I. Khái niệm trình bày cảm xúc về một bài thơ lục bát
Trình bày cảm xúc về một bài thơ lục bát là dùng ngôn ngữ nói của mình để trình bày lại bài viết cảm xúc về bài thơ lục bát mà mình đã viết trước đó.
II. Hướng dẫn quy trình trình bày cảm xúc về một bài thơ lục bát
Bước 1: Xác định đề tài, người nghe, mục đích, không gian và thời gian nói.
- Đề tài bài nói là gì?
- Em dự định sẽ nói ở đâu và nói trong thời gian bao lâu?
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý.
- Sử dụng các ý đã có trong đoạn văn đã viết để chuẩn bị cho bài nói.
- Liệt kê các ý chính cần nói dưới dạng những gạch đầu dòng hoặc cụm từ.
Bước 3: Luyện tập và trình bày.
Khi trình bày cảm xúc về một bài thơ lục bát, em cần:
- Giới thiệu rõ tên bài thơ.
- Đọc diễn cảm bài thơ.
- Trình bày rõ ràng, mạch lạc những cảm xúc mà bài thơ đã gợi ra cho em.
- Nêu những từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ để làm minh chứng.
- Lựa chọn điều chỉnh một số từ ngữ, câu văn sao cho phù hợp với văn nói.
- Sử dụng cách xưng hô và ngữ điệu linh hoạt, phù hợp với đối tượng người nghe và nội dung nói.
- Sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ như nét mặt, cử chỉ, điệu bộ phù hợp để thể hiện cảm xúc về bài thơ.
- Tương tác với người nghe bằng cách nhìn vào mắt họ, mời họ nêu câu hỏi.
Bước 4: Trao đổi, đánh giá.
Trong bước này, em sẽ lần lượt đóng hai vai trò: người nói và người nghe. Trong vai người nghe, em hãy nêu những điểm hay trong cách trình bày và nội dung bài nói của bạn; nêu câu hỏi, nhận xét về những vấn đề mà em chưa hiểu rõ hoặc có quan điểm khác với người nói. Sau đó, em dùng bảng dưới đây để đánh giá phần trình bày của bạn. Trong vai người nói, em có thể dùng bảng kiểm này để tự kiểm soát bài nói của chính mình.
III. Ví dụ trình bày cảm xúc về một bài thơ lục bát
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài bể Đông
Núi cao bể rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!
Chắc hẳn rằng không ai trong chúng ta không biết đến bài thơ lục bát này đúng không ạ? Vì nó đã quen thuộc rồi nên tôi xin hỏi một bạn về nội dung mà bạn cảm nhận được qua bài này. Cảm ơn ý kiến của bạn. Tôi đồng ý/ không đồng ý với ý kiến ấy của bạn. Trong bài ca dao trên, tác giả ví công cha, nghĩa mẹ như núi ngất trời, như nước ở ngoài biển Đông là lấy cái mênh mông, vĩnh hằng, vô hạn của trời đất, thiên nhiên để so sánh, làm nổi bật ý nghĩa: công ơn cha mẹ vô cùng to lớn, không thể nào cân đong đo đếm hết được. Ví công cha với núi ngất trời là khẳng định sự lớn lao, ví nghĩa mẹ như nước biển Đông là để khẳng định chiều sâu, chiều rộng. Hình ảnh mẹ hiền hòa, đôn hậu không dữ dội, kì vĩ như hình ảnh cha nhưng sâu xa hơn, rộng mở và gần gũi hơn. Đối công cha với nghĩa mẹ, núi với biển là cách diễn đạt quen thuộc, đồng thời cũng làm cho các hình ảnh được tôn cao thêm, trở nên sâu sắc và lớn lao hơn. Từ việc nhấn mạnh công cha, nghĩa mẹ to lớn như vậy, bài ca dao đưa ra lời khuyên nhủ đối với những phận làm con: “Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”. Nhắc đến “cù lao chín chữ” là nhắc đến công ơn sinh thành, dưỡng dục vất vả khó khăn của cha mẹ dành cho con. Nhớ đến công cha nghĩa mẹ “Núi cao bể rộng mênh mông”, mong con hãy lấy tấm tình bé nhỏ của mình để đền đáp ơn nghĩa to lớn vời vợi ấy. Bài ca dao nhắc nhở tôi cũng như các bạn về công lao của cha mẹ. Từ đó chúng ta sẽ có những hành động hợp lí để báo đáp công sinh thành và dưỡng dục ấy. Trên đây là bài nói của tôi về cảm xúc với một bài thơ lục bát. Xin cảm ơn các bạn đã lắng nghe!