I. Nối các vế câu ghép bằng quan hệ từ
1. Trong mối quan hệ điều kiện – kết quả, giả thiết – kết quả
Để thể hiện quan hệ điều kiện – kết quả; giả thiết – kết quả giữa hai vế câu ghép, ta có thể nối chúng bằng:
- Một quan hệ từ: nếu, hễ, giá, thì,…
- Hoặc một cặp quan hệ từ: nếu… thì….; nếu như … thì…; hễ… thì….; hễ mà… thì…; giá… thì…
VD:
- Em sẽ được bố đưa đi chơi nếu năm học này em đạt học sinh giỏi.
- Hễ Lan cất giọng thì cả hội trường đều im lặng và trật tự lắng nghe.
2. Trong mối quan hệ tương phản
Để thể hiện mối quan hệ tương phản giữa hai vế câu ghép, ta có thể nối chúng bằng:
- Một quan hệ từ: tuy, dù, mặc dù, nhưng..
- Hoặc một cặp quan hệ từ; tuy… nhưng…; mặc dù… nhưng…; dù… nhưng…
VD:
- Mặc dù không phục nhưng anh ấy vẫn cúi đầu nhận lỗi.
- Tuy nhà xa nhưng Lan chưa bao giờ đi học muộn.
3. Trong quan hệ tăng tiến
Để thể hiện quan hệ tăng tiến giữa các vế câu ghép, ta có thể nối chúng bằng một trong các cặp quan hệ từ: không những… mà…; chẳng những… mà….; không chỉ… mà…
VD:
- Hoa không những chăm học mà cô bé còn rất chăm làm việc nhà.
- Trung chẳng những đánh nhau mà anh ta còn hút thuốc và uống rượu bia
II. Nối các vế câu ghép bằng cặp từ hô ứng
Để thể hiện quan hệ về nghĩa giữa các vế câu, ngoài quan hệ từ, ta còn có thể nối các vế câu ghép bằng một số cặp từ hô ứng như:
- vừa…đã…;chưa…đã…;mới….đã…;vừa…vừa…; càng…càng…
- đâu…đấy; nào… ấy; sao… vậy; bao nhiêu …bấy nhiêu
VD:
- Cô giáo vừa ra ngoài lớp đã ồn ào như cái chợ
- Mưa càng lớn bao nhiêu lòng mẹ Lan càng lo lắng bấy nhiêu