Bài viết chi tiết bài Tập làm văn số 7 – Văn nghị luận

Đề 1: Hãy nêu lên những suy nghĩ của em về câu nói sau đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh: ... "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".

Bài làm

     Là người nhìn xa trông rộng, là người có mong muốn to lớn vào vận mệnh và lương lai của đất nước, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ đã chăm lo giáo dục và đặt niềm tin to lớn vào thế hệ trẻ, những người của tương lai. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên, Bác viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”.

       Đất nước chúng ta đã trải qua gần một thế kỉ dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Việc giành chủ quyền, độc lập đã đưa dân tộc ta lên một địa vị mới đầy vẻ vang-địa vị làm chủ đất nước mình trong độc lập, tự do. Tuy thế, một đất nước vẻ vang là phải giữ vững quyền độc lập tự do ấy. Mặt khác, đất nước vẻ vang còn phải hùng mạnh, giàu có, phải có nền quốc phòng hùng hậu đủ sức đánh bại mọi kẻ thù xâm lược để giữ vững chủ quyền, để xây dựng một nền kinh tế phát triển dân giàu nước mạnh. Đất nước như thế sẽ được các dân tộc khác yêu mến, kính trọng. Đất nước như thế là đất nước vẻ vang. “Dân tộc Việt Nam có sánh vai các cường quốc năm châu hay không?”, đấy là một vấn đề khác mà Bác đề ra. Một cường quốc phải là một nước giàu mạnh, hùng cường, đạt trình độ cao về mọi mặt kinh tế, văn hóa, quốc phòng, có trình độ khoa học kĩ thuật tiên tiến, một nền quốc phòng hùng hậu có thể sánh vai được với những cường quốc trên thế giới, có thể góp phần mình vào sự tiến bộ chung của nhân loại.

       Hai vấn đề to lớn trên là mong muốn của Bác Hồ, của toàn dân tộc ta. Mong muốn đó là hoàn toàn cần thiết và chính đáng, là mục tiêu to lớn và khát vọng của dân tộc chúng ta từ bao đời vươn tới tương lai. Nguyện vọng chính đáng đó chỉ có thể thực hiện được phụ thuộc vào phần lớn công lao học tập của thế hệ trẻ.

       Chúng ta biết rằng, dân tộc ta đã trải qua tám mươi năm nô lệ. Chúng ta xác định đất nước, giữ gìn độc lập với một gia tài nghèo nàn từ tay chế độ phong kiến lạc hậu hàng ngàn năm và chế độ thực dân khai thác thuộc địa. Muốn làm cho dân tộc ta vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu, có những bước tiến nhảy vọt cách xa chúng ta hàng thế kỉ, không có con đường nào khác là phải học tập để tiếp thu những tiến bộ và kinh nghiệm mà các quốc gia tiên tiến đã làm. Muốn thế, không chỉ dũng cảm và cần cù là đủ mà phải có trình độ học vấn cao để tiếp thu khoa học và những bí quyết thành công. Còn ai hơn tuổi trẻ đảm đương sứ mệnh đó. Thế hệ đang ngồi trên ghế nhà trường hôm nay, ngày mai sẽ là đội ngũ hùng hậu, tài năng xây dựng đất nước. Những kiến thức mà tuổi trẻ học tập được hôm nay sẽ áp dụng vào trong việc làm của nhiều năm sau. Đặt lòng tin và giao trách nhiệm đó cho tuổi trẻ chính là lòng yêu mến, trân trọng và một nhận thức đúng đắn, sáng suốt của một vị lãnh tụ đất nước.

       Nửa thế kỉ đã qua, lời nói cua Bác đã và đang trở thành hiện thực. Tuổi trẻ Việt Nam chúng ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã học tập tốt và làm chủ được các phương tiện vũ khí chiến đấu hiện đại như xe tăng, tên lửa, máy bay..., đã góp phần to lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Trong xây dựng đất nước mấy chục năm qua từ sau ngày thống nhất và trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, tuổi trẻ Việt Nam đã và đang thực hiện được mong ước và niềm tin to lớn của Bác Hồ. Tuy nhiên, những năm đầu của thể kỉ XXI, việc phấn đấu để đưa đất nước ta lên một tầm cao mới, để có thể “sánh vai các cường quốc năm châu”, lại là nhiệm vụ của lớp trẻ chúng ta trong học tập và rèn luyện, làm việc từ trong các nhà trường hôm nay.

       Lời dạy của Bác là niềm tin của đất nước, là sứ mệnh lịch sử vẻ vang dân tộc giao phó cho tuổi trẻ chúng taHọc tập tốt, học tập không ngừng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, vươn tới đỉnh cao của khoa học để xây dựng đất nước, sánh vai cùng các cường quốc năm châu là vinh dự, là trách nhiệm to lớn của tuổi trẻ chúng ta.

Đề 2: Chứng minh văn học của dân lộc luôn ca ngợi những ai biết thương người như thế thương thân và nghiêm khắc phê phán những kẻ thở ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn.

Bài làm

      Bạn và tôi thuở ấu thơ trong nôi, chắc chúng ta ai cũng được nghe lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ:

"À ơi...

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng"

        Gốc của thơ và nhạc là từ đó, vốn văn học nảy sinh từ nền văn hoá dân gian mang theo điệu hồn dân tộc ở trong mỗi người. Mỗi bài thơ ta đọc, mỗi bài văn thầy giảng em nghe đều thấm đẫm một triết lý nhân sinh cao cả nhắc nhở ta đạo làm người biết "thương người như thể thương thân" và nghiêm khắc phê phán những kẻ thờ ơ dửng dưng trước người gặp hoạn nạn. Đó chính là tư tưởng cốt lõi của văn hoá dân tộc.

        Văn học là nhân học, gắn văn học với chức năng giáo dục tư tưởng thẩm mĩ, trong mỗi tác phẩm văn chương ở nhà trường, ta đều cảm nhận tinh thần nhân ái của con người Việt Nam, một truyền thống đạo lý tốt đẹp mà mỗi chúng ta luôn trân trọng nâng niu và soi vào đó để tự răn mình.

        Từ buổi đầu tiên cắp sách đến trường, trong những lời cô giảng, câu ca dao trong SGK lớp 1 đã thấm vào hồn con lòng nhân ái yêu thương gần gũi như lời thủ thỉ tâm tình của người mẹ. Lớn lên học lớp 5, lớp 6 nghe thầy đọc những trang thơ, những truyện cổ hay, lòng em thấy xúc động nao nao: em thương cô Tấm thảo hiền, ghét Lý Thông ở ác, em thêm yêu quê hương qua lời thơ ngọt ngào của Trần Đăng Khoa:

Em nghe thấy đọc bao ngày

Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây quanh nhà

Mái chèo nghe vọng sông xa

Êm êm như tiếng của bà năm xưa

Nghe trăng thở động tàu dừa

Ào ào nghe chuyền cơn mưa giữa trời

Thêm yêu tiếng hát nụ cười

Nghe thơ em thấy đất trời đẹp hơn.

                                                               (Nghe thầy đọc thơ)

        Càng yêu thơ văn dân tộc ta càng khám phá được trong mỗi tác phẩm vẻ đẹp kì diệu lung linh của nó mà cơ sở cho sự sáng tạo chính là cội nguồn của tình yêu thương sự đồng cảm, chân thành của nhà văn với con người tạo nên linh hồn trong mỗi sáng tác.

        Đọc truyện "Sơn Tinh Thuỷ Tinh" ai cũng hiểu đó là câu chuyện hoang đường nhưng sao nghìn đời nay ta vẫn yêu vẫn quí, đọc trăm lần không chán bởi hình tượng chàng Sơn Tinh chính là hình ảnh của dân Văn Lang thuở hồng hoang khai thiên lập địa gặp muôn ngàn khó khăn. Càng đọc ta càng khâm phục sự sáng tạo kì diệu của nhân dân khi xây dựng hình tượng nghệ thuật này dưới câu chuyện tình lãng mạn đẹp thời cổ đại. Và càng đọc ta càng thấy dụng ý ngợi ca con người, sức mạnh và ý chí con người quả là lớn lao đáng khâm phục: bao lần đấu tranh, chiến sự xảy ra nhưng Sơn Tinh vẫn thắng, Thuỷ Tinh giao chiến mệt mỏi đành rút quân về. Ca ngợi con người, những con người chính nghĩa, bảo vệ cho công lý đó là chức năng của tác phẩm nghệ thuật nói chung và tác phẩm văn học nói riêng.

        Hồi kí "Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng sao đáng yêu đến thế. Bức chân dung chân thực mà sống động về một cậu bé bất hạnh sống thiếu tình thương nhưng vô cùng trong sáng hồn nhiên và có tình yêu thương mẹ mãnh liệt. Hình ảnh cậu bé Hồng trong tác phẩm chính là một con người đáng quí, đáng để các bạn nhỏ học tập noi gương về nghị lực sống, về tình yêu thương và lòng nhân ái vô bờ. Cậu bé mồ côi cha phải sống bên người bà cô cay nghiệt luôn lấy chuyện mẹ em có con với người khác, phải đi ở tha phương cầu thực mà nhiếc móc hành hạ em. Song tình yêu thương mẹ và niềm tin trong sáng của cậu bé 12 tuổi đã giúp em có thêm bản lĩnh sống và vượt qua mọi thử thách để rồi cuối cùng ước mơ được gặp mẹ đã toại nguyện. Cảm giác hạnh phúc đến vô bờ khi ngồi trong lòng mẹ được mẹ ôm ấp vỗ về, được ngắm nhìn khuôn măt thân yêu của người mẹ, được mẹ gãi rôm ở sống lưng... của cậu bé Hổng được gợi lại chân thực và xúc động bằng một đoạn văn thấm đẫm chất trữ tình đã đưa mỗi chúng ta về với cội nguồn, về với tình mẫu tử thiêng liêng của chính mình mà vô tình ta chẳng nhận ra. Tập hồi kí hay và lắng đọng hồn người chính bởi tình thương, sự đồng điệu của trái tim nghệ sĩ đã hoà cùng nhân vật với niềm yêu thương sẻ chia với những cuộc đời đắng cay, bất hạnh.

        Văn học thể hiện tình yêu thương ngợi ca những con người có trái tim nhân ái nhưng đồng thời văn học cũng bày tỏ thái độ phê phán nghiêm khắc những kẻ bạc ác, những kẻ thờ ơ dửng dưng trước những người gặp hoạn nạn.

        Trong các tác phẩm của mình, người nghệ sĩ không chỉ tạo nên các nhân vật với tính cách một chiều. Chính vì vậy, ta đọc tác phẩm và thấy trong đó những con người với những tính cách đối lập. Phải chăng nhà văn muốn để ta so sánh đối chiếu họ với nhau mà nhận ra thái độ của tác giả, tìm đến sự đồng cảm với trái tim người nghệ sĩ mà yêu, ghét, giận hờn, ngợi ca hay khinh bỉ.

        Đọc "Lão Hạc" của Nam Cao, ta càng yêu thương quí trọng lão nông già yếu nghèo khổ nhưng giàu lòng yêu thương và đức tự trọng để mà thêm mến thêm yêu Nam Cao, học được ở ông cái cách nhìn người "cố tìm hiểu họ" mà cảm thông chia sẻ..., thì ta càng chê trách Binh Tư, con người khoẻ mạnh mà lười biếng, nhân cách thoái hoá đi ăn cắp ăn trộm... đáng khinh bỉ.

        Hai tuyến nhân vật tiêu biểu cho giai cấp thống trị - bị trị trong "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố là 2 bức tranh đối lập về con người mà qua đó nhà văn muôn nhắn gửi bức thông điệp, tiếng kêu cứu về số phận người nông dân dưới chế độ cũ. Chính vì vậy nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nhận xét: Cái cách viết lách như thế, Ngô Tất Tố xui người nông dân nổi loạn.

        Sự nổi loạn mà Nguyễn Tuân muôn nói đến trong "Tắt đèn" là sự nổi loạn đầy ý thức khi cái tốt, cái thiện bị ngược đãi, chèn ép nên tức "nước vỡ bờ". Mâu thuẫn cơ bản của xã hội thể hiện trong hai tuyến nhân vật rõ rệt: một bên là những kẻ thông trị cậy chức quyền hà hiếp dân lành mà tiêu biểu là quan Tri phủ Tư Ân, Nghị Quế, Lý trưởng, Chánh tổng... Và một bên là người dân lương thiện chịu cảnh bần cùng đè nén là chị Dậu. Mâu thuẫn đối kháng dâng lên đỉnh điểm nhưng Ngô Tất Tố chỉ đặt ra ở đó. Phải chăng bởi ý thức cách mạng chưa cập đến người dân hay bởi nhà văn mới bằng trái tim nhân đạo của mình rung lên hồi chuông cảnh tỉnh về những cuộc nổi loạn sẽ xảy ra khi những kẻ núp bóng quan Tây bị mất hết nhân tính chỉ mượn cớ đục nước béo cò...

        Bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, văn học thể hiện tinh hoa văn hóa và khẳng định sự sáng tạo nghệ thuật của con người Việt Nam. Song điều cốt lõi và cội nguồn của văn chương chính là tình yêu thương, "thương người như thể thương thân". Tiếng nói yêu thương ấy của văn chương đã cất lên ru tâm hồn ta, khiến ta sống “người” hơn.

Đề 3: Nói lên những suy nghĩ của em về các tệ nạn như: cờ bạc, tiêm chích ma túy, hoặc tiếp xúc với văn hoá phẩm không lành mạnh.

Bài làm

        Đất nước ta đang trên đường phát triển và hội nhập. Xã hội ngày một đổi mới. Nhân dân ta đã và đang làm nên bao thành tựu to lớn về kinh tế, về văn hoá,... rất đáng tự hào.

         Nhưng đó đây, ta vẫn thấy “cộm” lên không ít hiện tượng tiêu cực làm hoen ố xã hội như tệ nạn cờ bạc, xì ke ma tuý, sống ăn chơi đua đòi, sống buông thả, tiếp xúc với văn hoá phẩm không lành mạnh,... Có không ít kẻ phạm tội là lứa tuổi vị thành niên, là học sinh trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.

         Báo An Ninh từng đăng tải bao chuyên đau lòng. Vì nghiện ma túy mà có đứa con cầm dao giết cha mẹ, có đứa cháu dùng thuốc độc giết ông bà. Vì thua lỗ cờ bạc, nợ nần mà có một số đứa trẻ 14, 15 tuổi tổ chức thành băng cướp, giêt người, cướp của một cách rất dã man. Cầm đầu những nhóm trộm cướp mà nhiều phóng sự đưa tin và lên án là những kẻ cờ bạc, tiêm chích ma tuý.

         Đứng trước vành móng ngựa là hình ảnh những phạm nhân với cặp mắt tinh quái, với đầu bù tóc rối, nhuộm đỏ, nhuộm vàng, nhuộm xanh, tai đeo khuyên bạc, ngực, bụng, lưng và chân tay,... xăm đủ hình xanh, đen các quái vật, các dị nhân rất khủng khiếp.

         Để có tiền ăn chơi mà nhiều đứa trẻ vị thành niên gây ra bao vụ án mạng rùng rợn. Một số học sinh cá biệt sa vào vòng ăn chơi đua đòi, dây vào văn hóa phẩm không lành mạnh mà chốn học, bỏ học rồi sa ngã, phạm tội. Điện thoại di động “xin” cầm tay đi lại nghênh ngang, túm tụm quán nhậu, quán cà phê... rất "sành điệu" phì phèo thuốc lá “ba số” tuy còn đi học nhưng trốn học kéo nhau đi chơi điện tử, dối cha mẹ lừa thầy cô giáo gây ra nhiều vụ “quậy” rất đáng lên án và chê trách.

         Không ít các bậc cha mẹ trở nên bất lực khi có con em ăn chơi trác táng, rượu chè cờ bạc bê tha, tiêm chích ma túy mà bỏ học mà phạm tội.

         Mở bất cứ tờ báo hàng ngày nào, báo địa phương cũng như báo trung ương, nhất là các báo Thanh niên, báo Tuổi Trẻ, báo Tiền Phong, báo Pháp luật... độc giả bắt gặp bao chuyện đau lòng, bao hiện tượng tiêu cực mà các phóng viên từng mạnh mẽ lên án.

         Hãy nói không với các tệ nạn! Hãy xa lánh các kẻ cờ bạc, tiêm chích ma túy! Hãy tự nghiêm khắc với bản thân mình đừng dây vào các văn hoá phẩm không lành mạnh! Câu tục ngữ:  “ dữ, giữ mình ” mà ông bà, cha mẹ vẫn nhắc nhở cháu con là bài học vô cùng sâu sắc.

         Tuổi trẻ phải biết tự bảo vệ mình. Hơn bao giờ hết, học sinh phải biết tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản thân, chăm chỉ học hành để sớm trở thành người con tốt của gia đình, người công dân tốt của đất nước.