I. Hiểu bài
1. Từ khó
- Buôn: Làng ở Tây Nguyên
- Nghi thức: Quy định về cách thức tiếp khách hay tiến hành các buổi lễ
- Gùi: Đồ đan bằng mây, tre, đeo trên gùi để mang đồ đạc.
2. Ý nghĩa bài học
Tình cảm của người Tây Nguyên yêu quý cô giáo, biết trọng văn hóa, mong muốn cho con em của dân tộc mình được học hành, thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.
3. Nội dung bài học
Câu 1: Cô giáo Y Hoa đến buôn Chư Lênh làm gì?
Cô giáo Y Hoa đến buôn Chư Lênh để mở trường dạy học.
Câu 2: Người dân Chư Lênh đón tiếp cô giáo trang trọng và thân tình như thế nào?
Người dân Chư Lênh đón tiếp cô giáo vô cùng trang trọng và thân tình:
- Mọi người tới tham dự rất đông, mặc quần áo đẹp như đi hội và tề tựu ở nhà sàn khiến căn nhà chật ních.
- Họ trải đường cho cô giáo suốt từ đầu cầu thang tới cửa bếp giữa sàn bằng những tấm lông thú mịn như nhung.
- Già làng đứng đón khách ở giữa sàn nhà, trao cho cô giáo một con dao để cô chém một nhát vào cây cột, thực hiện nghi lễ để trở thành người trong buôn.
Câu 3: Những chi tiết nào cho thấy dân làng rất háo hức chờ đợi và yêu quý “cái chữ”?
Những chi tiết trong bài cho thấy dân làng rất háo hức chờ đợi và yêu quý “cái chữ” là:
- Giọng già Rok vui hẳn lên khi đề nghị được xem chữ của cô giáo
- Mọi người ùa theo già làng đề nghị cô giáo cho xem cái chữ
- Mọi người im phăng phắc khi xem Y Hoa viết
- Y Hoa viết xong, bao nhiêu người cùng hò reo
Câu 4: Tình cảm của người Tây Nguyên với cô giáo, với cái chữ nói lên điều gì?
Tình cảm của người Tây Nguyên với cô giáo, với cái chữ nói lên rằng:
- Người Tây Nguyên rất ham học, ham hiểu biết.
- Người Tây Nguyên muốn cho con em mình biết chữ, học hỏi được nhiều điều lạ điều hay.
- Người Tây Nguyên hiểu: Chữ viết mang lại sự hiểu biết, mang lại sự hạnh phúc, ấm no.
II. Hướng dẫn đọc diễn cảm
Đọc lưu loát toàn bài, phát âm chính xác tên người dân tộc (Y Hoa, già Rok), giọng đọc phù hợp với nội dung các đoạn văn: trang nghiêm ở đoạn dân làng đón cô giáo với những nghi thức long trọng; vui, hồ hởi ở đoạn dân làng xem cô giáo viết chữ