I. Khái niệm trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống
Trước những vấn đề đặt ra trong học tập và cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta thường có nhận thức và cách giải quyết riêng. Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống là dùng ngôn ngữ nói trình bày ý kiến của chúng ta về một vấn đề đáng quan tâm nào đó trong cuộc sống.
II. Hướng dẫn quy trình trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống
Bước 1: Xác định đề tài, thời gian và không gian nói.
Đề tài của bài nói đã được em chuẩn bị được phần Viết. Mục đích của bài nói là để thuyết phục người nghe về vấn đề mà em trình bày. Do đó, cần cân nhắc đến không gian và thời gian nói bằng cách trả lời những câu hỏi sau: Em dự định sẽ nói ở đâu và trong thời gian bao lâu? Em sẽ dành bao nhiêu thời gian cho phần trao đổi với người nghe?
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý.
- Tìm hình ảnh, đoạn phim ngắn, sơ đồ, bảng biểu để tăng tính thuyết phục cho bài nói.
- Dự kiến các ý kiến phản biện và chuẩn bị phần phản hồi.
- Việc tóm tắt hệ thống ý dưới dạng dàn ý hoặc sơ đồ (Trên giấy hoặc trên các phần mềm trình chiếu) sẽ giúp em làm chủ được nội dung trình bày, cũng như giúp người nghe dễ dàng theo dõi bài nói.
Bước 3: Luyện tập và trình bày.
Em có thể luyện nói một mình bằng cách đứng trước gương hoặc nói và tự ghi âm để nghe lại, hoặc luyện tập với bạn.
- Khi luyện tập, em chú ý:
+ Lựa chọn từ ngữ trong phù hợp với văn nói; Sử dụng từ nối: mặt khác, hơn nữa, bên cạnh đó, thứ nhất, thứ hai, đầu tiên, tiếp đó,... để phần trình bày mạch lạc, rõ ràng; Sử dụng một số cấu trúc về nhấn mạnh ý tưởng: phủ định của phủ định, cấu trúc điệp,...
+ Chuẩn bị phần mở đầu và phần kết hấp dẫn: Đưa ra một hình ảnh, có tính ẩn dụ; kể một câu chuyện ngắn gọn, hấp dẫn; chiếu một đoạn phim ngắn hoặc đưa ra một sự vật để khơi gợi trí tò mò, đặt ra một vấn đề thực tế mà người nghe quan tâm trích dẫn một danh ngôn, lời phát biểu,...
- Khi trình bày, em nên:
+ Dựa vào phần tóm tắt ý đã chuẩn bị từ trước.
+ Trình bày từ khái quát đến cụ thể: Tóm tắt hệ thống ý của bài nói trước, sau đó đi vào cụ thể từng phần.
+ Kết nối các tư liệu trực quan (hình ảnh, đoạn phim, sơ đồ, bảng biểu,...) với bài nói.
+ Chú ý tương tác với khán giả bằng cách đến gần khán giả, giao tiếp bằng mắt.
Bước 4: Trao đổi và đánh giá.
Khi trao đổi với người nghe, em nên:
- Có thái độ cầu thị, nghiêm túc lắng nghe và ghi chép ý kiến của khán giả.
- Lựa chọn một số câu hỏi, ý kiến phản biện mà em cho là quan trọng để phản hồi trong khuôn khổ thời gian cho phép.
- Sau buổi trình bày, có thể tiếp tục trao đổi với khán giả những ý kiến chưa được làm rõ (có thể thông qua một số phương tiện như thư điện tử, tin nhắn, mạng xã hội,...).
III. Ví dụ trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống
Kính chào thầy cô và các bạn! Mọi người có biết đây là gì không ạ? (Hãy mang 1 cái máy chơi game hoặc trình chiếu một ảnh về game). Vâng, không ai trả lời sai câu này cả. Vậy trong số các bạn, có bao nhiêu bạn chơi game? Ngay từ câu hỏi này thôi tôi đã thấy có tới 80 - 90% các bạn trong lớp có sở thích là chơi game. Như các bạn cũng biết, cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, đời sống vật chất và tinh thần của con người ngày càng được nâng cao. Bên cạnh những nhu cầu về ăn mặc, sinh hoạt thì nhu cầu giải trí của con người cũng tăng lên. Và để đáp ứng điều này, vô số trò chơi tiêu khiển đã ra đời. Nhưng đáng buồn thay, những trò chơi dân gian bổ ích và đậm đà bản sắc dân tộc lại mai một, rồi dần dần có nguy cơ biến mất, thay vào đó là sự bùng nổ và phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát của trò chơi điện tử. Thực trạng này đã gây ra rất nhiều hậu quả và hệ lụy bởi việc lạm dụng trò chơi điện tử và lún sâu vào thế giới ảo.
Vậy game (hay trò chơi điện tử) là gì? Trò chơi điện tử là những trò chơi giải trí được ra đời dựa trên sự phát triển của công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử. Một điều không thể phủ nhận là sự ra đời của mạng internet đã đem đến một số tiện ích cho cuộc sống con người như tìm kiếm thông tin nhanh hơn, giúp con người có thể kết nối với nhau dễ dàng, làm việc hiệu quả hơn,.... Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự phát triển này còn tạo tiền đề và nền tảng tốt cho sự ra đời của trò chơi điện tử. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, hay máy tính, laptop kết nối internet thì người dùng có thể lựa chọn một trò chơi tiêu khiển mà mình yêu thích trong vô vàn những trò chơi bằng hình thức online.
Và hiện nay, số lượng các quán game, quán net mọc lên hàng loạt, và cảnh tượng thường thấy tại các địa điểm này là sự đông đúc. Đặc biệt, tỉ lệ số người sử dụng trò chơi điện tử chủ yếu rơi vào đối tượng là các bạn học sinh, sinh viên, và chủ đề chính xuất hiện trong những cuộc nói chuyện giữa các bạn trẻ thường là những trò chơi điện tử nổi tiếng và có sức hấp dẫn như Liên quân, Liên minh huyền thoại,....
Chúng ta không thể phủ nhận rằng, sự ra đời của trò chơi điện tử đã giúp con người giải tỏa bớt được những căng thẳng, mệt mỏi sau thời gian làm việc. Trò chơi điện tử cũng vô cùng phong phú và đa dạng, người dùng có thể thoải mái lựa chọn trò chơi phù hợp với nhu cầu cũng như độ tuổi của bản thân. Như vậy, khi biết cách sử dụng một cách hợp lí về cách thức cũng như quỹ thời gian, trò chơi điện tử sẽ đem đến những lợi ích nhất định cho người chơi.
Tuy nhiên, trên thực tế, con người đang lạm dụng cũng như đầu tư nhiều thời gian cho những trò chơi điện tử và vô tình khiến chúng trở thành những mối nguy hại. Trước hết, nghiện chơi điện tử sẽ làm ảnh hưởng xấu đến kết quả công việc, còn đối với thế hệ trẻ, điều này sẽ làm giảm hứng thú, kết quả học tập. Khi dạo ngang qua các quán internet, chúng ta dễ dàng bắt gặp những bạn trẻ tập trung cao độ vào màn hình máy tính, đắm mình trong những thế giới ảo.
Không ít bạn học sinh sẵn sàng nói dối bố mẹ, thầy cô để trốn học, thậm chí, khi không còn tiền để đầu tư vào các trò game, các bạn sẵn sàng thực hiện những hành động vi phạm quy chuẩn đạo đức và pháp luật như trộm cắp, cướp giật tài sản. Như vậy, bắt nguồn từ nhu cầu giải trí, trò chơi điện tử lại trở thành những mối nguy hại và là một trong những con đường dẫn con người sa vào tệ nạn xã hội.
Trò chơi điện tử ngày càng gia tăng và phát triển cả về số lượng, chất lượng, khiến cho người dùng dễ dàng đắm mình vào thế giới ảo và quên đi thế giới thực tại. Lâu dần, con người sẽ không quản lí và làm chủ được quỹ thời gian của bản thân, rồi trở thành những con nghiện game. Sự cám dỗ của những trò chơi điện tử vô cùng hấp dẫn cũng như hậu quả mà nó để lại đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh và đáng báo động. Đứng trước thực trạng này, chúng ta cần có những biện pháp phù hợp để phòng tránh và ngăn chặn.
Theo các bạn, những biện pháp ấy là gì? Chúng ta nên làm như thế nào để "chơi game vừa đủ"? Trước hết, ta cần tuyên truyền, phổ biến về những hậu quả mà trò chơi điện tử gây ra khi con người lạm dụng nó. Để tránh được điều này, con người cần biết sắp xếp và sử dụng quỹ thời gian hợp lí, không dành quá nhiều thời gian cho các trò chơi tiêu khiển vô bổ. Đồng thời, chúng ta nên giải trí bằng những trò chơi có lợi cho sức khỏe như vận động thể dục thể thao. Giữa gia đình, nhà trường cần có sự phối hợp trong việc định hướng cho học sinh tìm đến những trò chơi bổ ích và tránh xa trò chơi điện tử.
Như vậy, trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin nói chung và của mạng truyền thông, thiết bị điện tử thông minh nói riêng, con người cần có bản lĩnh để vững vàng trong việc sắp xếp, sử dụng quỹ thời gian hợp lí. Là học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần nhận thức rõ hơn điều này để không sa vào tệ nạn xã hội.