I. Nghe – viết: Dòng kinh quê hương
Cũng như mọi màu xanh trên khắp đất nước, màu xanh của dòng kinh quê hương gợi lên những điều quen thuộc… Vẫn như có một giọng hò đang ngân lên trong không gian có mùi quả chín, một mái xuồng vừa cập bến có tiếng trẻ reo mừng, và sau lưng tôi, tiếng giã bàng vừa ngưng lại thì một giọng đưa em bỗng cất lên… Dễ thương làm sao giọng đưa em lảnh lót của miền Nam vút lên đưa trẻ thơ và giấc ngủ, đưa con người vào niềm vui.
II. Nghe – viết: Kì diệu rừng xanh
Nắng trưa đã rọi xuống đỉnh đầu mà rừng sâu vẫn ẩm lạnh, ánh nắng lọt qua lá trong xanh. Chúng tôi đi đến đâu, rừng rào rào chuyển động đến đấy. Những con vượn bạc má ôm con gọn ghẽ chuyền nhau như tia chớp. Những con chồn sóc với chùm lông đuôi to đẹp vút qua không kịp đưa mắt nhìn theo.
Sau một hồi len lách mải miết, rẽ bụi rậm, chúng tôi nhìn thấy một bãi cây khộp. Rừng khộp hiện ra trước mắt chúng tôi, lá úa vàng như cảnh mùa thu.
III. Quy tắc đánh dấu thanh với những tiếng có vần iê/ia, yê/ya
1. Quy tắc đánh dấu thanh với những tiếng có vần iê/ia
- Trong tiếng có chứa ia (không có âm cuối): Đặt dấu thanh ở chữ cái đầu ghi nguyên âm đôi ia – chữ i.
VD: nghĩa, mía, tía, lìa, bịa,…
- Trong tiếng có chứa iê (có âm cuối): Đặt dấu thanh ở chữ cái thứ hai ghi nguyên âm đôi iê – chữ ê.
VD: chiến, tiến, diện, tiễn, tiền, khiển,…
2. Quy tắc đánh dấu thanh với những tiếng có vần yê/ya
- Trong những tiếng có âm đệm và không có âm cuối, nguyên âm đôi iê được viết là ya. Tiếng Việt chỉ có 4 từ có chứa ya, trong đó 3 từ là từ mượn, tất cả đều không có dấu thanh: khuya, pơ-luya, xanh – tuya, phéc – mơ – tuya
- Trong những tiếng có âm đệm và có âm cuối, nguyên âm đôi iê được viết là yê: truyền thuyết, huyện, yến. Dấu thanh được đặt ở chữ cái thứ hai của âm chính – chữ ê