Bài làm
Người ta nói nhiều về Tản Đà vào những năm ấy, thời khắc chuyển giao của văn chương truyền thống và văn chương hiện đại. Đó là nhà thơ của hai thời đại, “dấu gạch nối giữa hai thế kỉ” bởi nhiều lý do. Ông tiêu biểu cho kiểu nhà nho tài tử, là người đầu tiên mang văn chương ra bán phố phường. Đó là những đóng góp mới mẻ của ông về hình thức thơ, diện mạo thơ vừa lãng mạn vừa cảm thương, vừa mới mẻ vừa giữ cốt cách hồn thơ dân tộc. Nhưng có lẽ không ai phủ nhận được, điều mà Tản Đà ghi dấu ấn trong lòng độc giả lại chính là cá tính trong thơ, còn gọi là cái tôi ngông mà ông đã bộc lộ. Và một trong những thi phẩm thể hiện được điều đó, là Muốn làm thằng cuội. Bài thơ nằm trong quyển Khối tình con con I, in năm 1917 thể hiện được đậm nét cái tôi ngông của nhà thơ.
Nét ngông trong thơ vốn không phải là một điều xa lạ. Nhắc đến cá tính này phải kể đến Nguyễn Công Trứ trước đó, và lớp sau này là Nguyễn Tuân. Và đến đây, chúng ta có Tản Đà. Khi những cốt cách nghệ sĩ tài hoa này bộc lộ cái ngông là khi họ ý thức rất cao về tài năng và giá trị của bản thân mình trước cuộc đời. Họ bộc lộ điều đó để tự tin, để hãnh diện nhưng cũng là để thách thức trước cuộc đời. Và từ đó họ tạo cho mình một phong cách, một cá tính riêng, độc đáo không pha lẫn được.
Ngay từ nhan đề bài thơ đã cho thấy giọng điệu suồng sã, như là giải tỏa được một nhu cầu nói thật, thẳng thắn của nhà thơ và cũng lại cho thấy cái ngông nghênh, bất đắc chí: muốn ở đây như một nhu cầu bức xúc, chẳng cần giấu giếm, vòng vo. Nhưng muốn cái gì? Muốn làm thằng cuội thì đích thực là muốn thoát lên tiên rồi! Và muốn thoát tục, lên trên thì thiếu gì những hình mẫu tiên để ước, sao cứ phải là thằng Cuội? Thằng chứ không phải chú – cũng là một kiểu nói ngông.
Hai câu đầu đã diễn tả tâm trạng của nhà thơ trước cảnh đời:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi,
Đã “buồn”, đã “chán”, lại gặp cảnh “đêm thu”, tâm trạng ấy dường như nhân lên gấp bội. Nhà thơ buồn chán vì chí hướng của mình không thực hiện được hay vì cuộc đời nghèo khổ, túng quẫn. Câu thơ cứ buồn trĩu xuống bằng những thanh bằng liên liếp. Nhà thơ không chỉ chán một cảnh đời đang sống mà chán cả trần thế. Có lẽ vì thế mới nảy sinh cái ý “’muốn làm thằng Cuội" muốn bỏ quách trần gian để lên ở trên cung quế với chị Hằng.
Tản Đà chán đời nhưng vẫn không quên đời. Lên với chị Hằng, ông vẫn tìm cách hướng về đời:
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
Đây là cái cười gì? Cười tình, cười sảng khoái, hả hê hay cười mỉa mai, khinh thị? Có lẽ phải hiểu đây là cái cách biểu lộ thái độ khinh bạc với đời. Vì sao ông lại chọn ngày rằm tháng tám chứ không phải là ngày khác để hiểu thị sự khinh bạc đó? Chắc vì ông muốn nhân lên nhiều lần thái độ bất cần của mình với đời.
Tóm lại, tâm sự của Tản Đà là tâm sự kẻ buồn chán cuộc sống muốn tìm một nơi ẩn náu. Ông muốn tìm đến với thiên nhiên (ở đây là cung quế và chị Hằng), ẩn mình trong thiên nhiên để giễu cợt lại đời bằng sự kiêu bạc của mình Qua thơ Tản Đà ta còn thấy cái “ngông” thể hiện khá rõ:
Trước tiên, ngay đề bài đã nói lên một cái gì không bình thường. Ai cũng biết thằng Cuội trong văn học dân gian, trong ấn tượng của người Việt Nam gắn liền với cái thói nói dối (cho nên mới có câu: “Nói dối như Cuội”. Thế mà ở đây, Tản Đà lại Muốn làm thằng Cuội, cái ý muốn ấy thật khác thường, thật coi thường tất cả. Nó là một điều ngông.
Nhà thơ gọi Hằng Nga là chị xưng em ngọt xớt. Song trong bốn câu thơ sau này, ông lại có phần lả lơi với chị Hằng:
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu có bạn can chi tủi,
Cùng gió cùng mây thế mới vui.
Câu “Cành đa xin chị nhắc lên chơi” vừa nói cách lên cung Quảng lạ đời của ông, vừa có ý vị cười cợt của Xuân Hương. Chất đùa cợt lúc ẩn lúc hiện trong những câu thơ này khiến bài thơ lấy lại thế cân bằng, không lao sầu vào nỗi buồn chán giãi bày trong hai câu thơ mở đầu của bài. Trong cách xưng hô, trò chuyện của ông với chị Hằng, có ẩn chứa chút hơi ngông. Ở hai câu cuối, tư thế nhà thơ và chị Hằng cùng “Tựa nhau trông xuống thế gian cười” cũng là tư thế khác thường so với quan niệm về quan niệm nam nữ thời ông đang sống. Nó cũng chỉ là cử chỉ ngông nghênh của ông dưới con mắt các nhà nho đương thời.
Muốn làm thằng Cuội còn có ý nghĩa sâu xa khác là chán ghét cái xã hội hiện thời, mơ ước một cõi đời “Bồng Lai ngày tháng thanh nhàn”, nơi con người không còn vướng bận, lo lắng, bon chen nữa! Tuy vậy bài thơ không để lại một cảm giác nặng nề, bi quan mà gợi cho lòng ta một nỗi buồn man mác, trong sáng... Đó cũng là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ.
Cái hay của bài thơ là sức tưởng tượng dồi dào, táo bạo vừa phóng túng nhưng lại rất duyên dáng, tế nhị. Vì sao Tản Đà lại có cái ngông, lại thể hiện cái ngông đó trong thơ mình? Có lẽ đây là một cách phản ứng lại với cuộc sống. Nó gắn liền với cá tính phóng túng của nhà thơ. Nó tạo cho thơ ông có một giọng điệu khác thường.
Bài thơ hấp dẫn người đọc trước tiên do lời thơ giải dị, tự nhiên. Có câu như một tiếng than, có câu lại như lời hỏi. Câu nào cũng không thấy dấu vết đẽo gọt của bàn tay thơ nhưng câu nào cũng điêu luyện.
Nhà thơ Xuân Diệu từng nói rằng: “Tản Đà là thi sĩ đầu tiên, mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng, bạo dạn, dám giữ một cái tôi”. Lời nhận định đó chỉ khác ở chỗ là thay vào đó bằng một chữ ngông. Bản lĩnh của thi nhân, cái tôi độc đáo, mới mẻ là những gì Tản Đà góp mặt vào thơ ca thời kì đó. Và Muốn làm thằng cuội là một trong những tác phẩm độc đáo thể hiện cái ngông như một cá tính riêng biệt của nhà thơ.