I. Câu ghép
1. Khái niệm
Câu ghép là câu do nhiều vế câu ghép lại.
Mỗi vế câu ghép thường có cấu tạo giống một câu đơn (có đủ chủ ngữ, vị ngữ) và thể hiện một ý có quan hệ chặt chẽ với ý của những vế câu khác.
2. Cách nối các vế trong câu ghép
Có hai cách nối các vế câu trong câu ghép:
a. Nối bằng những từ có tác dụng nối:
Ví dụ:
Cô em thì chăm học còn cô chị thì lười học.
Vì nhà xa nên Lan thường đi học muộn.
b. Nối trực tiếp (không dùng từ nối). Trong trường hợp này, giữa các vế câu cần có dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc dấu hai chấm.
Ví dụ:
Trời nắng chang chang, bố mẹ đang gặt lúa ngoài đồng, Lan ngoan ngoãn đem cơm cho bố mẹ.
3. Cách nối các vế câu ghép bằng quan hệ từ
a. Các vế câu trong câu ghép có thể được nối với nhau bằng một quan hệ từ hoặc một cặp quan hệ từ:
Ví dụ:
Nếu Long không đến thì chúng mình sẽ làm giúp cậu ấy.
b. Những quan hệ từ thường được dùng là: và, rồi, thì, nhưng, hay, hoặc,….
Ví dụ:
Mình đi mua cá còn cậu mua rau nhé!
c. Những cặp quan hệ từ thường được dùng là:
- vì… nên….; do…. nên….; nhờ….mà….
- nếu…thì…; giá….thì…; hễ….thì….
- tuy….nhưng….; mặc dù….nhưng ….
- chẳng những…. mà……; không chỉ….. mà……
II. Cách nối các vế câu ghép bằng quan hệ từ hoặc cặp từ hô ứng
Quan hệ về nghĩa giữa các vế |
Các cặp quan hệ từ |
1. Quan hệ hô ứng giữa các vế |
a.vừa…đã…;chưa…đã…;mới….đã…;vừa…vừa…; càng…càng… đâu…đấy; nào… ấy; sao… vậy; bao nhiêu …bấy nhiêu |
2. Quan hệ tương phản giữa các vế |
b. Tuy, mặc dù, nhưng, tuy…nhưng…, dù…nhưng, mặc dù…nhưng…. |
3. Quan hệ tăng tiến giữa các vế |
c. Không những…mà….; chẳng những ….mà; không chỉ… mà |
4. Quan hệ điều kiện – kết quả, giả thiết – kết quả |
d.Nếu, hễ, giá, thì, nếu…thì…, hễ mà…thì…,giá…thì…. |
III. Liên kết trong câu
1. Liên kết câu bằng cách lặp từ ngữ
- Trong bài văn, đoạn văn, các câu phải có liên kết chặt chẽ với nhau.
- Để liên kết một câu đứng trước nó, ta có thể lặp lại trong câu ấy những từ ngữ đã xuất hiện ở các câu đứng trước.
2. Liên kết bằng cách thay thế từ ngữ
Khi các câu trong đoạn văn cùng nói về một người, một vật, một việc ta có thể dùng đại từ hoặc những từ ngữ đồng nghĩa thay thế cho những từ đã dùng ở câu đứng trước để tạo thành mối liên hệ giữa các câu và tránh lặp từ nhiều lần.
3. Liên kết bằng từ nối
Để thể hiện mối quan hệ về nội dung giữa các câu trong bài, ta có thể liên kết các câu ấy bằng quan hệ từ hoặc một số từ ngữ các tác dụng kết nối như: nhưng, tuy nhiên, thậm chí, cuối cùng, ngoài ra, mặt khác, trái lại, đồng thời,…
IV. Mở rộng vốn từ Công dân
Công dân là người dân của một nước, có quyền lợi và nghĩa vụ với đất nước.
VD: Bác sĩ, nhà giáo, công nhân, nông dân,… đều là người dân của một nước, họ có quyền lợi và nghĩa vụ với đất nước
Một số từ đồng nghĩa với từ công dân: dân, dân chúng, nhân dân
V. Mở rộng vốn từ Trật tự - An ninh
1. Trật tự
- Tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỉ luật là Trật tự
2. An ninh
An ninh là từ ghép Hán Việt, an có nghĩa là yên, yên ổn, an bình.Ninh có nghĩa là yên lặng, bình lặng.
-> An ninh là yên ổn về chính trị và trật tự xã hội.
VI. Mở rộng vốn từ Truyền thống
- Truyền thống: là một từ ghép Hán Việt, truyền có nghĩa là trao lại, để lại cho đời sau, thống có nghĩa là nối tiếp nhau không dứt.
-> Lối sống và nếp nghĩ đã hình thành từ lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác
VD: Tôn sư trọng đạo, tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn,… đó là những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam ta.