Một hôm, vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ. “Phải rồi, khi mình đói, mẹ vẫn cho mình ăn, khi mình bị đứa khác bắt nạt, mẹ vẫn bên mình, về với mẹ thôi.” Cậu liền tìm đường về nhà. Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ đâu. Cậu khản tiếng gọi mẹ:

- Mẹ ơi, mẹ đi đâu rồi, con đói quá! - Cậu bé gục xuống, rồi ôm một cây xanh trong vườn mà khóc.

     Kỳ lạ thay, cây xanh bỗng run rẩy. Cây nghiêng cành, một quả to rơi vào tay cậu bé. Cậu bé cắn một miếng thật to. Chát quá! Quả thứ hai rơi xuống. Cậu lột vỏ, cắn vào hạt quả. Cứng quá. Quả thứ ba rơi xuống. Cậu khẽ bóp quanh quanh quả, lớp vỏ mềm dần rồi khẽ nứt ra một kẽ nhỏ. Một dòng sữa trắng sóng sánh trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ.

     Cây rung rinh cành lá, thì thào:

- Ăn trái ba lần mới biết trái ngon. Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ.

      Cậu oà lên khóc. Mẹ đã không còn nữa. Cậu nhìn lên tán lá, lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu ôm lấy thân cây mà khóc, thân cây xù xì, thô ráp như đôi bàn tay làm lụng của mẹ. Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, ai cũng thích. Họ đem về gieo trồng khắp nơi và đặt tên là Cây Vú Sữa.

      “Đi khắp thế gian, không ai tốt bằng mẹ”. Câu chuyện về cây vú sữa đã gửi gắm đến chúng em bài học về đạo làm con và công ơn trời biển của đấng sinh thành. Cảm ơn vườn cổ tích, cảm ơn những câu chuyện nhân văn đã dạy dỗ chúng em nên người trong suốt hành trình lớn lên.

Phần IV - Hướng dẫn quy trình viết

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

- Xác định đề tài

- Thu thập tư liệu

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

- Tìm ý

- Lập dàn ý

Bước 3: Viết bài

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

- Xem lại và chỉnh sửa

- Rút kinh nghiệm