Đề số 9 – Đề kiểm tra học kì 2 – Sinh 12

Đề bài

Câu 1. Mối quan hệ kí sinh – vật chủ và vật ăn thịt – con mồi giống nhau ở đặc điểm?

A. đều là mối quan hệ đối kháng giữa 2 loài.

B. loài bị hại luôn có kích thước cá thể nhỏ hơn loài có lợi

C. loài bị hại luôn có số lượng lớn hơn loài có lợi.

D. đều làm chết các sinh vật bị hại.

Câu 2. Cho các thông tin về diễn thế sinh thái như sau:

(1) Xuất hiện ở môi trường đã có một quần xã sinh vật từng sống.

(2) Có sự biến đổi tuần tự của quần xã qua các giai đoạn tương ứng với sự biến đổi của môi trường.

(3) Song song với quá trình biến đổi quần xã trong diễn thế là quá trình biến đổi về các điều kiện tự nhiên của môi trường.

(4) Luôn dẫn tới quần xã bị suy thoái.

Các thông tin phản ánh sự giống nhau giữa diễn thế nguyên sinh và diễn thế thứ sinh là:

A. (3) và (4). B. (1) và (2).

C. (2) và (3). D. (1) và (4).

Câu 3. Nấm và vi khuẩn lam trong địa y có mối quan hệ

A. Cộng sinh B. Hội sinh

C. Cạnh tranh D. Ký sinh

Câu 4. Một trong những xu hướng biến đổi trong quá trình diễn thế nguyên sinh trên cạn là

A. số lượng loài ngày càng giảm, lưới thức ăn ngày càng đơn giản.

B. độ đa dạng của quần xã ngày càng cao, lưới thức ăn ngày càng phức tạp.

C. tính ổn định của quần xã ngày càng giảm

D. sinh khối ngày càng giảm

Câu 5. Tập hợp sinh vật nào sau đây gọi là quần thể?

A. Tập hợp cây thân leo trong rừng mưa nhiệt đới.

B. Tập hợp cỏ dại trên một cánh đồng.

C. Tập hợp cá Cóc sống trong Vườn Quốc Gia Tam Đảo.

D. Tập hợp cá sống trong Hồ Tây.

Câu 6. Cho chuỗi thức ăn: Tảo lục đơn bào → Tôm → cá rô → chim bói cá.

Trong chuỗi thức ăn này, cá rô thuộc bậc dinh dưỡng

A. cấp 3 B. cấp 2

C. cấp 1 D. cấp 4

Câu 7. Năng lượng được chuyển cho bậc dinh dưỡng cao hơn khoảng bao nhiêu %?

A. 10% B. 50%

C. 70% D. 90%

Câu 8. Khái niệm môi trường nào sau đây là đúng?

A. Môi trường là nơi sinh sống của sinh vật bao gồm tất cả các nhân tố hữu sinh ở xung quanh sinh vật.

B. Môi trường gồm tất cả các nhân tố xung quanh sinh vật, có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới sinh vật; làm ảnh hưởng đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển và những hoạt động khác của sinh vật.

C. Môi trường là nơi sinh sống của sinh vật bao gồm tất cả các nhân tố vô sinh xung quanh sinh vật.

D. Môi trường là nơi sinh sống của sinh vật bao gồm tất cả các nhân tố vô sinh và hữu sinh ở xung quanh sinh vật, trừ nhân tố con người

Câu 9. Trong diễn thế sinh thái, dạng sinh vật nào sau đây có vai trò quan trọng nhất đối với việc hình thành quần xã mới?

A. Hệ động vật

B. Hệ thực vật

C. Sinh vật sống hoại sinh

D. Vi sinh vật

Câu 10. Hình thức phân bố cá thể theo nhóm trong quần thể có ý nghĩa sinh thái gì?

A. Các cá thể hỗ trợ lẫn nhau chống lại với điều kiện bất lợi của môi trường.

B. Các cá thể tận dụng được nhiều nguồn sống tiềm tàng trong môi trường.

C. Giảm sự cạnh tranh gay gắt giữa các cá thể.

D. Các cá thể cạnh tranh nhau gay gắt giành nguồn sống

Câu 11. Ở chu trình sinh địa hóa cacbon, cacbon đi vào chu trình dưới dạng cacbon điôxit chủ yếu thông qua quá trình

A. hô hấp của vi sinh vật

B. quang hợp của thực vật

C. quang hợp của vi sinh vật

D. hô hấp của thực vật

Câu 12. Trong đợt rét hại tháng 1-2/2008 ở Việt Nam, rau và hoa quả mất mùa, cỏ chết và ếch nhái ít hẳn là biểu hiện:

A. biến động tuần trăng

B. biến động theo mùa

C. biến động nhiều năm.

D. biến động không theo chu kì

Câu 13. Mật độ cá thể của quần thể có ảnh hưởng tới:

A. khối lượng nguồn sống trong môi trường phân bố của quần thể.

B. mức độ sử dụng nguồn sống, khả năng sinh sản và tử vong của quần thể.

C. hình thức khai thác nguồn sống của quần thể.

D. tập tính sống bầy đàn và hình thức di cư của các cá thể trng quần thể.

Câu 14. Phần lớn quần thể sinh vật trong tự nhiên tăng trưởng theo dạng:

A. đường cong chữ J.

B. giảm dần đều

C. tăng dần đều.

D. đường cong chữ S.

Câu 15. Hiện tượng nào sau đây là biểu hiện của mối quan hệ hỗ trợ cùng loài?

A. Cá mập con khi mới nở, sử dụng trứng chưa nở làm thức ăn.

B. Động vật cùng loài ăn thịt lẫn nhau.

C. Tỉa thưa tự nhiên ở thực vật.

D. Các cây thông mọc gần nhau, có rễ nối liền nhau.

Câu 16. Khi nói về thành phần cấu trúc của hệ sinh thái, kết luận nào sau đây không đúng?

A. Các loài thực vật quang hợp được xếp vào nhóm sinh vật sản xuất.

B. Các loài động vật ăn thực vật đều được xếp vào nhóm sinh vật tiêu thụ.

C. Tất cả các loài vi sinh vật đều được xếp vào nhóm sinh vật phân giải.

D. Sinh vật phân giải có vai trò phân giải các chất hữu cơ thành chất vô cơ.

Câu 17. Trong các quần xã sinh vật sau đây, quần xã nào có mức đa dạng sinh học cao nhất?

A. Thảo nguyên

B. Savan

C. Hoang mạc

D. Rừng mưa nhiệt đới.

Câu 18. Cá rô phi Việt Nam chịu lạnh đến 5,6 oC, dưới nhiệt độ này cá chết, chịu nóng đến 42 oC, trên nhiệt độ này cá cũng sẽ chết, các chức năng sống biểu hiện tốt nhất từ 20 0C đến 35 oC. Khoảng nhiệt độ từ 20 oC đến 35 oC được gọi là:

A. điểm gây chết giới hạn dưới

B. khoảng thuận lợi.

C. điểm gây chết giới hạn trên

D. giới hạn chịu đựng.

Câu 19. Sinh vật sản xuất là những sinh vật:

A. động vật ăn thực vật và động vật ăn động vật

B. phân giải vật chất (xác chết, chất thải) thành những chất vô cơ trả lại cho môi trường

C. có khả năng tự tổng hợp nên các chất hữu cơ để tự nuôi sống bản thân

D. chỉ gồm các sinh vật có khả năng hóa tổng hợp

Câu 20. Sự biến động số lượng của thỏ và mèo rừng Canada tăng giảm theo chu kì 9 - 10 năm 1 lần. Hiện tượng này biểu hiện:

A. biến động theo chu kì ngày đêm.

B. biến động theo chu kì mùa.

C. biến động theo chu kì nhiều năm.

D. biến động theo chu kì tuần trăng.

Câu 21. Trong sự tồn tại của quần xã, khống chế sinh học có vai trò

A. điều hòa tỉ lệ đực cái ở các quần thể, đảm bảo cân bằng quần xã.

B. điều hòa các nhóm tuổi trong quần thể, đảm bảo cân bằng của quần xã.

C. điều hòa nơi ở cảu các quần thể, đảm bảo cân bằng của quần xã.

D. điều hòa mật độ các quần thể, đảm bảo cân bằng quần xã.

Câu 22. Câu nào dưới đây mô tả về quần xã là đúng?

A. Quần xã có độ đa dạng loài càng cao thì càng ổn định.

B. Quần xã có độ đa dạng loài càng cao thì càng ít ổn định.

C. Quần xã có số lượng loài càng ít thì càng ổn định.

D. Quần xã biển khơi có độ đa dạng hơn quần xã trên cạn.

Câu 23. Ý nghĩa sinh thái của kiểu phân bố đồng đều của các cá thể trong quần thể là:

A. làm giảm mức độ cạnh tranh giữa các cá thể.

B. tạo sự cân bằng về tỉ lệ sinh sản và tỉ lệ tử vong của quần thể.

C. làm tăng khả năng chống chịu của các cá thể trước các điều kiện bất lợi của môi trường.

D. duy trì mật độ hợp lí của quần thể.

Câu 24. Ý nghĩa của việc nghiên cứu hoá thạch là

A. bằng chứng gián tiếp về lịch sử phát triển của sinh giới.

B. xác định tuổi của hoá thạch có thể xác định tuổi của quả đất.

C. xác định tuổi của hoá thạch bằng đồng vị phóng xạ.

D. bằng chứng trực tiếp về lịch sử phát triển của sinh giới.

Câu 25. Theo quan niệm hiện đại về sự phát sinh sự sống trên trái đất, trong giai đoạn tiến hóa hóa học có sự:

A. tổng hợp những chất hữu cơ từ chất vô cơ theo phương thức sinh học

B. hình thành mầm sống đầu tiên từ chất vô cơ nhờ nguồn năng lượng tự nhiên

C. hình thành các cơ thể sống đầu tiên từ các chất hữu cơ nhờ nguồn năng lượng tự nhiên

D. tổng hợp những chất hữu cơ từ chất vô cơ theo phương thức hóa học

Câu 26. Theo quan niệm hiện đại, các giai đoạn chính trong quá trình phát sinh sự sống trên Quả Đất lần lượt là:

A. tiến hóa tiền sinh học - tiến hóa hóa học - tiến hóa sinh học.

B. tiến hóa hóa học - tiến hóa sinh học - tiến hóa tiền sinh học.

C. tiến hóa hóa học - tiến hóa tiền sinh học - tiến hóa sinh học.

D. tiến hóa sinh học - tiến hóa hóa học - tiến hóa tiền sinh học.

Câu 27. Một chuỗi thức ăn của sinh vật trên cạn thường có ít mắt xích là do

A. Quần xã có độ đa dạng thấp

B. Giữa các loài ngoài mối quan hệ hỗ trợ còn có mối quan hệ cạnh tranh.

C. Tiêu hao năng lượng qua các bậc dinh dưỡng là rất lớn

D. Các loài thân thuộc không ăn lẫn nhau

Câu 28. Cho đến nay, các bằng chứng hoá thạch thu được cho thấy các nhóm linh trưởng phát sinh ở đại

A. Trung sinh. B. Nguyên sinh

C. Cổ sinh. D. Tân sinh.

Câu 29. Điểm giống nhau giữa hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân tạo là:

A. có đặc điểm chung về thành phần cấu trúc

B. có đặc điểm chung về thành phần loài trong hệ sinh thái

C. điều kiện môi trường vô sinh

D. tính ổn định của hệ sinh thái

Câu 30. Những hoạt động nào sau đây của con người là giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng hệ sinh thái?

1. Bón phân, tưới nước, diệt cỏ dại đối với các hệ sinh thái nông nghiệp.

2. Khai thác hợp lí và bảo vệ các nguồn tài nguyên tái sinh.

3. Loại bỏ các loài tảo độc, cá dữ trong các hệ sinh thái ao hồ nuôi tôm, cá.

4. Xây dựng các hệ sinh thái nhân tạo một cách hợp lí.

5. Bảo vệ các loài thiên địch.

6. Bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, phá bỏ tất cả các hệ sinh thái nhân tạo.

Phương án đúng là:

A. 2, 3, 4 6. B. 2, 3, 4, 5, 6

C. 1, 3, 4, 5, 6 D. 1, 2, 3, 4, 5

Câu 31. Khi nói về sự phát sinh loài người, điều nào sau đây không đúng?

A. Chọn lọc tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn tiến hóa từ vượn người thành người.

B. Loài người xuất hiện vào đầu kỉ đệ tứ ở đại tân sinh.

C. Vượn người ngày nay là tổ tiên của loài người.

D. Có sự tiến hóa văn hóa trong xã hội loài người.

Câu 32. Quan sát một tháp sinh thái, chúng ta có thể biết được những thông tin nào sau đây.

A. Các loài trong chuỗi và lưới thức ăn

B. Năng suất của sinh vật ở mỗi bậc dinh dưỡng

C. Mức độ dinh dưỡng ở từng bậc và toàn bộ quần xã

D. Quan hệ giữa các loài trong quần xã.

Câu 33. Giới hạn sinh thái là:

A. giới hạn chịu đựng của sinh vật đối với nhiều nhân tố sinh thái của môi trường. Nằm ngoài giới hạn sinh thái, sinh vật không thể tồn tại được.

B. giới hạn chịu đựng của sinh vật đối với một số nhân tố sinh thái của môi trường. Nằm ngoài giới hạn sinh thái, sinh vật không thể tồn tại được.

C. giới hạn chịu đựng của sinh vật đối với nhân tố sinh thái của môi trường. Nằm ngoài giới hạn sinh thái, sinh vật vẫn tồn tại được.

D. khoảng giá trị xác định của một nhân tố sinh thái mà trong khoảng đó sinh vật có thể tồn tại và phát triển theo thời gian.

Câu 34. Trong một hệ sinh thái trên đất liền, bậc dinh dưỡng nào có tổng sinh khối cao nhất?

A. Động vật ăn thực vật

B. Sinh vật sản xuất

C. Sinh vật tiêu thụ bậc 1

D. Sinh vật tiêu thụ bậc 2

Câu 35. Yếu tố quan trọng nhất chi phối cơ chế tự điều chỉnh số lượng của quần thể:

A. Mức sinh sản và mức tử vong

B. Sức tăng trưởng của cá thể

C. Mức xuất cư và nhập cư

D. Nguồn thức ăn từ môi trường

Câu 36. Dạng vượn người nào sau đây có quan hệ họ hàng gần gũi với người nhất?

A. đười ươi B. Gôrilia

C. tinh tinh D. vượn

Câu 37. Quần xã rừng thường có cấu trúc nổi bật là

A. phân tầng thẳng đứng

B. phân tầng theo chiều ngang

C. phân bố ngẫu nhiên

D. phân bố đồng đều

Câu 38. Khi nói về mức sinh sản và mức tử vong của quần thể, kết luận nào sau đây không đúng?

A. Mức sinh sản của quần thể là số cá thể được sinh ra trong một đơn vị thời gian.

B. Mức sinh sản và mức tử vong của quần thể có tính ổn định, không phụ thuộc vào điều kiện môi trường.

C. Mức tử vong là số cá thể của quần thể bị chết trong một đơn vị thời gian.

D. Sự thay đổi về mức sinh sản và tử vong là cơ chế chủ yếu điều chỉnh số lượng cá thể của quần thể.

Câu 39. Sự cạnh tranh giữa các cá thể trong quần thể sinh vật có thể dẫn tới:

A. tiêu diệt lẫn nhau giữa các cá thể trong quần thể, làm cho quần thể bị diệt vong

B. duy trì số lượng cá thể trong quần thể ở mức độ phù hợp.

C. tăng kích thước quần thể tới mức tối đa.

D. giảm kích thước quần thể xuống dưới mức tối thiểu

Câu 40. Khi số lượng cá thể của quần thể ở mức cao nhất để quần thể có khả năng duy trì phù hợp nguồn sống thì gọi là:

A. kích thước tối thiểu.

B. kích thước tối đa.

C. kích thước bất ổn

D. kích thước phát tán.

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

1.A 2.C 3.A 4.B 5.C
6.A 7.A 8.B 9.B 10.A
11.B 12.D 13.B 14.D 15.D
16.C 17.D 18.B 19.C 20.C
21.D 22.A 23.A 24.D 25.D
26.C 27.C 28.D 29.A 30.D
31.C 32.C 33.D 34.B 35.A
36.C 37.A 38.B 39.B 40.B

Câu 1.

Cả 2 mối quan hệ này đều là mối quan hệ đối kháng giữa 2 loài

B sai, trong mối quan hệ ký sinh, vật chủ thường có kích thước lớn hơn, nhiều con mồi cũng có kích thước lớn hơn vật ăn thịt

C sai, vật chủ có số lượng ít hơn vật ký sinh

D sai, vật ký sinh không làm chết vật chủ

Chọn A

Câu 2

Sự giống nhau giữa diễn thế nguyên sinh và diễn thế thứ sinh là (2) và (3). (1), (4) là đặc điểm của diễn thế thứ sinh;

Chọn C

Câu 3.

Nấm và vi khuẩn lam trong địa y có mối quan hệ cộng sinh, cả 2 loài đều có lợi và mối quan hệ này là bắt buộc

Chọn A

Câu 4.

Diễn thế nguyên sinh ở trên cạn có xu hướng độ đa dạng của quần xã ngày càng cao, lưới thức ăn ngày càng phức tạp.

Chọn B

Câu 5.

Quần thể sinh vật là tập hợp những cá thế cùng loài, sinh sống trong một khoáng không gian nhất định, ở một thời điếm nhất định. Những cá thể trong quần thể có khả năng sinh sản tạo thành những thế hệ mới.

VD C là quần thể sinh vật

Các VD khác đều gồm nhiều loài sinh vật

Chọn C

Câu 6.

Trong chuỗi thức ăn: Tảo lục đơn bào → Tôm → cá rô → chim bói cá, cá rô thuộc bậc dinh dưỡng cấp 3

Chọn A

Câu 7.

Chỉ có khoảng 10% năng lượng được chuyển cho bậc dinh dưỡng cao hơn

Chọn A

Câu 8.

Môi trường gồm tất cả các nhân tố xung quanh sinh vật, có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới sinh vật; làm ảnh hưởng đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển và những hoạt động khác của sinh vật.

Chọn B

Câu 9

Hệ thực vật có vai trò quan trọng nhất đối với việc hình thành quần xã mới

Chọn B

Câu 10

Các cá thể phân bố theo nhóm giúp các cá thể hỗ trợ lẫn nhau chống lại với điều kiện bất lợi của môi trường

Chọn A

Câu 11

Ở chu trình sinh địa hóa cacbon, cacbon đi vào chu trình dưới dạng cacbon điôxit chủ yếu thông qua quá trình quang hợp của thực vật

Chọn B

Câu 12

Đây là ví dụ về biến động số lượng cá thể của quần thể không theo chu kỳ

Chọn D

Câu 13

Mật độ cá thể của quần thể có ảnh hưởng tới mức độ sử dụng nguồn sống, khả năng sinh sản và tử vong của quần thể

Chọn B

Câu 14

Phần lớn quần thể sinh vật trong tự nhiên tăng trưởng theo dạng đường cong chữ S vì điều kiện môi trường bị giới hạn

Chọn D

Câu 15

VD D là hỗ trợ cùng loài, các VD khác là cạnh tranh cùng loài

Chọn D

Câu 16

Phát biểu sai là: C; có những VSV có khả năng tự dưỡng, xếp vào SVSX

Chọn C

Câu 17

Rừng mưa nhiệt đới có mức đa dạng cao nhất

Chọn D

Câu 18

Khoảng nhiệt độ từ 20 oC đến 35 oC được gọi là: khoảng thuận lợi của cá rô phi Việt Nam

Chọn B

Câu 19

Sinh vật sản xuất là những sinh vật có khả năng tự tổng hợp nên các chất hữu cơ để tự nuôi sống bản thân

Chọn C

Câu 20

Đây là ví dụ về biến động số lượng cá thể theo chu kỳ nhiều năm

Chọn C

Câu 21

Khống chế sinh học là hiện tượng số lượng cá thể của loài này bị khống chế ở một mức nhất định không tăng quá cao, cũng không giảm quá thấp do tác động của các mối quan hệ hỗ trợ hoặc đối kháng giữa các các loài trong quần xã.

Trong sự tồn tại của quần xã, khống chế sinh học có vai trò điều hòa mật độ các quần thể, đảm bảo cân bằng quần xã

Chọn D

Câu 22

Mô tả đúng là A

B, C sai, có độ đa dạng loài càng cao thì càng ổn định

D sai, quần xã trên cạn đa dạng hơn quần xã biển khơi

Chọn A

Câu 23

Phân bố đồng đều làm giảm mức độ cạnh tranh giữa các cá thể

Chọn A

Câu 24

Hoá thạch bằng chứng trực tiếp về lịch sử phát triển của sinh giới.

Chọn D

Câu 25

Trong giai đoạn tiến hóa hóa học có sự tổng hợp những chất hữu cơ từ chất vô cơ theo phương thức hóa học

Chọn D

Câu 26

Trình tự đúng là: tiến hóa hóa học - tiến hóa tiền sinh học - tiến hóa sinh học

Chọn C

Câu 27

Một chuỗi thức ăn của sinh vật trên cạn thường có ít mắt xích là do tiêu hao năng lượng qua các bậc dinh dưỡng là rất lớn (90%).

Chọn C

Câu 28

Các nhóm linh trưởng phát sinh ở đại Tân sinh

Chọn D

Câu 29

Điểm giống nhau giữa hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân tạo là có đặc điểm chung về thành phần cấu trúc (gồm quần xã và sinh cảnh).

Chọn A

Câu 30

Những hoạt động của con người là giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng hệ sinh thái: 1, 2, 3, 4, 5

Chọn D

Câu 31

Phát biểu sai là C, vượn người hiện nay không phải tổ tiên của loài người, đây là hai hướng tiến hoá khác nhau

Chọn C

Câu 32

Quan sát một tháp sinh thái, chúng ta có thể biết được mức độ dinh dưỡng ở từng bậc và toàn bộ quần xã

Chọn C

Câu 33

Giới hạn sinh thái là khoảng giá trị xác định của một nhân tố sinh thái mà trong khoảng đó sinh vật có thể tồn tại và phát triển theo thời gian.

Chọn D

Câu 34

Trong một hệ sinh thái trên đất liền, sinh vật sản xuất có sinh khối lớn nhất

Chọn B

Câu 35

Yếu tố quan trọng nhất chi phối cơ chế tự điều chỉnh số lượng của quần thể mức sinh sản và tử vong của quần thể

Chọn A

Câu 36

Tinh tinh có quan hệ họ hàng gần gũi với con người nhất

Chọn C

Câu 37

Quần xã rừng thường có cấu trúc nổi bật là phân tầng thẳng đứng

Chọn A

Câu 38

Phát biểu sai là B, Mức sinh sản và mức tử vong của quần thể phụ thuộc vào điều kiện môi trường và không ổn định

Chọn B

Câu 39

Sự cạnh tranh giữa các cá thể trong quần thể sinh vật có thể dẫn tới duy trì số lượng cá thể trong quần thể ở mức độ phù hợp

Chọn B

Câu 40

Khi số lượng cá thể của quần thể ở mức cao nhất để quần thể có khả năng duy trì phù hợp nguồn sống thì gọi là: kích thước tối đa của quần thể

Chọn B

Nguồn: sưu tầm