Câu 1 (trang 18 SGK Ngữ Văn 12, tập 2)
a) Đoạn trích trong truyện “Vợ nhặt” (Kim Lân) gồm hai nhân vật Tràng và thị:
+ Về lứa tuổi: tương đương nhau.
+ Về giới tính: Tràng là nam, thị là nữ.
+ Về tầng lớp xã hội: đều là thuộc tầng lớp lao động nghèo khổ.
b) Các nhân vật luân phiên lượt lời, đổi vai nói và vai nghe cho nhau:
+ Lượt 1 (Kìa anh ấy gọi…với anh ấy): mấy cô gái nói, Tràng và thị nghe.
+ Lượt 2 (Có khối cơm trắng…hay nói khoác đấy?): thị nói, Tràng và mấy cô gái nghe nhưng chủ yếu người nói hướng tới nhân vật Tràng.
+ Lượt 3 (Thật đấy, có đẩy thì ra mau lên!): Tràng nói, thị nghe.
+ Lượt 4 (Đã thật…ấy nhỉ): thị nói, Tràng nghe.
c) Các nhân vật giao tiếp bình đẳng về vị thế xã hội.
d) Họ có quan hệ xa lạ khi bắt đầu cuộc giao tiếp, những lượt lời trong đoạn hội thoại tuy có cách xưng hô và lời lẽ có vẻ thân tình nhưng đó chỉ là những câu nói đùa.
e) Những đặc điểm về vị thế xã hội, quan hệ thân sơ, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp…chi phối trực tiếp đến cách xưng hô, cách nói năng và các yếu tố phi ngôn ngữ khi giao tiếp.
+ Vì tương đương tuổi tác và cùng vị thế xã hội nên các nhân vật trong đoạn hội thoại trên có sự vui đùa tếu táo, suồng sã, không e ngại.
+ Do giới tính khác nhau và sự xa lạ trong quan hệ nên các lời thoại mang tính đưa đẩy, chọc ghẹo và ít sử dụng đại từ nhân xưng cụ thể (mà dùng nhà tôi, đằng ấy).
Câu 2 (trang 18 SGK Ngữ Văn 12, tập 2)
a) Trong đoạn trích có những nhân vật giao tiếp sau: Bá Kiến, Chí Phèo, Lí Cường, mấy bà vợ, dân làng hiếu kì. Đoạn trích có 9 lượt lời, trong đó lượt lời số 1 và 2 Bá Kiến nói cho nhiều người nghe, các lượt lời 3,5,6,7,8 nói với một người nghe là Chí Phèo, lượt lời thứ 9 nói cho cả Chí Phèo và Lí Cường nghe.
b) Đối với mỗi đối tượng khác nhau, Bá Kiến có vị thế khác. Điều này chi phối đến cách nói và lời nói của Bá Kiến:
+ Với mấy bà vợ: vị thế của Bá Kiến là chồng – mối quan hệ gia đình (cao hơn vợ trong xã hội xưa) nên hắn quát mắng và ra lệnh.
+ Với dân làng: vị thế của Bá Kiến là giai cấp thống trị - mối quan hệ xã hội (có quyền lực, có của cải và uy danh với người làng) nên hắn yêu cầu dân làng ra về.
+ Với Chí Phèo: vị thế của Bá Kiến là bề trên (hơn về tuổi tác, địa vị xã hội) nhưng vì chính Bá Kiến đẩy Chí Phèo đến nông nỗi này và hắn muốn xử êm để sau còn biến Chí Phèo thành công cụ nên hắn cố ý xưng hô bình đẳng (tôi – anh), cách nói xoa dịu, vỗ về.
+ Với Lí Cường: vị thế của Bá Kiến là bố (bề trên) nên được quyền quát (dù Bá Kiến quát ở đây chủ yếu là để Chí Phèo nghe và vỗ về sĩ diện cho Chí Phèo).
Đối với Chí Phèo, Bá Kiến đã thưc hiện một chiến lược giao tiếp.
+ Hắn đuổi hết mọi người về để cô lập Chí Phèo, khiến hắn mất hết đám đông và không còn khí thế ăn vạ. Mặt khác, đám đông ra về thì Bá Kiến cũng dễ bề dỗ dành, lừa gạt Chí Phèo.
+ Bá Kiến “hạ nhiệt” Chí Phèo bằng nhiều cách: lối xưng hô có vẻ bình đẳng (tôi-anh); cách nói thân mật, dỗ dành, quan tâm, tôn trọng; nội dung lời nói thân thiết, gần gũi.
+ Bá Kiến nâng vị thế của Chí Phèo, cho Chí Phèo ở thế thắng: xưng hô ngang bằng; nhận Chí Phèo là họ hàng; gộp ngôi xưng “ta”, “người lớn cả”.
+ Kết tội Lí Cường một cách nghiêm khắc “nóng tính, không nghĩ trước nghĩ sau”, “tội mày đáng chết” và yêu cầu Lí Cường tiếp đón Chí Phèo nhằm lấy lại sĩ diện cho Chí Phèo, xử nhũn để Chí Phèo hoàn toàn mất hết “nhuệ khí” và lí do để làm mình làm mẩy.
Với chiến lược giao tiếp xảo quyệt và hoàn hảo, Bá Kiến đạt được trọn vẹn mục đích và hiệu quả giao tiếp của hắn: mấy bà vợ vào nhà, dân làng tản đi, Chí Phèo nguôi cơn ăn vạ và làm theo những gì Bá Kiến bảo.
II. Luyện tập
Câu 1 (trang 21 SGK Ngữ Văn 12, tập 2)
- Đoạn hội thoại gồm các nhân vật giao tiếp sau: anh Mịch, ông lí.
- Vị thế xã hội chi phối đến lời nói của nhân vật:
+ Anh Mịch (vị thế xã hội thấp: người làm thuê làm mướn trong làng):
Xưng hô kính cẩn “ông – con”.
Cách nói khúm núm, sợ sệt, van xin (lạy ông, ông làm phúc tha cho con; cắn cỏ con lạy ông trăm nghìn mớ lạy; con sợ lắm, con không dám…).
Nội dung nói: van xin ông lí tha cho việc đi xem bóng đá.
+ Ông lí (vị thế xã hội cao: chức sắc đứng đầu làng):
Xưng hô lạnh lùng, coi thường: “tao –mày”.
Cách nói hách dịch, dọa nạt, tàn nhẫn: kệ mày; tao trình thì rũ tù; mày mà không đi, tao sai tuần đến gô cổ lại, đừng kêu.
Nội dung nói: cự tuyệt lạnh lùng lời van xin của anh Mịch.
Câu 2 (trang 21 SGK Ngữ Văn 12, tập 2)
+ Đoạn trích có các nhân vật giao tiếp sau: Viên đội sếp Tây, đám đông đi đường, chú bé con, chị con gái, anh sinh viên, bác cu-li, nhà nho.
+ Mối quan hệ giữa vị thế xã hội, nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính…và đặc điểm lời nói của các nhân vật:
Đội sếp Tây (vị thế cao, đại diện cho quyền lực của thực dân ở thuộc địa): lời nói hách dịch, đầy khinh miệt với dân thuộc địa.
Chú bé con (trẻ em, ngây thơ): chỉ quan tâm đến cái mũ lạ mắt, ngộ nghĩnh.
Chị con gái (phụ nữ, lại đang tuổi trẻ trung): chỉ quan tâm đến chiếc áo dài.
Anh sinh viên (chưa trưởng thành, dễ bị hấp dẫn bởi những bài diễn thuyết): phỏng đoán quan toàn quyền sắp diễn thuyết.
Bác cu-li (nghèo hèn, nghề nghiệp khiến đôi chân bác luôn khốn khổ): chỉ quan tâm đến đôi ủng.
Nhà nho (sâu sắc, giàu kinh nghiệm và hiểu biết): nhìn thấy sự xảo quyệt qua tướng mặt của Va-ren.
→ Lời nói phản ánh chính xác mối quan tâm của mỗi nhân vật tương ứng với vị thế, nghề nghiệp, lứa tuổi của họ.
Câu 3 (trang 21 SGK Ngữ Văn 12, tập 2)
Bà lão và chị Dậu có mối quan hệ hàng xóm láng giềng gần gũi, thân tình. Họ có vị thế xã hội ngang nhau, cùng thuộc tầng lớp những người nông dân nghèo khổ. Điều này chi phối tới lời nói và cách nói của hai người:
+ Xưng hô: thân tình, tôn trọng (bác trai – cụ - nhà cháu – cháu).
+ Lời nói: bà lão hỏi han tình hình sức khỏe anh Dậu, khuyên nhủ anh Dậu trốn đi, cảnh báo cho chị Dậu việc bọn cường hào sắp tới; chị Dậu thông báo anh Dậu đã tỉnh táo nhưng còn yếu ớt, đồng tình với lời khuyên của bà lão.
+ Cách nói: cách nói của bà lão chân tình, lo lắng, quan tâm; cách nói của chị Dậu thật thà, chia sẻ, biết ơn, không câu nệ.
Sự tương tác về hành động nói giữa các lượt lời của hai nhân vật:
+ Hỏi thăm – cảm ơn.
+ Hỏi thăm – chia sẻ, giãi bày.
+ Khuyên nhủ - tán thành.
+ Trình bày dự định – thúc giục.
Lời nói và cách nói cho thấy tính cách hiền lành, nhân hậu của các nhân vật. Qua đó, cách ứng xử đẹp đẽ trong văn hóa láng giềng của người Việt hiện lên rất đáng trân trọng. Họ thực lòng cảm thông, chia sẻ và lo lắng cho nhau không chỉ trong đời thường mà còn cả những lúc khó khăn, tối lửa tắt đèn vẫn có nhau