Ôn tập cuối học kì 1 phần luyện từ và câu

I. ĐẠI TỪ XƯNG HÔ

1. Đại từ xưng hô là gì?

Đại từ xưng hô là từ được người nói dùng để tự chỉ mình hay chỉ người khác khi giao tiếp: tôi, chúng tôi; mày, chúng mày; nó, chúng nó,….

2. Một số lưu ý

- Bên cạnh các từ nói trên, người Việt Nam còn dùng nhiều danh từ chỉ người làm đại từ xưng hô để thể hiện rõ thứ bậc, tuổi tác, giới tính: ông, bà, anh, chị, em, cháu, thầy, bạn,....

Khi xưng hô, cần chú ý chọn từ cho lịch sự, thể hiện đúng mối quan hệ giữa mình với người nghe và người được nhắc tới.

II. Quan hệ từ

1. Quan hệ từ là gì?

Quan hệ từ là từ nối các từ ngữ hoặc các câu, nhằm thể hiện mối quan hệ giữa những từ ngữ hoặc những câu ấy với nhau: và, với, hay, hoặc, nhưng, mà, thì, của, ở, tại, bằng, như, để, về,…

VD:

- Dù đúng hay sai thì cậu ấy cũng phải về nhà.

- Lan Mai là đôi bạn cùng tiến trong học tập.

2. Một số cặp quan hệ từ thường gặp

 

Vì…nên…; do….nên….; nhờ….mà…: Biểu thị quan hệ nguyên nhân – kết quả

VD:

trời mưa nên chúng tôi quyết định ở nhà.

Do lười học nên Hoa đã bị điểm kém trong bài kiểm tra vừa rồi

Nhờ kiên trì anh ấy đã đạt được cái gật đầu từ cô ấy

Nếu…thì…; hễ…thì…: Biểu thị giả thiết – kết quả, điều kiện – kết quả

VD:

Nếu mẹ đồng ý thì tối nay em sẽ đi xem phim với Hoa.

Hễ anh ấy nói chuyện thì lũ trẻ con trong xóm lại bắt đầu cười

Tuy…nhưng…; mặc dù…nhưng…: Biểu thị quan hệ tương phản

VD

Tuy đường xa nhưng Hoa chưa bao giờ đi học muộn.

Mặc dù mất điện nhưng Lan vẫn kiên trì ngồi học bài.

Không những….mà…; không chỉ…mà….:; Biểu thị quan hệ tăng tiến

VD

Không những lười học Hoa còn mải chơi.

Không chỉ chăm học Lan còn chăm làm việc nhà

III. MỞ RỘNG VỐN TỪ: BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

1. Mở rộng vốn từ Bảo vệ môi trường

- Khu bảo tồn thiên nhiên: Khu vực trong đó các loài cây, con vật và cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ, giữ gìn lâu dài.

- Sinh vật: Tên gọi chung  của các vật sống, bao gồm động vật, thực vật, vi sinh vật

- Sinh thái: Quan hệ giữa sinh vật (kể cả con người) với môi trường xung quanh

- Hình thái: Hình thức biểu hiện ra bên ngoài của sự vật, có thể quan sát được

- Khu bảo tồn đa dạng sinh học là nơi lưu trữ được nhiều loại động vật và thực vật.

- Bảo đảm: làm cho chắc chắn thực hiện được, giữ gìn được

- Bảo hiểm: giữ gìn để phòng tai nạn; trả khoản tiền thỏa mãn khi có tai nạn xảy đến với người đóng bảo hiểm.

2. Một số từ có thể ghép với tiếng bảo để thành một từ có nghĩa

- Bảo quản: giữ gìn cho khỏi hư hỏng hoặc hao hút

- Bảo toàn: giữ cho nguyên vẹn, không để suy suyển, mất mát.

- Bảo tồn: giữ lại, không để cho mất đi

- Bảo trợ: Đỡ đầu và giúp đỡ

- Bảo vệ: Chống lại mọi sự xâm phạm để giữ cho nguyên vẹn.

3. Một số hành động có tác động đến môi trường

- Hành động bảo vệ môi trường: trồng cây, trồng rừng, phủ xanh đồi trọc

- Hành động phá hoại môi trường: phá rừng, đánh bắt cá mìn, xả rác bừa bãi, đốt nương, săn bắt thú rừng, đánh cá bằng điện, buôn bán động vật hoang dã

IV. MỞ RỘNG VỐN TỪ HẠNH PHÚC

1. Khái niệm Hạnh phúc

Hạnh phúc là trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện.

VD: Gia đình hòa thuận, êm ấm là hạnh phúc. Đạt được ước muốn của mình là hạnh phúc,…

2. Mở rộng vốn từ hạnh phúc

a. Một số từ đồng nghĩa và trái nghĩa với hạnh phúc

- Đồng nghĩa với hạnh phúc: Sung sướng, vui sướng, mãn nguyện, toại nguyện,…

- Trái nghĩa với hạnh phúc: bất hạnh, đau khổ, đau buồn, sầu thảm, bi thảm, tuyệt vọng,…

b. Một số từ có chứa tiếng phúc, trong đó phúc có nghĩa là “điều may mắn, tốt lành”

- Phúc ấm: Phúc đức của tổ tiên để lại

- Phúc bất trùng lai: Điều may mắn không đến liền nhau

- Phúc đức: Điều tốt lành để lại cho con cháu

- Phúc hậu: Có lòng thương người, hay làm điều tốt cho người khác.

- Phúc lợi: Lợi ích mà người dân được hưởng, không phải trả tiền hoặc chi trả một phần

- Phúc lộc: Gia đình yên ấm, tiền của dồi dào

- Phúc phận: Phần may mắn được hưởng do số phận

- Phúc thần: Vị thần chuyên làm những điều tốt

- Phúc tinh: Cứu tinh

- Phúc trạch: Phúc đức do tổ tiên để lại

- Vô phúc: Không được hưởng may mắn