I. Hiểu bài
1. Từ khó
- Văn hiến: Truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp.
- Văn Miếu: nơi thờ Khổng Tử và những người có công mở mang giáo dục thời xưa
- Quốc Tử Giám: Trường Nho học cao cấp thời xưa, đặt ở khu vực Văn Miếu.
- Tiến sĩ: ở đây chỉ người đỗ trong kì thi quốc gia về Nho học thời xưa (thi hội)
- Chứng tích: Vết tích hay hiện vật còn lưu lại làm chứng cho một sự việc đã qua.
2. Đại ý
Việt Nam có truyền thống khoa cử lâu đời. Đó là một bằng chứng về nền văn hiến lâu đời của nước ta.
3. Nội dung bài học
Câu 1: Đến Văn Miếu, khách nước ngoài ngạc nhiên vì điều gì?
Đến Văn Miếu khác nước ngoài ngạc nhiên vì:
- Từ năm 1075 nước ta đã mở khoa thi tiến sĩ.
- Ngót 10 thế kỉ, tính từ khoa thi năm 1075 đến khoa thi cuối cùng vào năm 1919, các triều vua của Việt Nam đã tổ chức được 185 khoa thi, lấy đỗ gần 3000 tiến sĩ.
Câu 2: Hãy đọc và phân tích bảng số liệu thống kê theo các mục sau:
a. Triều đại nào tổ chức nhiều khoa thi nhất?
b. Triều đại nào có nhiều tiến sĩ nhất?
- Triều đại tổ chức nhiều khoa thi nhất: Triều Lê – 104 khoa thi.
- Triều đại có nhiều tiến sĩ nhất: Triều Lê – 1780 tiến sĩ.
Câu 3: Bài văn giúp em hiểu gì về truyền thống văn hóa Việt Nam?
Bài văn đã giúp em hiểu rất nhiều điều về truyền thống văn hóa của Việt Nam
- Người Việt Nam ta có truyền thống coi trọng đạo học.
- Việt Nam là một đất nước có một nền văn hiến lâu đời.
- Dân tộc ta rất đáng tự hào vì có một nền văn hiến lâu đời
II. Hướng dẫn đọc
Yêu cầu chung
- Biết đọc đúng một văn bản khoa học thường thức có bảng thống kê.
- Giọng đọc phải thể hiện được tình cảm trân trọng, tự hào về truyền thống khoa cử, văn hiến lâu đời của dân tộc.
- Khi đọc tới bảng thống kê nên đọc rõ ràng, mạch lạc bảng thống kê theo trình tự cột ngang như sau:
Triều đại/ Lý / Số khoa thi/ 6 / Số tiến sĩ / 11/ Số trạng nguyên / 0/
Triều đại/ Trần / Số khoa thi/ 14/ Số tiến sĩ/ 51/ Số trạng nguyên/ 9/
…
Tổng cộng/ số khoa thi/ 185/ Số tiên sĩ/ 2896/ Số trạng nguyên/ 46/