I. Ngữ cảnh và nghĩa của từ trong ngữ cảnh
- Ngữ cảnh là yếu tố giúp cho câu nói trở nên cụ thể, khiến người nghe, người đọc có thể dễ dàng xác định được nhân vật giao tiếp, nội dung giao tiếp, thời gian và không gian giao tiếp.
- Khi dùng ngôn ngữ để giao tiếp, người ta thường nói ra những câu, những phát ngôn, chứ không phải là những từ rời rạc. Tại đó, các từ kết hợp với nhau theo những quy tắc và chuẩn mực của ngôn ngữ. Cũng trong câu hoặc phát ngôn cụ thể, người ta mới biết được rằng: Tại trường hợp, hoàn cảnh cụ thể này, từ có nghĩa gì (tức là nó bộc lộ nghĩa nào trong số các nghĩa của nó).
+ Đối với người nói (viết): Ngữ cảnh là cơ sở của việc dùng từ, đặt câu, kết hợp từ ngữ.
+ Đối với người nghe (đọc): Ngữ cảnh là căn cứ để lĩnh hội từ ngữ, câu văn, hiểu được nội dung, ý nghĩa, mục đích của lời nói.
Ví dụ: Đọc hai dòng thơ sau, chú ý nghĩa của từ thơm:
Thị thơm thì giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà.
(Lâm Thị Mỹ Dạ, Chuyện cổ nước mình)
- Khi đọc (nghe) chỉ một từ thơm thôi thì ta không thể biết được người viết (nói) muốn dùng nghĩa nào của từ này. Thế nhưng, từng nghĩa một của từ thơm sẽ được xác định nếu ta đặt nó trong ngữ cảnh, xem xét trong sự kết hợp với các từ bên cạnh. Từ thơm trong thị thơm có nghĩa là có mùi hương dễ chịu còn từ thơm trong người thơm lại mang nghĩa là phẩm chất tốt đẹp, thơm thảo, được mọi người yêu mến, ca ngợi.
II. Ôn lại biện pháp tu từ ẩn dụ
- Ẩn dụ là một biện pháp tu từ mà ở đó có các sự vật và hiện tượng được nhắn đến quá việc gọi tên sự vật hiện tượng khác mà ở đó có những nét tương đối giống nhau.
- Ẩn dụ có một tầm quan trọng vô cùng trong câu văn. Biện pháp tu từ ẩn dụ giúp câu văn tăng sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt tạo nên một ấn tượng tốt trong lòng người đọc.
- Ví dụ:
Gặp đây mận mới hỏi đào,
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa,
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào!
-> Phép ẩn dụ trong câu ca dao trên là đôi nam nữ tỏ tình nhau nhưng lại không nói tên thật mà mượn hai cái tên là “mận, đào” để hỏi về “vườn hồng” có nghĩa là hỏi cô gái đã có người yêu chưa.
III. Bài tập minh họa
Bài tập 1: Khi nghe từ chắc trong tiếng Việt mà không đặt vào ngữ cảnh nào em có hiểu nghĩa từ "chắc" không? Hãy thử đặt từ "chắc" vào các ngữ cảnh cụ thể và nhận xét.
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung Ngữ cảnh và nghĩa của từ trong ngữ cảnh để làm bài tập - Đặt câu có từ "chắc" và nhận xét sự khác biệt
Lời giải chi tiết:
- Khi ta nghe thấy chỉ một từ "chắc" trong tiếng Việt thôi, thì không thể biết được người nói muốn nói gì tới nghĩa nào đó của từ này. Thế nhưng, từng nghĩa một của từ "chắc" sẽ xuất hiện rất rõ ràng, nếu ta nghe thấy nó trong các phát ngôn, những chuỗi từ đại loại như sau:
+ Lúa đã chắc hạt: lúa đã chín có thể thu hoạch được
+ Nhà xây rất chắc: nhà xây rất kiên cố
+ Lời nói chắc như đinh đóng cột: Nói một cách chắc chắn, khẳng định, kiên quyết không thay đổi.
Bài tập 2: Xác định và phân tích biện pháp tu từ trong các ví dụ sau:
Em tưởng giếng sâu
Em nối sợi gàu dài
Ai ngờ giếng cạn
Em tiếc hoài sợi dây
(Ca dao)
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung Ôn lại biện pháp tu từ ẩn dụ để làm bài tập
Tìm các biện pháp ẩn dụ và phân tích tác dụng của chúng
Lời giải chi tiết:
- Hình ảnh “Giếng sâu” - Tượng trưng cho tình cảm chân thật, sâu sắc
- Hình ảnh “Gàu dài” - Thể hiện sự vun đắp tình cảm
- Hình ảnh “Giếng cạn” – Thể hiện tình cảm hời hợt
- Hình ảnh “Sợi dây” – Thể hiện tình cảm biết bao lâu vun đắp
→ Bài ca dao sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ nhằm nhấn mạnh hàm ý than thở, oán trách người yêu hời hợt, không vun đắp nhiều tình cảm cho đối phương.