Lý thuyết về Phương pháp thuyết minh

1. Lý thuyết

- Muốn có tri thức để làm tốt bài văn thuyết minh, người viết phải quan sát, tìm hiểu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh, nhất là phải nắm bắt được bản chất, đặc trưng của chúng, để tránh sa vào trình bày các biểu hiện không tiêu biểu, không quan trọng.

- Để bài văn thuyết minh có sức thuyết phục, dễ hiểu, sáng rõ, người ta có thể sử dụng, phối hợp nhiều phương pháp thuyết minh như: nêu định nghĩa, giải thích, liệt kê, nêu ví dụ, dùng số liệu, so sánh, phân tích, phân loại…

2. Ví dụ

Di tích bến Nhà Rồng ý nghĩa và niềm tự hào về Bác

       Nằm bên sông Sài Gòn, thuộc Quận 4, TP. Hồ Chí Minh, Bến Nhà Rồng hay còn là Bảo tàng Hồ Chí Minh, thuộc hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

       Kiến trúc Bến Nhà Rồng là một tòa nhà lớn, xây dựng theo kiểu Á Đông, cao hai tầng, do Công ty Vận tải đường biển của Pháp là Messageries Maritimes xây dựng vào năm 1863, dùng làm nơi bán vé tàu và nơi ở cho người Pháp quản lý tàu vào ra. 

       Tại nơi đây, vào ngày 5-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville làm phụ bếp để có điều kiện ra đi tìm đường cứu nước. Ngoài ý nghĩa lịch sử, mỗi kỷ vật được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh còn là hiện thân của tình cảm và sự kính yêu mà mỗi người Việt Nam nói chung, người miền Nam nói riêng dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

       Cùng với quần thể khu di tích, ngay cạnh con đường Nguyễn Tất Thành là cột cờ Thủ Ngữ. Vào tháng 10-1865, người Pháp đã cho dựng cột cờ này. Từ “thủ ngữ” có nghĩa là sở canh tuần tàu biển. Cột cờ treo cờ hiệu để cho tàu thuyền ra vào. Ngày nay, lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay trước gió càng tạo thêm cảnh quan và đầy ý nghĩa về khu di tích Bến Nhà Rồng.

(Theo Tiến Thành – Báo ảnh đất Mũi)

- Văn bản trên thuyết minh về di tích Bến Nhà Rồng, người viết sử dụng nhiều phương pháp thuyết minh như nêu định nghĩa, giải thích, phân tích.

Câu hỏi trong bài