Câu 1 (trang 3 SGK Ngữ văn 12, tập 2)
* Cảnh ngộ và bi kịch của cuộc đời Mị:
+ Cảnh ngộ: Mị là cô gái xinh đẹp, có tài thổi sáo, được nhiều người mê. Tuy nhà nghèo, bố mẹ lại có món nợ truyền kiếp với nhà thống lí nhưng Mị không muốn bị gán nợ mà muốn tự làm nương trả nợ. Mị bị A Sử, con thống lí, cướp về trình ma để làm vợ hắn.
+ Bi kịch: Từ ngày về làm dâu nhà thống lí, Mị bị đày đọa cả về tinh thần và thể xác. Mị muốn tự tử nhưng thương bố nên đành chấp nhận. Từ cô gái trẻ trung, yêu đời, có ý thức bản thân, Mị dần dửng dưng, cam chịu. Bố chết, Mị cũng không tự tử mà chấp nhận kiếp tôi đòi. Phòng Mị có cái cửa sổ bé bằng bàn tay, đại diện cho cuộc đời nô lệ của cô.
* Diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân:
+ Những chất xúc tác khách quan khơi dậy tâm hồn Mị: thiên nhiên Hồng Ngài khi vào xuân, cảnh chuẩn bị đón tết, tiếng sáo gọi bạn, men rượu…
+ Diễn biến tâm trạng và hành động của Mị: Hồi tưởng lại quá khứ tươi đẹp ⟶ Tâm trạng phơi phới, vui sướng, nhận ra mình còn trẻ và muốn đi chơi ⟶ Muốn chết khi nghĩ lại cuộc sống với A Sử: nếu có nắm lá ngón …ăn cho chết ngay ⟶ Sống hoàn toàn với tiếng sáo, Mị náo nức sửa soạn đi chơi nhưng bị A Sử trói đứng vào cột. Dù vậy, lòng Mị vẫn theo tiếng sáo, hơi rượu đến với những cuộc chơi ⟶ Mị vùng bước đi mà không được, Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa ⟶ Khi sức sống đã hồi sinh, Mị lại sợ chết khi nhớ đến người đàn bà từng chết trói trong nhà thống lí.
* Diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm mùa đông cứu A Phủ:
- Sau đêm tình mùa xuân, Mị trở về cam chịu, dửng dưng như trước ⟶ Mặc kệ A Phủ bị trói, bị bỏ đói bỏ khát, Mị thản nhiên ngồi thổi lửa hơ tay ⟶ Suy nghĩ tàn nhẫn, lạnh lùng: Nếu A Phủ là cái xác chết…ra sưởi như đêm trước ⟶ Nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ: hồi tưởng lại cảnh mình bị trói năm xưa, tự thương mình ⟶ nhận thức rõ sự độc ác của cha con thống lí ⟶ thương xót và thấy bất công cho A Phủ ⟶ Hồi tưởng lại cuộc đời đau khổ, nhục nhã của mình ⟶ Hình dung cảnh A Phủ trốn đi ⟶ cắt dây trói cứu A Phủ, bỏ trốn cùng A Phủ.
⟶ Số phận của Mị tiêu biểu cho những người lao động nghèo khổ bị bóc lột và chà đạp dưới ách cai trị của bọn phong kiến miền núi thời kì trước cách mạng. Đó là số phận nô lệ đau khổ, tủi nhục, héo mòn.
⟶ Tính cách: Mị có sức sống tiềm tàng và mãnh liệt, có trái tim nhân hậu biết thương mình và thương người. Ở Mị ẩn chứa sức mạnh tự giải phóng đáng trân trọng cho dù mới chỉ là hành động tự phát.
Câu 2 (trang 3 SGK Ngữ văn 12, tập 2)
* Tính cách của nhân vật A Phủ:
+ Mạnh mẽ, hồn nhiên, tự do, phóng khoáng: lưu lạc từ thuở bé, không chịu ở đất thấp nên bỏ trốn lên Hồng Ngài, không có tài sản nhưng vẫn cùng trai làng đi chơi ngày xuân tìm người yêu.
+ Khỏe khoắn, dũng cảm, căm ghét sự hống hách của A Sử: đánh nhau với A Sử.
+ Gan lì nhưng nhẫn nhục, cam chịu: “im như cái tượng đá” dù bị đánh đập dã man vì cuối cùng A Phủ cũng chỉ là một kẻ nghèo khổ, phải chịu đi ở gạt nợ cho thống lí.
+ Chăm chỉ, chất phác, vô tư: khi làm công gạt nợ cho thống lí, A Phủ làm phăng phăng mọi việc một cách tháo vát; mải bẫy nhím để hổ bắt mất bò…
* Khác biệt trong bút pháp miêu tả nhân vật Mị và nhân vật A Phủ:
+ Nhân vật Mị được miêu tả chủ yếu qua diễn biến tâm lí bên trong. Ngoài ra, còn có các yếu tố hỗ trợ như miêu tả lời nói, dáng vẻ, hành động.
+ A Phủ chủ yếu được miêu tả qua hành động (yếu tố bên ngoài) và ngoại hình.
Câu 3: (trang 3 SGK Ngữ văn 12, tập 2)
Sự độc đáo trong quan sát và diễn tả về đề tài miền núi của Tô Hoài:
+ Am hiểu sâu sắc, miêu tả sinh động sinh hoạt và phong tục của người Mèo ở Hồng Ngài:
- Cứ gặt hái xong là ăn tết không kể ngày tháng nào; chuẩn bị đón Tết, con gái Mèo phơi váy hoa trên các mỏm đá, lũ trẻ chơi quay đùa nghịch trước nhà.
- Cảnh ăn tết vui xuân của người Mèo: bữa cơm bữa rượu nối tiếp bên bếp lửa; trai gái đánh pao, đánh quay, thổi sáo rồi đêm đêm hẹn hò nhau đi chơi;
- Phong tục cướp vợ, cúng trình ma.
- Cảnh xử kiện lạc hậu, tàn bạo thời kì trước cách mạng của bọn thống lí tàn ác.
+ Thiên nhiên miền núi cuối đông đầu xuân: gió và rét dữ dội.
+ Nghệ thuật dẫn truyện: tự nhiên, chân thực với ngôn ngữ mang đậm nếp cảm, nếp nghĩ, nếp diễn đạt của người dân miền núi.