Các đặc trưng di truyền của quần thể

CÁC ĐẶC TRƯNG DI TRUYỀN CỦA QUẦN THỂ

1. Khái niệm quần thể:

Quần thể là tập hợp các cá thể cùng loài, cùng chung sống trong một khoảng không gian xác định, tồn tại qua thời gian nhất định , giao phối với nhau sinh ra thế hệ sau. (quần thể giao phối)

2. Vốn gen: tập hợp tất cả các alen có trong quần thể ở một thời điểm xác định.

- Đặc điểm của vốn gen được thể hiện ở tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể:

+ Tần số alen: Tỷ lệ số lượng alen đó trên tổng số lượng các loại alen khác nhau của gen đó tại thời điểm xác định.

Tần số tương đối của 1 alen có thể được tính bằng tỉ lệ phần trăm số giao tử của alen đó trong quần thể.

Ví dụ: P: x AA + y Aa + z aa = 1

Tần số alen A = x + y/2; Tần số alen a = z + y/2

+ Tần số kiểu gen: tỉ lệ số cá thể có kiểu gen đó trên tổng số cá thể có trong quần thể.

Ví dụ: Một quần thể cây đậu Hà Lan có 1000 cây, trong đó 500 cây có kiểu gen AA, 200 cây có kiểu gen Aa, 300 cây có kiểu gen aa.

Tần số kiểu gen AA = 500/1000 = 0,5

Tần số kiểu gen Aa = 200/1000 = 0,2

Tần số kiểu gen aa = 300/1000 = 0,3