I. Hiểu bài
1. Từ khó
- Thái sư: Chức quan đầu triều thời xưa
- Câu đương: Một chức vụ nhỏ ở xã, giữ việc bắt bớ, áp giải người có tội
- Kiệu: Một phương tiện đi lại thời xưa gồm một chiếc ghế ngồi có mái che và đôi đòn khiêng, thường do bốn người khiêng
- Quân hiệu: Chức quan võ nhỏ
- Xã tắc: Đất nước, nhà nước
- Thượng phụ: Từ xưng hô để tỏ ý tôn kính Trần Thủ Độ (Thượng: bề trên, phụ: cha)
2. Ý nghĩa câu chuyện Thái sư Trần Thủ Độ
Ca ngợi thái sư Trần Thủ Độ - một người cư xử gương mẫu, nghiêm minh, không vì tình riêng mà làm sai phép nước.
3. Nội dung bài học
Câu 1: Khi có người muốn xin chức câu đương, Trần Thủ Độ đã làm gì?
Trả lời:
Khi có người muốn xin chức câu đương, Trần Thủ Độ đồng ý, nhưng yêu cầu chặt một ngón chân người đó để phân biệt với những câu đương khác.
Câu 2: Trước việc làm của người quân hiệu, Trần Thủ Độ xử lí ra sao?
Trả lời:
Trước việc làm của người quân hiệu, Trần Thủ Độ đã xử lí rằng: Gọi đến, nghe anh ta kể rõ ngọn ngành, không những không trách móc mà còn thưởng cho bạc vàng vì người quân hiệu đã biết giữ phép nước.
Câu 3: Khi biết có viên quan tới tâu với vua rằng mình chuyên quyền Trần Thủ Độ nói thế nào?
Trả lời:
Khi biết có viên quan tâu với vua rằng mình chuyên quyền, Trần Thủ Độ đã nhận lỗi và xin vua ban thưởng cho viên quan dám nói thẳng
Câu 4: Những lời nói và việc làm của Trần Thủ Độ cho thấy ông là người như thế nào?
Trả lời:
Những lời nói và việc làm của Trần Thủ Độ cho thấy ông là người cư xử nghiêm minh, không vì tình riêng, nghiêm khắc với bản thân, luôn đề cao kỉ cương, phép nước.
II. Hướng dẫn đọc diễn cảm
Đọc lưu loát, diễn cảm bài văn và biết phân biệt giữa các lời nói của các nhân vật trong truyện