Đề 1: Trong một bức thư bàn về văn chương, Nguyễn Văn Siêu có viết “Văn chương…có loại đáng thờ. Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Hãy phát biểu ý kiến về quan niệm trên.
Mở bài: Giới thiệu ý kiến của Nguyễn Văn Siêu.
Thân bài:
* Giải thích:
+ “Văn chương chuyên chú ở văn chương”: văn chương theo đuổi hình thức nghệ thuật thuần túy hoặc chạy theo nội dung dễ dãi, xa rời cuộc sống → “Không đáng thờ”: không đáng coi trọng vì ít hoặc không có giá trị.
+ “Văn chương chuyên chú ở con người”: văn chương gắn bó và phục vụ cho cuộc sống con người → “Đáng thờ”: đáng trân trọng, yêu mến vì có ý nghĩa lớn lao.
→ Ý kiến trên bàn đến tiêu chí phân loại văn chương là tính mục đích của nó.
* Phân tích, chứng minh, bàn luận, đánh giá:
+ Tiêu chí đánh giá một tác phẩm văn chương trước hết ở mục đích của người viết: viết để nâng cao khả năng và tác dụng giáo dục của văn chương, đem lại những rung động thẩm mĩ chứ không vì thú vui trau chuốt câu chữ (Lấy dẫn chứng).
+ Tuy nhiên, đề cao mục đích “chuyên chú ở con người” của văn chương không có nghĩa là coi nhẹ sự sáng tạo nghệ thuật của nhà văn vì nghệ thuật tác phẩm càng cao thì hiệu quả nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ càng lớn (Lấy dẫn chứng).
Kết bài: Ý kiến của Nguyễn Văn Siêu tiêu biểu cho quan niệm truyền thống “văn dĩ tải đạo” của cha ông và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Đề 2: Buy-phông, nhà văn Pháp nổi tiếng, có viết: “Phong cách chính là người”. Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào?
Mở bài: Giới thiệu ý kiến của Buy-phông.
Thân bài:
- Giải thích:
+ “Phong cách” chỉ nét riêng độc đáo trong sáng tác nghệ thuật, phân biệt nhà văn/nhà thơ này với nhà văn/nhà thơ khác. Phong cách riêng thể hiện trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật.
+ “Phong cách là người”: nhấn mạnh phong cách văn chương cũng là cá tính con người của nghệ sĩ, khẳng định vai trò của cá tính với phong cách nghệ thuật của họ.
- Phân tích, chứng minh, bàn luận:
+ Phong cách trên phương diện nội dung thể hiện ở quan niệm về cuộc sống và con người từ việc lựa chọn đề tài, chủ đề, cách lí giải các vấn đề → liên quan mật thiết đến vốn sống và cách nhìn nhận cuộc đời của nhà thơ/nhà văn. (Lấy dẫn chứng)
+ Phong cách trên phương diện nghệ thuật thể hiện ở phương thức biểu hiện, việc lựa chọn thủ pháp nghệ thuật, tổ chức kết cấu, sử dụng ngôn ngữ…→ liên quan mật thiết đến tài năng, sở trường riêng của mỗi nghệ sĩ. (Lấy dẫn chứng)
+ Điều thú vị khi đọc các tác phẩm văn chương là phát hiện được những nét độc đáo trong phong cách của mỗi nhà văn.
+ Ý kiến của Buy-phông đúng nhưng không tuyệt đối, vì phong cách nghệ thuật không đồng nhất hoàn toàn với cá tính ngoài đời của nhà văn.
Kết bài: Khẳng định lại vấn đề, mở rộng vấn đề.
Đề 3: Anh/chị hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một một nghệ sĩ viết ra”.
Mở bài: Giới thiệu ý kiến của La Bơ-ruy-e.
Thân bài:
- Giải thích:
- “Nâng cao tinh thần”, “gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm”: giúp phát triển đời sống tinh thần, làm đẹp tâm hồn và bồi đắp bản lĩnh sống.
- “Cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”: chỉ tác phẩm có giá trị đích thực.
- Bàn luận:
+ Tiêu chí đánh giá một tác phẩm hay là giá trị giáo dục của tác phẩm đó.
- Giáo dục là một trong ba tác dụng lớn nhất của văn chương chân chính, bên cạnh tác dụng thẩm mĩ và nhận thức.
- Tác dụng giáo dục to lớn của văn chương đối với con người: “nâng cao tinh thần”, “gợi tình cảm cao quý và can đảm”. (Lấy dẫn chứng chứng minh)
+ Để đạt hiệu quả giáo dục cao, tác phẩm văn chương phải có hình thức thẩm mĩ hấp dẫn, lôi cuốn, lay động người đọc.
+ Mở rộng: Ý kiến trên vô hình chung nhắc nhở trách nhiệm của người cầm bút và sự tỉnh táo, thông minh của người đọc trong việc chọn lựa tác phẩm văn học.
Kết bài: Khẳng định tính đúng đắn và ý nghĩa của ý kiến trên.