Phân tích tác phẩm Đi bộ ngao du

Bài làm

      Ê-min hay bàn về giáo dục là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Ru-xô. Tác phẩm được sáng tác năm 1762, nói về vấn đề giáo dục thể lực và trí tuệ con người. Đoạn trích Đi bộ ngao du được trích từ cuốn thứ 5 khi E-min đã khôn lớn, trưởng thành. Với đoạn trích này, tác giả muốn khẳng định đi bộ có ý nghĩa, vai trò vô cùng lớn đối với mỗi chúng ta.

      Văn bản Đi bộ ngao du nêu lên vấn đề chính là lợi ích của việc đi bộ. Để làm sáng tỏ luận điểm này, người viết đã đưa ra ba lập luận lớn: đi bộ đem lại cho chúng ta sự tự do, đi bộ cũng là dịp giúp con người trau dồi tri thức và cuối cùng đi bộ làm cho ta thêm phần khỏe mạnh. Và ở mỗi lập luận này ông đã đưa ra những dẫn chứng hết sức phong phú và thuyết phục.

      Trước hết đi bộ đem đến cho chúng ta sự tự do, thoải mái, mà khi đi ngựa sẽ không bao giờ chúng ta cảm nhận được điều đó: “Ta ưa đi lúc nào thì đi, ta thích dừng lúc nào thì dừng, ta muốn hoạt động nhiều ít thế nào là tùy … ta quay sang phải, sang trái…”. Quả thực đi bộ đem đến cho ta tất cả sự chủ động, giải phóng con người, khiến ta không phụ thuộc vào bất cứ điều gì. Giọng văn trong đoạn hứng khởi, tràn đầy năng lượng, giúp người đọc tin tưởng hơn nữa vào những lợi ích của việc đi bộ. “Tôi đi bất cứ đâu tôi ưa thích, tôi lưu lại đấy”, “Tôi chẳng phụ thuộc vào con ngựa hay gã phụ trạm” “Tôi hưởng thụ tất cả sự tự do mà con người có thẻ hương thụ”… Sự tự do chắp cánh cho con người thỏa mãn mọi nhu cầu mong muốn của mình.

      Không chỉ đem đến sự tự do, thoải mái, đi bộ còn cung cấp cho chúng ta nguồn tri thức dồi dào, phong phú. Để chứng minh luận điểm này, ông đã lấy những dẫn chứng từ thực tiễn cuộc sống. Những nhà khoa học nổi tiếng thế giới như Ta-lét, Pla-tông,… đều dùng đi bộ để quan sát, tìm tòi và khám phá thế giới. Đi bộ còn giúp ta khám phá những đặc sản nông nghiệp, sưu tập những viên đá, hòn sỏi, xem xét các giống cây trồng,… cả thế giới bao la kia sẽ được ta chiếm lĩnh qua những hành trình đi bộ đầy lí thú.

      Đặc biệt, tác giả có lối so sánh rất thú vị để khẳng định tính chính xác của những lí lẽ: ông so sánh phòng khách của những nhà tự nhiên học cũng chẳng thể phong phú bằng phòng sưu tập của Ê-min, hơn thế, họ sưu tập mà chẳng hề có ý niệm về những thứ mà mình đang trưng bày. Với phép so sánh đầy sức thuyết phục ấy càng củng cố hơn nữa niềm tin cho người đọc về công dụng của việc đi bộ

      Cuối cùng đi bộ đem lại sức khỏe cho con người. Không chỉ sức khỏe được tăng cường mà tính khí còn trở nên hoạt bát, vui vẻ, còn điều gì tuyệt vời hơn thế. Ở đây tác giả tiếp tục sử dụng biện pháp so sánh, nhưng người đi xe thường buồn bã, cáu kỉnh còn như Ê-min tung tăng trên đôi chân của mình lại luôn vui vẻ, khoan khoái.

      Với cách viết thâm trầm, giản dị, giọng văn thay đổi linh hoạt, tác giả đã cho thấy rõ những lợi ích, vai trò to lớn của việc đi bộ. Đi bộ là cách tốt nhất để con người phát triển toàn diện cả về thể lực và trí lực. Bài văn tuy đã ra đời hàng thế kỉ những vẫn giữ nguyên ý nghĩa và giá trị của nó.