I. Hiểu bài
1. Từ khó
- Phũ (phũ phàng): Dữ dội, thô bạo đến mức tàn nhẫn
- Phập phều: Trôi nổi, phồng lên rồi lại xẹp xuống.
- Cơn thịnh nộ: Cơn giận dữ ghê gớm
- Hằng hà sa số: Nhiều vô kể, đếm không xuể
- Sấu: Cá sấu
2. Ý nghĩa bài văn
Sự khắc nghiệt của thiên nhiên Cà Mau góp phần hun đúc nên tính cách kiên cường của người dân Cà Mau.
3. Nội dung bài học
Câu 1:Mưa ở Cà Mau có gì khác thường?
Điểm khác thường của mưa Cà Mau: Mưa dông, rất đột ngột, dữ dội nhưng chóng tạnh.
Câu 2: Cây cối trên đất Cà Mau mọc ra sao? Người Cà Mau dựng nhà cửa như thế nào?
- Cây cối ở Cà Mau mọc thành chòm, thành rặng; rễ dài, cắm sâu vào lòng đất để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.
- Cách người Cà Mau dựng nhà: Nhà cửa dựng dọc theo những bờ kênh, dưới những hàng đước xanh rì. Nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cầu bằng thân cây đước….
Câu 3: Người dân Cà Mau có tính cách như thế nào?
Người dân Cà Mau tính cách như thế nào:
- Con người thông minh và giàu nghị lực.
- Họ thích kể, thích nghe những huyền thoại về người vật hổ, bắt cá sấu, bắt rắn hổ mây
- Họ là những người có tinh thần thượng võ.
Câu 4: Bài văn trên có mấy đoạn? Em hãy đặt tên cho từng đoạn văn
Bài văn trên có ba đoạn
- Nội dung chính của đoạn thứ nhất là: Điều khác thường của những cơn mưa Cà Mau
- Nội dung chính của đoạn văn thứ 2 là: Đất, cây cối và nhà cửa ở Cà Mau
- Nội dung chính của đoạn văn thứ 3 là: Tính cách con người Cà Mau
II. Hướng dẫn đọc
Đọc lưu loát, diễn cảm toàn bài, nhấn giọng những từ ngữ gợi tả, gợi cảm làm nổi bật sự khắc nghiệt của thiên nhiên ở Cà Mau và tính cách kiên cường của người Cà Mau
Ví dụ các từ: nẻ chân chim; rạn nứt; phập phều; lắm gió; cơn thịnh nộ; hằng hà sa số,.....