I. Nghe viết “Việt Nam thân yêu”
Việt Nam thân yêu
Việt Nam đất nước ta ơi!
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn.
Cánh cò bay lả dập dờn,
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.
Quê hương biết mấy thân yêu,
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau.
Mặt người vất vả in sâu,
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn.
Đất nghèo nuôi những anh hùng,
Chìm trong máu chảy lại vùng đứng lên.
Đạp quân thù xuống đất đen,
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.
Nguyễn Đình Thi
Chú ý: Một số từ ngữ dễ sai như mênh mông, biển lúa, dập dờn,….
II. Quy tắc viết chính tả ng/ngh, gh/g, c/k
Ghi nhớ bảng sau:
Âm đầu | Đứng trước i, e, ê | Đứng trước các âm còn lại |
Âm "cờ" | Viết là k | Viết là c |
Âm "gờ" | Viết là gh | Viết là g |
Âm "ngờ | Viết là ngh | Viết là ng |
1. Âm “cờ”
+Khi đứng trước “i, e, ê” thì viết là k
Ví dụ: kỉ niệm, thước kẻ, kể chuyện, mẹ kế, bút kí, đố kị, bánh kẹo, kêu tên,….
+Khi đứng trước các âm còn lại thì viết là c
Ví dụ: con gà, cô gái, cổng trời, cuối cùng, cậu mợ,….
2. Âm “gờ”
+Khi đứng trước “i, ê, e” thì viết là gh
Ví dụ: ghi nhớ, ghê gớm, cái ghe, ghé sát tai, ghì chặt,….
+Khi đứng trước các âm còn lại thì viết là g
Ví dụ: con gà, gào thét, gồ ghề, gầm gừ, gánh chịu,….
3. Âm “ngờ”
+Khi đứng trước “i, ê, e” thì viết là ngh
Ví dụ: nghỉ ngơi, lắng nghe, nghèo khó, nghi ngờ,…
+Khi đứng trước các âm còn lại thì viết là ng
Ví dụ: ngày tháng, ngây thơ, ngao ngán, ngớ ngẩn,…