I. Khái niệm công dân
Công dân là người dân của một nước, có quyền lợi và nghĩa vụ với đất nước.
VD: Bác sĩ, nhà giáo, công nhân, nông dân,… đều là người dân của một nước, họ có quyền lợi và nghĩa vụ với đất nước
Một số từ đồng nghĩa với từ công dân: dân, dân chúng, nhân dân
II. Một số từ có chứa tiếng “công”
- Công có nghĩa là“của nhà nước, của chung”: công dân, công cộng, công chúng
- Công có nghĩa là “không thiên vị”: công bằng, công lí, công minh, công tâm
- Công có nghĩa là “thợ, khéo tay”: công nhân, công nghiệp
Giải nghĩa
- Công bằng: theo đúng lẽ phải, không thiên vị
- Công cộng: thuộc về mọi người hoặc phục vụ chung cho mọi người trong xã hội
- Công lí: lẽ phải phù hợp với đạo lí và lợi ích chung của xã hội
- Công nghiệp: Ngành kinh tế dùng máy móc để khai thác tài nguyên, làm ra tư liệu sản xuất hoặc hàng tiêu dùng
- Công chúng: Đông đảo người đọc, xem, nghe trong quan hệ với tác giả, diễn viên,…
- Công minh: Công bằng và sáng suốt
- Công tâm: Lòng ngay thẳng, chỉ vì việc chung, không vì tư lợi hoặc thiên vị
III. Mở rộng vốn từ công dân:
- Quyền công dân: Điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho người dân được hưởng, được làm, được đòi hỏi
- Ý thức công dân: Sự hiểu biết về nghĩa vụ và quyền lợi của người dân đối với đất nước
- Nghĩa vụ công dân: Điều mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc người dân phải làm đối với đất nước, đối với người khác
- Nghĩa vụ công dân, quyền công dân, ý thức công dân, bổn phận công dân, trách nhiệm công dân, danh dự công dân, công dân gương mẫu, công dân danh dự