Đề kiểm tra 15 phút chương 2 phần 1 - Đề số 3 có lời giải chi tiết

Đề bài

I. TRẮC NGHIỆM (6 điểm)

Câu 1. Từ năm 1950 đến năm 1975, Liên Xô thực hiện nhiều kế hoạch dài hạn nhằm

A. Phấn đấu đạt 20% tổng sản lượng công nghiệp toàn thế giới.

B. Hoàn thành cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học hóa nền kinh tế.

C. Trở thành cường quốc công nghiệp đứng thứ hai trên thế giới.

D. Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất-kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội

Câu 2. Chính sách đối ngoại vủa Liên Bang Nga từ năm 1991 đến năm 2000 vừa ngả về phương Tây, vừa khôi phục và phát triển quan hệ với các nước

A. Châu Phi

B. trong nhóm G7

C. khu vực Mĩ Latinh

D. châu Á

Câu 3. Từ năm 1950 đến nửa đầu những năm 70, Liên Xô đi đầu thế giới trong lĩnh vực nào?

A. Công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo.

B. Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.

C. Công nghiệp quốc phòng.

D. Công nghiệp vũ trụ, công nghiệp điện hạt nhân.

Câu 4. Thành tựu quan trọng nhất về kinh tế mà Liên Xô đạt được sau chiến tranh thế giới thứ hai là

A. Năm 1949, Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử

B. Năm 1957, Liên Xô là nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo Trái Đất

C. Năm 1961, Liên Xô phóng tàu vũ trụ đưa nhà du hành vũ trụ Gagarin bay vòng quanh Trái Đất

D. Đến đầu thập niên 60 của thế kỉ XX, Liên Xô trở thành cường quốc công nghiệp thứ hai thế giới sau Mĩ.

Câu 5. Sai lầm lớn nhất của Liên Xô và các nước Đông Âu khi tiến hành cải tổ đất nước để thoát khỏi khủng hoảng là

A. Chỉ lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, không coi trọng cải tổ bộ máy nhà nước.

B. Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hoá, gần gũi với phương Tây.

C. Thiếu dân chủ công khai và đàn áp nhân dân biểu tình.

D. Thực hiện đa nguyên đa đảng (cho phép nhiều đảng phái cùng tham gia hoạt động)

Câu 6. Nội dung nào sau đây không phải là đường lối xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của Liên Xô sau Chiến tranh thế giới thứ hai?

A. Mở rộng liên minh quân sự ở châu Âu, châu Á và khu vực Mĩ latinh.

B. Ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

C. Viện trợ, giúp đỡ nhiều nước xã hội chủ nghĩa.

D. Bảo vệ hòa bình thế giới, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc.

II. TỰ LUẬN (4 điểm)

Câu 1: (2 điểm) Nêu những thành tựu chính của Liên Xô trong công cuộc khôi phục kinh tế sau chiến tranh?

Câu 2: (2 điểm) Phân tích những nguyên nhân chính dẫn đến sự tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu.

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. TRẮC NGHIỆM

1

2

3

4

5

6

D

D

D

D

D

A

Câu 1.

Phương pháp: Sgk trang 11.

Cách giải:

Từ năm 1950 đến nửa đầu những năm 70 của thế kỉ XX, Liên Xô đã thực hiện nhiều kế hoạch dài hạn nhằm tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội. Các kế hoạch này về cơ bản đã hoàn thành với nhiều thành tựu to lớn.

Chọn đáp án: D

Câu 2.

Phương pháp: Sgk trang 17.

Cách giải:

Chính sách đối ngoại của Liên bang Nga từ năm 1991 đến 2000 là một mặt ngả về phương Tây với hi vọng nhận được sự ủng hộ về chính trị và sự viện trợ về kinh tế; mặt khác, nước Nga khôi phục và phát triển mối quan hệ với các nước châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, các nước ASEAN…)

Chọn đáp án: D

Câu 3.

Phương pháp: Sgk trang 11.

Cách giải:

Từ năm 1950 đến nửa đầu những năm 70, Liên Xô đi đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp vũ trụ điện hạt nhân.

Chọn đáp án: D

Câu 4.

Phương pháp: Sgk trang 11, suy luận.

Cách giải:

Thành tựu quan trọng nhất của Liên Xô đạt được sau chiến tranh thế giới thứ hai là thành tựu khái quát nhất, có ý nghĩa với công cuộc xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của Liên Xô.

Các đáp án A, B, C đều là thành tựu thể hiện một mặt là khoa học – kĩ thuật.

Đáp án D: Liên Xô trở thành cường quốc công nghiệp đứng thứ hai thế giới (sau Mĩ) là đáp án thể hiện được khai quát nhất thành tựu về kinh tế Liên Xô đạt được sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Chọn đáp án: D

Câu 5.

Phương pháp: Sgk trang 16, suy luận.

Cách giải:

Do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1973, nền kinh tế Đông Âu lâm vào khủng hoảng trầm trọng => lòng tin của nhân dân đối với Đảng Cộng sản và Nhà nước ngày càng giảm sút. Mặc dù có những biện phảp cải cách nhưng do sai lầm về chính trị lớn nhất là: ban lãnh đạo các nước Đông Âu lần lượt từ bỏ quyền lãnh đạo của Đảng, chấp nhận chế độ đa nguyên, đa đảng và tiến hành tổng tuyển cử, chấm dứt chế độ xã hội chủ nghĩa. Các nước Đông Âu lần lượt từ bỏ chủ nghĩa xã hội.

Chọn đáp án: D

Câu 6.

Phương pháp: Sgk trang 11, loại trừ..

Cách giải:

Đường lối đối ngoại xuyên suốt của Liên Xô sau chiến tranh thế giới thứ hai là: thực hiện chính sách bảo vệ hòa bình thế giới, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc và giúp đỡ các nước xã hội chủ nghĩa.

Chính sách mở rộng liên minh quân sự ở châu Âu, châu Á và khu vực Mĩ Latinh là chính sách đối ngoại của các nước đế quốc, thực dân sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Chọn đáp án: A

II. TỰ LUẬN

Câu 1:

Phương pháp: sgk trang 10.

Cách giải:

Với tinh thần tự lực tự cường, nhân dân Liên Xô đã hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm khôi phục kinh tế (1946 - 1950) trong vòng 4 năm 3 tháng.

- Kinh tế:

+ Công nghiệp: được phục hồi vào năm 1947. Đến năm 1950, tổng sản lượng công nghiệp tăng 73% so với mức trước chiến tranh (kế hoạch dự kiến là 48%) hơn 6200 xí nghiệp được phục hồi hoặc xây dựng mới đi vào hoạt động.

+ Nông nghiệp: sản xuất nông nghiệp năm 1950 đã đạt mức trước chiến tranh.

- Khoa học - kĩ thuật: phát triển nhanh chóng. Năm 1949, Liên Xô đã chế tạo thành công bom nguyên tử, phá thế độc quyền vũ khí nguyên tử của Mĩ.

Câu 2:

Phương pháp: sgk trang 17, suy luận.

Cách giải:

Những nguyên nhân chính dẫn đến sự tan rã của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu:

- Một là, do đường lối lãnh đạo mang tính chủ quan, duy ý chí, cùng với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp làm cho sản xuất trì trệ, đời sống nhân dân không được cải thiện. Thêm vào đó là sự thiếu dân chủ và công bằng đã làm tăng thêm sự bất mãn trong quần chúng.

- Hai là, không bắt kịp bước phát triển của khoa học – kĩ thuật tiên tiến, dẫn tới tình trạng trì trệ, khủng hoảng về kinh tế, xã hội. Chẳng hạn như ở Liên Xô, trong những năm 70 của thế kỉ XX phải nhập lương thực của các nước Tây Âu.

- Ba là, khi tiến hành cải tổ lại phạm phải sai lầm trên nhiều mặt, làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng. Đặc biệt là sai lầm khi thực hiện chế độ đa nguyên đa đảng, từ bỏ quyền lãnh đạo cao nhất của Đảng.

- Bốn là, sự chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước có tác động không nhỏ làm cho tình hình trở nên thêm rối loạn.