I. Luyện tập trên lớp
Câu 1 trang 158 SGK Ngữ văn 12, tập 1
- Trong một đoạn/bài văn nghị luận, cần vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả và biểu cảm vì các phương thức này hỗ trợ đắc lực cho phương thức nghị luận, giúp trình bày các luận cứ sống động, rõ ràng và thuyết phục hơn.
- Để việc vận dụng các phương thức biểu đạt đó đạt hiệu quả nghị luận cần chú ý: các phương thức này giữ đúng vai trò hỗ trợ (nghị luận là phương thức chính), phải phục vụ cho việc làm rõ luận điểm, không được làm vỡ mạch nghị luận của bài/đoạn văn.
Câu 2 trang 158+159 SGK Ngữ văn 12, tập 1
- Trong nhiều trường hợp, để bài văn nghị luận thuyết phục hơn thì người viết/nói phải có khả năng vận dụng kết hợp phương thức biểu đạt thuyết minh vì phương thức này giúp cung cấp những tri thức khoa học giúp người nghe/đọc hiểu biết rõ ràng, đúng đắn về vấn đề được bàn bạc, từ đó tăng tính hiệu quả và thuyết phục cho mục đích nghị luận.
VD: Đoạn trích Không để chỉ số tăng trưởng GDP làm lạc hướng chúng ta có mục đích nghị luận là bàn bạc về việc cần đánh giá thêm chỉ số GNP bên cạnh chỉ số GDP để đánh giá thu nhập bình quân của người Việt Nam. Để đạt mục đích trên, Hải Văn còn sử dụng phương thức thuyết minh để người đọc hiểu rõ các thuật ngữ GDP và GNP, từ đó mà hiểu quan điểm của tác giả.
Câu 3 trang 159+160+161 SGK Ngữ văn 12, tập 1
a. Xác định chủ đề: Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị.
b. Tìm và sắp xếp các luận điểm theo dàn ý rành mạch, hợp lí:
+ Giới thiệu về nhà thơ Tố Hữu.
+ Giải thích thế nào là thơ trữ tình chính trị.
+ Phân tích các biểu hiện của thơ trữ tình chính trị Tố Hữu (lí tưởng lớn, niềm vui lớn, lẽ sống lớn).
+ Đánh giá khái quát về giá trị của đặc điểm và giá trị của thơ Tố Hữu.
c. Cần vận dụng thêm các phương thức biểu đạt khác để đạt hiệu quả:
+ Phương thức thuyết minh: khi giới thiệu ngắn gọn về Tố Hữu.
+ Phương thức biểu cảm, miêu tả, tự sự khi phân tích các khía cạnh của thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu.
II. Luyện tập ở nhà
Câu 1 trang 161 SGK Ngữ văn 12, tập 1
- Hai nhận định a và b đều sai vì cái hay của đoạn/bài văn nghị luận không phụ thuộc vào việc có hay không, nhiều hay ít các phương thức biểu đạt được vận dụng kết hợp. Không nên xem nhẹ và cũng không nên lạm dụng các phương thức biểu đạt hỗ trợ. Việc kết hợp cần đúng chỗ, đúng lúc, phục vụ hợp lí và hiệu quả cho mục đích nghị luận.
Câu 2 trang 161+162 SGK Ngữ văn 12, tập 1
An toàn giao thông là sự đảm bảo về tính mạng của người tham gia giao thông. Nó ngày càng được quan tâm bởi tai nạn giao thông ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến tinh thần của người đi đường. Trước đây, tai nạn giao thông cũng xảy ra nhưng không diễn ra nhiều bằng hiện nay. Mỗi năm đều có những thông số nói về tai nạn giao thông. Trong chín tháng của năm 2015( tính từ ngày 16 tháng 12 năm 2014 đến ngày 15 tháng 9 năm 2015) đã xảy ra 16459 vụ tai nạn giao thông làm 6518 người chết và 14929 người bị thương. Một con số đáng báo động cho tình trạng giao thông hiện nay. Nguyên nhân của tình trạng này phổ biến nhất là do ý thức của người tham gia giao thông. Trước hết là họ không tuân thủ đúng luật giao thông, hệ thống đèn báo hiệu, đèn giao thông cũng như hiệu lệnh của cảnh sát giao thông trên đường. Điều này là khá phổ biến. Đã có rất nhiều cô cậu thanh niên chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy, xe tay ga nhưng lại lạng lách đánh võng trên đường không những cản trở giao thông mà đã có nhiều vụ tai nạn giao thông do việc này mà ra. Không chỉ thế ý thức tham gia giao thông của mọi người cũng rất kém, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, ngược chiều đường, dừng sai nơi…
=> Đoạn văn kết hợp phương thức nghị luận với phương thức thuyết minh và miêu tả.